Ra mắt 'Xẩm đỏ' - tư liệu quý về cố nghệ nhân Hà Thị Cầu

Những hình ảnh cuối của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu những câu hát, tâm tư về cuộc sống, truyền dạy hát xẩm cho thế hệ trẻ được quay năm 2012 trong bộ phim tư liệu "Xẩm đỏ" vừa được ra mắt.

Có thể nói "Xẩm đỏ" là những tư liệu quý về nghệ nhân Hà Thị Cầu trước khi bà bị ốm và không thể hát được nữa.Theo nhà sản xuất Lương Đình Dũng, video "Xẩm đỏ" được anh hoàn thành năm 2012 và chưa từng được phát hành cho tới điểm này.

"Xẩm đỏ" là bộ phim tư liệu dài 68 phút với những hình ảnh đẹp xoay quanh nghệ thuật xẩm cũng như chia sẻ về cuộc đời, nhân tình thế thái của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bộ phim không có lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật.

Lý giải về điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: "Mỗi bộ phim có một tính chất khác nhau. Nếu tôi đưa lời bình vào phim và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Tôi muốn khán giả tự cảm nhận như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật. Mặc dù khi thực hiện phim không sử dụng lời bình cũng hơi vất vả vì phải quay rất nhiều để tìm ra sự xâu chuỗi trong các hình ảnh ấy".

Đạo diễn Lương Đình Dũng hỏi chuyện nghệ nhân Hà Thị Cầu khi làm phim "Xẩm đỏ"

Nhà sản xuất và cũng là đạo diễn của "Xẩm đỏ" cho hay, khi bắt tay thực hiện quay về nghệ nhân Hà Thị Cầu, anh không nghĩ lại mất nhiều thời gian hơn dự tính. Lúc đầu anh và ê kíp dự tính quay trong thời gian một tháng, thế nhưng không ngờ quá trình quay đã phát sinh thời gian, đi lại giữa Hà Nội - Ninh Bình trong hai năm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu lúc đó đã 95 tuổi, có lúc hợp tác, có lúc từ chối. Lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên của căn bệnh tuổi già. Có lần đang hát nửa chừng nghệ nhân Hà Thị Cầu mất giọng thế là ngừng quay.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, là người say mê với xẩm, nghệ nhân Hà Thị Cầu là nghệ sĩ duy nhất khiến anh bị hút vào và không cảm thấy nản khi thực hiện. Cũng vì niềm đam mê đó mà video Xẩm đỏ anh làm không vì kinh doanh, không lợi nhuận, hoàn toàn vì tình yêu vô điều kiện với nghệ thuật xẩm nói riêng và với văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung. "Khi tôi quay cảnh cuối cùng, kết thúc Xẩm đỏ. Nghệ nhân Hà Thị Cầu nắm tay tôi nói: May mà con làm sớm, chứ bây giờ sắp không hát được nữa rồi con ơi. Nghe cụ nói vậy mà tôi buồn lặng người" anh Lương Đình Dũng tâm sự.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/ra-mat-xam-do-tu-lieu-quy-ve-co-nghe-nhan-ha-thi-cau-707390.html