Quyết liệt xử lý những sai phạm trong khai thác, vận chuyển cát

Tỉnh Quảng Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh, thậm chí có thể sẽ rút giấy phép khai thác mỏ đối với những đơn vị bị phát hiện có sai phạm nghiêm trọng.

Huyện Đại Lộc là địa phương nằm ở hạ lưu sông Vu Gia, nơi có số lượng mỏ cát được cấp phép lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Do đó, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp.

Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị được cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện Đại Lộc, ngày 9-3 vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã cấp cho huyện Đại Lộc 1 cân tải trọng để tăng cường công tác cân tải trọng đối với các phương tiện vận tải trên các tuyến đường, trong đó có các xe vận chuyển cát.

Lực lượng kiểm tra liên ngành huyện Đại Lộc tiến hành kiểm tra tại một bến thủy nội địa.

Cân tải trọng này được giao cho Đội CSGT Công an huyện Đại Lộc quản lý, sử dụng và theo báo cáo của Đội, từ khi được cấp cân tải trọng đến nay, đơn vị này đã ra quân phát hiện, xử lý nhiều trường hợp xe tải chở cát chở quá trọng tải cho phép, trong đó có 2 trường hợp chở quá tải trên 150%.

Cụ thể, ngày 28-3, trong lúc tuần tra kiểm soát, Đội CSGT Công an huyện Đại Lộc phát hiện xe tải BKS 43C-041.29 do Nguyễn Văn Phơ (25 tuổi, trú xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) điều khiển có biểu hiện chở cát quá tải, lực lượng tuần tra đã ra hiệu lệnh dừng xe để tiến hành cân tải trọng và phát hiện xe này chở quá tải trên 150%.

Trước đó, ngày 22-3, Đội CSGT Công an huyện Đại Lộc cũng đã phát hiện xe tải BKS 43C-113.45 do Phan Tấn Đức (34 tuổi, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) chở cát quá tải trên 150% và đã tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên CAND, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết trên địa bàn huyện có 18 mỏ cát được cấp phép, trong đó 1 mỏ đã hết hạn.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Đại Lộc không đề xuất cấp mới, không đề xuất gia hạn các mỏ cát đã hết hạn để ổn định tình hình, không tạo thành “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển cát.

Mới đây, nhận tin báo của người dân về việc các đơn vị khai thác cát gây sạt lở bờ sông Vu Gia thuộc xã Đại Đồng, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đại Lộc khi kiểm tra đã phát hiện có tình trạng sạt lở bờ sông như phản ánh của người dân nên yêu cầu 2 đơn vị khai thác cát tại đây tạm dừng hoạt động, đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam để lập đoàn kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì đề nghị rút giấy phép hoạt động khai thác mỏ.

Khi chúng tôi đi thực tế tại huyện Đại Lộc thì cũng là lúc đoàn kiểm tra liên ngành của huyện này, do lực lượng Công an huyện làm chủ công, đã tiến hành kiểm tra tại nhiều điểm tập kết cát trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra xoay quanh 3 nội dung gồm kiểm tra giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm của phương tiện tham gia vận chuyển cát; hợp đồng kinh tế của chủ bến bãi với các phương tiện tham gia vận tải.

Hoạt động vận chuyển cát trên sông Thu Bồn qua địa bàn thị xã Điện Bàn.

Tiếp giáp với huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn cũng là địa phương có tình trạng khai thác, vận chuyển cát xây dựng rất sôi động. Theo ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, hiện trên địa bàn thị xã có 8 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác mỏ.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát, chính quyền thị xã Điện Bàn đã cho xây dựng 6 trạm chốt chặn quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản, cụ thể dọc sông Yên gồm 2 trạm ở xã Điện Hồng, Điện Tiến; dọc sông Thu Bồn các trạm đặt tại các xã Điện Thọ, Điện Phong, Điện Phương; sông Vĩnh Điện có trạm tại phường Điện Ngọc.

Thống kê cho thấy trên địa bàn thị xã Điện Bàn, hiện có 21 tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh mua bán cát, sạn tại các địa điểm bến, bãi tập kết cát, sạn nằm dọc theo nhánh chính và nhánh phụ sông Thu Bồn, nhánh chính sông Vĩnh Điện và sông Yên. Đa số các bến, bãi này đã hình thành từ lâu.

Phần lớn những bến, bãi tập kết cát, sạn nằm sát với các tuyến giao thông đường bộ và nằm liền kề các khu dân cư; do đó việc hoạt động kinh doanh mua bán tại các bến, bãi này thường xuyên xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, việc quy hoạch, bố trí, di dời, sắp xếp lại các vị trí xây dựng bến, bãi tập kết cát, sạn được chính quyền thị xã Điện Bàn đặc biệt chú trọng nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết cát, sạn trên địa bàn thị xã.

Qua khảo sát, kiểm tra, hiện nay trên địa bàn thị xã Điện Bàn có 14 bến, bãi cần xem xét, bố trí, sắp xếp và di dời. Trong đó, 5 bến bãi nằm trên địa bàn xã Điện Minh, 1 bến bãi nằm trên địa bàn xã Điện Phương (tuyến QL1A cũ), 1 bến bãi nằm trên địa bàn phường Vĩnh Điện (tuyến ĐT609), 2 bến bãi nằm trên địa bàn phường Điện An (tuyến ĐT609) và 5 bến bãi nằm trên địa bàn phường Điện Ngọc (tuyến đường Tứ Câu ĐT603).

Một trạm chốt chặn quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản dọc sông Thu Bồn.

Trước thực trạng đó, chính quyền thị xã Điện Bàn đã có chủ trương quy hoạch các bến bãi tập kết cát, sạn ra khỏi khu vực nội thị thị xã, đưa về các khu vực vùng ven sông Thu Bồn.

Không chỉ chỉ đạo các địa phương tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam còn trực tiếp chỉ đạo xác minh làm rõ nhiều vụ việc khai thác, tập kết, vận chuyển cát có dấu hiệu sai phạm trên địa bàn.

Cụ thể, vừa qua, khi có thông tin 1 bãi tập kết cát không phép tồn tại nhiều năm nay ở huyện Duy Xuyên, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng UBND huyện Duy Xuyên xác minh, làm rõ. Nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/quyet-liet-xu-ly-nhung-sai-pham-trong-khai-thac-van-chuyen-cat-435775/