Quyết xử phạt bợm nhậu lái xe

Hôm qua (16.8), 4 địa phương được Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an chọn để mở đợt ra quân cao điểm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa nhằm bảo đảm an toàn giao thông từ ngày 16.8 đến 5.9 đều là các thành phố lớn gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, tập trung kiểm tra, xử lý vào các hành vi vi phạm như: Lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải...

Cảnh sát giao thông tiến hành ra quân đo nồng độ cồn tại các tuyến phố của TP.Đà Nẵng đêm 16.8. Ảnh: H.L

PV Báo Lao Động đã theo chân lực lượng chức năng tại các “chốt” gần các quán nhậu để bắt các “ma men” điều khiển phương tiện giao thông…

Uống hai cốc bia - nộp phạt tiền triệu

Trong ngày đầu ra quân, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực nội thành Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đã tập trung một lực lượng rất lớn để kiểm tra xử lý về vi phạm nồng độ cồn trên toàn thành phố. Các đội CSGT đã tung quân kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Có mặt tại chốt làm việc của tổ công tác thuộc Đội CSGT số 7 trên đường Lê Văn Lương kéo dài, các chiến sĩ CSGT tại đây đã kiểm tra và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.

Theo tin báo từ các chiến sĩ CSGT cải trang tại các khu vực quán, nhà hàng ăn uống trên địa bàn, tổ công tác tiến hành ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn với lái xe mang biển kiểm soát 29C 60177. Kiểm tra bằng máy đo nồng độ cồn chuyên dụng với ông Nguyễn Văn Tính (SN 1975, Mỹ Đức, Hà Nội), tài xế chiếc xe trên phát hiện ông Tính vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Cụ thể, qua số liệu kiểm tra, trong hơi thở của người đàn ông này có nồng độ cồn là 0,093 miligam/1 lít khí thở.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm, lập biên bản tình trạng xe và tiến hành tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với ông Tính và tạm giữ chiếc xe ôtô 7 ngày. Mếu máo tâm sự với PV, ông Tính cho biết, ông chỉ uống có đúng một cốc bia và cho rằng hình phạt như thế là quá nặng.

Một trường hợp khác khiến lực lượng CSGT mất rất nhiều thời gian trong công tác kiểm tra nồng độ cồn là ông Nguyễn Văn Nam (SN 1963, Thanh Trì, Hà Nội). Ông Nam là tài xế chiếc xe ôtô mang biển kiểm soát 29A - 599.63 đang lưu thông trên đường. Khi được lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn, trong quá trình tiến hành đo nồng độ cồn, lái xe Nam không thực sự hợp tác và chấp hành theo yêu cầu của tổ công tác. Kết quả từ máy đo cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của ông Nguyễn Văn Nam là 0,622 miligam/1 lít khí thở, vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện khá cao. Trao đổi tại địa điểm làm việc về trường hợp này, một chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn cho ông Nam cho hay, với lỗi vi phạm như vậy, ông sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 18 triệu đồng, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe theo quy định.

Tại Đà Nẵng, ngày và tối 16.8, Công an TP. Đà Nẵng đã triển khai lập chốt ở hầu hết các tuyến đường có nhiều quán nhậu, nhà hàng, điểm du lịch, khu vực thường xảy ra TNGT... để kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Theo lãnh đạo Phòng CSGT TP. Đà Nẵng, bắt đầu từ 19h tối, 6 chốt giao thông sẽ được lập trên khắp TP. Đà Nẵng để tiến hành đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Mặc dù theo quy định là 19h tối, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đo nồng độ cồn đồng loạt nhưng khoảng 17h30, tại chốt tuần tra ở Quảng trường 2/9, PV ghi nhận không khí làm việc nghiêm túc của các chiến sĩ CSGT. Nhiều phương tiện khi được các chiến sĩ CSGT ra hiệu dựng xe đều tuân thủ chấp hành.

Theo đại úy Nguyễn Thiên Hoàng - Tổ trưởng tổ tuần tra xử lý nồng độ cồn tại Quảng trường 2/9, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của TNGT có nguyên nhân từ việc người dân sử dụng đồ uống có cồn, chính vì vậy, lực lượng CSGT có quan điểm xử nghiêm người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định.

“Từ 19h trở đi là thời điểm người tham gia giao thông tăng cao, thời điểm này cũng là lúc nhiều người dễ vào các nhà hàng, khách sạn sử dụng đồ uống có cồn. Từ 19h - 20h tối cùng ngày, chúng tôi đã xử phạt 4 trường hợp người tham gia giao thông vượt quá nồng độ cồn” - đại úy Nguyễn Thiên Hoàng cho biết.

Theo anh Đặng Quý, người vi phạm giao thông khi vượt quá nồng độ cồn cho phép, buổi sáng anh có nghe được thông tin lực lượng chức năng sẽ tổ chức buổi ra quân xử lý các lỗi vi phạm về giao thông. Tuy nhiên, buổi chiều sau khi đi làm về, anh và bạn bè có sử dụng đồ uống có cồn để giải khát. “Tôi nghĩ mình chỉ sử dụng một vài lon bia nhưng không nghĩ như vậy là vi phạm luật giao thông. Sau khi bị xử phạt, lần sau tôi sẽ không tái phạm” - anh Quý cho biết

Phạt nặng để đảm bảo giao thông

Trao đổi với Lao Động, đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CAHN cho biết: “Tính đến 20h đêm ngày 16.8 đã xử lý 19 lái xe qua kiểm tra có độ cồn vượt mức cho phép. Chúng tôi sẽ làm nghiêm bởi tình trạng lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Đây cũng là đợt ra quân nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội dịp lễ 2.9 sắp tới”.

