Quyết liệt, cam go 'cuộc chiến' bảo vệ vườn dừa trên ba dãy cù lao

Vừa trải qua những ngày hạn - mặn khốc liệt, nhiều vườn dừa tới đây sẽ xuất hiện lứa dừa đèo đẹt với hình thù, kích cỡ tựa trái… ca cao, những ngày trung tuần tháng 5/2024, lần lượt từ cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa của Bến Tre, PV Báo CAND giật mình khi được biết hàng nghìn người dân xứ Dừa đối mặt trước nạn sâu đầu đen (SĐĐ) đang hoành hành, bùng phát...

Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bến Tre – địa phương có diện tích dừa lớn nhất nước (trên 72.000 ha, chiếm 42,5% diện tích dừa cả nước) đã có nhiều giải pháp bền vững để cứu lấy vườn dừa – loại cây trồng chủ lực của khoảng 800.000 người dân nơi đây, trước sự tấn công ồ ạt của loài sâu bọ ngoại lai…

Chưa từng thấy trong đời

Dọc theo Quốc lộ 57, nhất là đoạn qua các xã An Định, An Thới, Ngãi Đăng, Cẩm Sơn, Tân Trung (thuộc huyện Mỏ Cày Nam – địa phương có vườn dừa lớn nhất nhì của Bến Tre với khoảng 17.000 ha), chúng tôi ghi nhận SĐĐ đã “hạ gục” hàng nghìn cây dừa mà nông dân phải mất vài ba thập kỷ mới có được.

Nhiều cây dừa dọc theo QL57 đổ gục sau khi bị sâu đầu đen tấn công.

Nhiều cây dừa dọc theo QL57 đổ gục sau khi bị sâu đầu đen tấn công.

Qua khỏi chợ Tân Trung một đoạn, nhất là khu vực gần cầu Tân Huề có nhiều vị trí tập kết thân dừa đang chờ người mua chở đi. Nhìn những cây dừa bị SĐĐ tấn công làm bay mất đọt, chết khô, được chủ vườn đốn hạ xuống, đoạn ra thành từng khúc, trong đó có những cây mang cả dấu tích bởi đạn bom từ chiến tranh,… ai cũng xót xa.

Một người dân xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phá bỏ vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: TTXVN.

Một người dân xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phá bỏ vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: TTXVN.

Luồn sâu vào những vườn dừa đẹp như trong tranh trên ba dãy cù lao, chúng tôi cảm nhận được thêm nỗi niềm của người trồng dừa. Nông dân Nguyễn Văn Hoàng (Ba Dừa), ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, vừa tét từng chét lá dừa cho chúng tôi xem mật độ dày đặc của SĐĐ vừa cho tôi biết, năm nay đã 60 tuổi và sống chuyên nghề dừa nhưng ông chưa từng thấy loài sâu bọ nào gây hại cây dừa khủng như thế. “Không như bọ dừa, loài sâu này tấn công lá rồi… thịt luôn cả trái. Bọ dừa đáp thì chỉ gây ảnh hưởng năng suất cho trái còn loài sâu này nếu không kịp phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách, coi chừng đi đứt luôn cả vườn dừa”, ông Ba Dừa băn khoăn.

“Thành Thới B là một trong những xã đầu tiên của huyện bị SĐĐ tấn công, sau đó lây lan ra các xã khác như Đa Phước Hội, An Thạnh, thị trấn Mỏ Cày, Tân Trung,.... Và đến nay, dường như xã nào cũng có. Minh Đức, An Thới, An Thạnh đang bị nặng nhất do SĐĐ tái phát”, một cán bộ HĐND huyện Mỏ Cày Nam cho biết.

Cũng trên dãy cù lao Minh, tại huyện Mỏ Cày Bắc – nơi có khoảng 9.300ha dừa, một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bến Tre nhớ lại, SĐĐ xuất hiện và tấn công một số vườn dừa ở xã Tân Bình của huyện này vào gần cuối năm 2020. Ban đầu chỉ khoảng 5ha nhưng sau đó lây lan nhanh đến nhiều xã lân cận…

Tại cù lao An Hóa, hôm về xã An Hiệp – xã có khoảng 600 ha dừa của huyện Châu Thành, chúng tôi được người dân cho biết loài sâu ngoại lai cũng làm nhiều bà con lo lắng nhất là khi loài này gây hại cho cả dừa non và dừa đã cho trái, mà chúng còn tấn công cả dừa nước, cau kiểng và chuối.

Cam go “cuộc chiến”

Nông dân Huỳnh Văn Thanh, ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam cho biết khi phát hiện vườn dừa nhà mình bị SĐĐ tấn công (khoảng 80 cây, trên diện tích 0,4ha), ông lập tức cắt các tàu dừa bị sâu cắn phá đem đốt hoặc thả xuống mương nước để tiêu diệt sâu - kén, trứng. Tiếp đó, cũng nhằm giảm mật độ sâu, ông xịt thuốc hóa học tập trung nhiều vào mặt dưới của các tàu dừa còn trên cây. Sau khoảng 2 tuần, khi thuốc hết hiệu lực thì ông tiến hành thả ong ký sinh (OKS).

