Quyết tâm 'chỉ được thắng' trong trận Điện Biên Phủ

Phương hướng chiến lược do Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vạch ra là: Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Phương hướng chiến lược do Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vạch ra là: “Tìm chỗ yếu của địch mà đánh, bắt địch phải phân tán lực lượng. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều. Chúng ta chỉ được thắng, không được bại” (trích báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư).

Kế hoạch tác chiến cũng được Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo trước hội nghị Bộ Chính trị họp ở Tỉn Keo cuối tháng 9/1953.

Ảnh tư liệu.

Cả một phương hướng chiến lược lớn của Đảng và cả một kế hoạch quân sự đồ sộ của lực lượng vũ trang ta trong Đông Xuân 1953-1954, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này kể lại, đã được Bác Hồ khái quát bằng một cử chỉ hết sức đơn giản và dễ hiểu như sau: “Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên rồi nắm lại.

Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng”. Vậy hướng nào là hướng địch yếu, đồng thời lại là nơi quan trọng mà địch không thể bỏ?

Bộ Chính trị đã đánh giá tình hình và quyết định: Những hướng địch vừa yếu, vừa sơ hở lại vừa có tầm chiến lược không thể rút một khi quân ta tiến công, đó là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào. Nếu chúng ta dùng một bộ phận lực lượng tiến công những nơi ấy, tất kẻ địch phải phân tán quân cơ động ở đồng bằng Bắc bộ để tăng cường.

Chúng sẽ bị giam chân ở những nơi đó. Đến lúc binh lực địch bị chia năm xẻ bảy, lực lượng của chúng bị suy yếu, ta sẽ chọn thời cơ, chọn điểm quyết chiến chiến lược và sẽ nhanh chóng tập trung các đại đoàn chủ lực để giáng cho địch đòn quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Giống như một cuộc đấu trí trên bàn cờ tướng, vào một ngày đầu tháng 11/1953, Bộ Thống soái của ta hạ quyết tâm đi nước cờ đầu tiên, ra lệnh cho Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc. Cả Tây Bắc lúc này, sau khi Navarre cho 7 tiểu đoàn rút chạy khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản bằng đường không (từ ngày 08 đến 12/8/1953), chỉ còn lại cứ điểm Lai Châu cùng một số cứ điểm nhỏ lân cận.

Giữa tháng 11/1953, Đại đoàn 316, đại đoàn “sơn cước”, thiện chiến của miền rừng núi, rời Thanh Hóa lên Mộc Châu, hướng về Sơn La. Phát hiện Đại đoàn 316 lên Tây Bắc, lo cho số phận của Lai Châu và số phận của Luang Prabang, kinh đô nước Lào, Tổng chỉ huy Navarre vội vàng tổ chức cuộc hành binh “Hải Ly” (Castor), trong hai ngày 20 và 21/11/1953, sử dụng 60 máy bay vận tải Dakota, nhiều máy bay oanh tạc hạng nhẹ B-26 yểm trợ, thả sáu tiểu đoàn lính dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ1, một cuộc hành binh không hề có trong kế hoạch ban đầu của Navarre.

Tuy vậy, vẫn chưa thật an tâm, lo sợ quân lính ở Lai Châu bị Việt Minh tiêu diệt, Navarre cấp tốc ra lệnh cho ba tiểu đoàn ở Lai Châu rút chạy về Điện Biên Phủ.

Không bỏ lỡ cơ hội, từ Tổng hành dinh tại chiến khu Việt Bắc, Bộ Chỉ huy ta lập tức ra lệnh cho Đại đoàn 316 gấp rút đuổi theo chặn đánh địch2. Trong 10 ngày đêm liên tục truy kích, trên chặng đường dài trên 100 ki-lô-mét, bằng những trận thắng giòn giã ở Pa Ham, Bản Tấu, Pu San, Mường Pồn, Mường Tòng... bộ đội 316 đã tiêu diệt và làm tan rã 24 đại đội địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Lai Châu, chỉ trừ thung lũng Điện Biên.

Trước đòn đau Lai Châu, càng lo cho số phận của kinh đô Lào nếu một khi Điện Biên Phủ rơi vào tay quân Việt, Navarre quyết định điều thêm nhiều tiểu đoàn cơ động nữa lên tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến nó thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, với binh lực lên tới 12 tiểu đoàn.

Thế là chỉ bằng một cuộc hành quân thần tốc và sau đó, bằng một loạt trận vận động chiến xuất sắc, Đại đoàn 316 đã mở đầu chương oanh liệt của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 khiến cho kế hoạch của chủ tướng Navarre bắt đầu bị đảo lộn. Đây là đòn tiến công chiến lược thứ nhất của Bộ thống soái ta, mà ta có thể hình dung là một trong năm ngón tay của Bác Hồ, buộc chủ tướng thực dân Navarre lần đầu tiên phải phân tán lực lượng.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/quyet-tam-chi-duoc-thang-trong-tran-dien-bien-phu-post1473703.html