Nhiều tài xế vẫn còn ngơ ngác vì không hiểu tại sao mình phải chịu mức phạt nặng đến như vậy.

Lãnh đạo phòng CSGT CA Hà Nội cho biết, để thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm có hiệu quả, đội đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như bố trí lực lượng mật phục hóa trang tại điểm khu vực quán bia, rượu. Ngay sau khi người uống rời quán, lực lượng này sẽ báo cho tổ công tác tại các chốt tuần tra kiểm soát để dừng xe, kiểm tra.

Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn như bảo vệ quán rượu, bia ngầm báo cho khách. Do đó, những vị khách này sẽ “cố thủ” tại quán, chỉ đến khi nào lực lượng CSGT rút thì họ mới ra về. Hoặc nhiều người có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng thường gây khó khăn, bất hợp tác với lực lượng CSGT.

Tuy nhiên, trong ngày đầu ra quân, trái ngược với không khí “nhộn nhịp” ở nội đô, ghi nhận các chốt CSGT ở ngoại thành lại cho kết quả khá khiêm tốn. Thông tin từ trung tá Bùi Văn Tiến - Đội trưởng Đội CSGT số 10, thì theo kế hoạch, đội đã lập tổ công tác đóng chốt ở ngã tư Kim Bài, huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, do trời mưa nhiều, lại đúng dịp ngày rằm nhiều hộ tổ chức ăn uống tại nhà, nên trên địa bàn quản lý của đội, các chiến sĩ CSGT không phát hiện trường hợp vi phạm nồng độ cồn nào.

Theo quy định, người điều khiển xe ôtô bị cấm sử dụng rượu bia. Nếu điều khiển xe ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-18 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm. Nếu lái xe ôtô cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với xe máy, nếu người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg/lít khí thở sẽ bị phạt. Người điều khiển xe máy vi phạm có thể bị phạt từ 1-4 triệu đồng. Nếu không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn, lái xe máy sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng.

Cần Thơ: Không có chuyện cấm bán rượu bia sau 22h

Tại Cần Thơ, lực lượng CSGT đã bố trí nhiều chốt chặn, đo kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường có nhiều quán, nhà hàng kinh doanh rượu bia, ăn uống. Ghi nhận thực tế của PV tại một tổ tuần tra trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Hòa, quận Ninh Kiều), trong khoảng thời gian từ 20h -21h, chỉ duy nhất một trường hợp vi phạm nồng độ cồn, còn lại đều không vi phạm.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP. Cần Thơ cho biết: Không có chuyện TP cấm bán rượu bia quá 22h trong tháng cao điểm. Qua khảo sát, các vụ TNGT thường xảy ra sau 22h đêm và thường tập trung vào những trường hợp có rượu bia trong người. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung tuần tra sau thời điểm này để kéo giảm tai nạn giao thông cũng như đảm bảo trật tự ATXH trong tháng cao điểm.

Tối 16.8, lãnh đạo CSGT TP. Cần Thơ cho biết: Chưa có số liệu chính thức về việc xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Do các đợt tuần tra chủ yếu tập trung vào buối tối nên sáng mai (17.8) sẽ có số liệu đầy đủ và chính xác nhất.

Chủ tịch TPHCM xin nhận trách nhiệm vì TNGT tăng cao

Chiều 16.8, tại hội nghị công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP - đã yêu cầu phó chủ tịch UBND Q.2 ra về và yêu cầu chủ tịch quận đến dự họp đúng thành phần. Một số chủ tịch quận 7, huyện Củ Chi vắng mặt tại cuộc họp cũng bị chủ tịch UBND TP phê bình. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, đây là cuộc họp quan trọng, UBND TP đã gửi thư mời đích danh chủ tịch UBND quận, huyện từ đầu tuần nên không có lý do gì phải vắng mặt.

Theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 1.835 vụ TNGT, làm chết 396 người và bị thương 1.497 người (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 50 vụ, tăng 53 người chết và số người bị thương giảm 52 người). Chỉ riêng tháng 7, TPHCM xảy ra 324 vụ TNGT, làm chết 69 người và bị thương 242 người (so với cùng kỳ năm 2015, tăng 28 vụ, tăng 15 người chết và giảm 3 người bị thương). Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết, TNGT có nguyên nhân do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao nhưng thành phố chưa có giải pháp hạn chế. Cụ thể: Nếu 6 tháng đầu năm 2015, mỗi ngày thành phố tăng thêm 100 chiếc xe ôtô đăng ký mới thì năm 2016 con số này 180 chiếc/ngày (tăng khoảng 80%). Hiện toàn thành phố có 7,6 triệu phương tiện, trong đó ôtô là gần 600.000 và con số này đang gia tăng theo từng ngày.“Phương tiện tăng nhanh, còn hạ tầng lại chưa theo kịp nhu cầu, cộng với ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, trong khi công tác kiểm tra xử lý của các quận, huyện chưa được chặt chẽ khiến cho trật tự ATGT trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp” - ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng: “Để TNGT tăng cao như vừa qua có nguyên nhân quan trọng là công tác chỉ đạo còn chưa tốt. Với tư cách Trưởng ban ATGT TP, tôi xin nhận trách nhiệm”.

Để giảm TNGT thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu công an TP tiếp tục ra quân bảo đảm an toàn giao thông, và triển khai các biện pháp nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu các quận huyện phải xác định rõ một quyết tâm và trách nhiệm của người đứng đầu để kéo giảm TNGT trên địa bàn TP trong thời gian tới. M.Q

NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/quyet-xu-phat-bom-nhau-lai-xe-584043.bld