“Cuộc chiến” phòng, trừ sâu đầu đen tại Bến Tre đang quyết liệt.

“Cuộc chiến” phòng, trừ sâu đầu đen tại Bến Tre đang quyết liệt.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng sớm phát hiện và đặc biệt là nắm vững các biện pháp phòng trừ SĐĐ để bảo vệ vườn dừa một cách bài bản như ông Thanh. Một phần do đây là loài dịch hại ngoại lai khá mới đối với bà con. Việc việc sử dụng thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn (do đặc tính cây dừa có thân cao); đó là chưa kể công phun xịt khá tốn kém...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre cho biết, bên cạnh nỗ lực của nông dân, từ tháng 9/2022, tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng trừ SĐĐ trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tỉnh đã ghi nhận kết quả một đề tài khoa học (do Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh chủ trì; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) là đơn vị phối hợp thực hiện; Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả).

Sau khi xác định được đặc điểm sinh học của loài dịch hại nguy hiểm này, tỉnh cho xây dựng 4 quy trình nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (OKS) nhộng Brachymeria sp, OKS ấu trùng Bracon hebetor, OKS nhộng Trichospilus pupivorus và quy trình nhân nuôi và phóng thích thiên địch ăn mồi. Cùng với đó, tổ chức thí điểm 9 mô hình quản lý tổng hợp sâu ăn lá dừa theo hướng sinh học; 10 điểm nhân nuôi OKS trên địa bàn tỉnh (đã nhân nuôi thành công và tổng lượng OKS được phóng thích năm 2023 gần 310 triệu con OKS nhộng và ký sinh ấu trùng, vượt 3 lần so với kế hoạch).

Chính quyền tỉnh Bến Tre mong mỏi Trung ương quan tâm hỗ trợ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết cấp quốc gia để cứu lấy vườn dừa của tỉnh.

Chính quyền tỉnh Bến Tre mong mỏi Trung ương quan tâm hỗ trợ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết cấp quốc gia để cứu lấy vườn dừa của tỉnh.

Tín hiệu đáng mừng trong “cuộc chiến” bảo vệ vườn dừa trên 3 dãy cù lao Bến Tre là diện tích nhiễm SĐĐ đến cuối 2023 giảm dần. Lãnh đạo Sở KH&CN đánh giá, trước khi thực hiện đề tài, lũy kế tổng diện tích vườn dừa trên toàn tỉnh nhiễm SĐĐ là 1.576,6 ha. Đến khi triển khai thực hiện đề tài, áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, diện tích phục hồi là 728,55ha, diện tích bị nhiểm khoảng 850 ha. Sau khi các địa phương tổ chức nhân nuôi và thả OKS đến cuối năm 2023, con số chỉ còn gần 300ha, tỷ lệ nhiễm nặng chỉ chiếm 1,76% tổng diện tích nhiễm,...

Cùng với những nỗ lực khác, từ đầu 2024 đến nay, Bến Tre thực hiện kế hoạch duy trì nhân nuôi và phóng thích OKS SĐĐ hại dừa với mục tiêu sẽ phóng thích 240 triệu con OKS đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, đúng như nhận định ban đầu, ngành chức năng tỉnh Bến Tre ghi nhận dịch SĐĐ có dấu hiệu bùng phát lại, diện tích nhiễm SĐĐ tăng mạnh trong đầu năm 2024. Tại Mỏ Cày Nam, nếu như đầu năm 2023, có gần 292ha dừa bị nhiễm, đến cuối năm giảm còn 53 ha, song đến cuối tháng 4/2024 rồi, con số lại “nhảy” lên gần 130ha, nâng tổng lũy kế diện tích dừa bị nhiễm lên gần 640ha.

Nguyên nhân chính được lãnh đạo Sở NN&PTNT giải thích là do nguồn OKS ngoài tự nhiên giảm theo khi SĐĐ giảm, đồng thời vào thời điểm nắng nóng, OKS phát triển kém trong khi SĐĐ lại phát triển mạnh.

Không chỉ gây hại và tái bùng phát tại xứ Dừa, theo ghi nhận của Trung tâm BVTV phía Nam, SĐĐ đang ngày đêm lan rộng không chỉ vùng ĐBSCL mà sang khu vực Đông Nam bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh).

Trước thực tế đáng ngại này, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đã có văn bản đề nghị Bộ KH&CN sớm xem xét, hỗ trợ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp thiết cấp quốc gia, nghiên cứu các giải pháp quản lý tổng hợp SĐĐ hại dừa tại Bến Tre và vùng phụ cận, nhằm kịp thời giúp người dân trồng dừa có giải pháp mang tính khoa học, hiệu quả phòng trừ SĐĐ, góp phần nâng cao giá trị và bảo vệ vườn dừa, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem ra, “cuộc chiến” phòng chống SĐĐtại ba dãy cù lao vẫn đang quyết liệt nhưng tiềm ẩn nhiều cam go phía trước…

Thái Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/quyet-liet-cam-go-cuoc-chien-bao-ve-vuon-dua-tren-ba-day-cu-lao-i731558/