Rác - không thể chấp nhận được

(ANTĐ) - Trong hàng loạt những công việc bộn bề chuẩn bị hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một việc tưởng nhỏ mà không nhỏ, đó là vấn đề rác thải ở Hà Nội. Phòng, chống nạn đổ rác, phế thải bừa bãi trên địa bàn Thủ đô đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội đặt ra như một công việc ưu tiên, kiên quyết thực hiện trong thời gian tới.

Chiều qua 20-10, đồng chí Lại Hồng Khánh - ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ trì một cuộc họp nhằm cụ thể hóa công việc này. Công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí và các sở, ngành chức năng đều thống nhất rằng, giải quyết tận gốc vấn đề rác thải như bố trí đầy đủ và phù hợp những điểm chôn lấp rác thải, khẩn trương sửa đổi những văn bản pháp quy đã quá lỗi thời và đặc biệt là phải áp dụng những chế tài mạnh để xử lý thật nghiêm tình trạng đổ rác thải bừa bãi mới là giải pháp cơ bản để mang lại hiệu quả, giữ gìn môi trường cho Thủ đô. Theo báo cáo mới nhất của Công ty MTĐT Hà Nội, tổng khối lượng rác sinh hoạt trên toàn thành phố ước tính khoảng 5.500 tấn/ngày, trong đó có khoảng 3.300 tấn trên địa bàn Hà Nội cũ là được thu gom và xử lý, còn khối lượng rác sinh hoạt phát sinh tại khu vực Hà Tây cũ khoảng 2.200 tấn/ngày hầu như chưa được thu gom và xử lý. Túi to, túi bé rác trên vỉa hè - (Ảnh chụp trên phố Hàng Gai) Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, họ phải sử dụng một hệ thống tổng thể các chính sách, biện pháp và các công cụ rất đa dạng để thực hiện xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường. Nói chung, các biện pháp này có thể được phân thành các nhóm: nhóm các biện pháp hành chính kết hợp với giáo dục và truyền thông môi trường; nhóm các biện pháp kinh tế - tài chính; trong đó, thuế và phí là hai công cụ quan trọng. Đối với rác sinh hoạt, các giải pháp cần có sự đồng bộ từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng nhu cầu xử lý rác, nâng cao ý thức tự giác không xả rác bừa bãi của người dân, đến việc xử phạt nghiêm minh những cá nhân đơn vị không chấp hành quy định và áp dụng các phương pháp tiên tiến trong việc xử lý rác. Ra đường vứt rác trở thành thói quen nhiều người - (Ảnh chụp trên phố Hàng Bông) Rác tràn ngập ở nơi công cộng - (Sau Lễ hội hoa 2009 tại tượng đài Lý Thái Tổ) ...ăn ngay cạnh rác - (Ảnh chụp trên phố Hàng Bông) Có thùng rác nhưng vẫn vứt rác ra đường - (Ảnh chụp trên phố Lê Thái Tổ đoạn vỉa hè bên hồ Gươm) Tại cuộc họp chiều qua, trách nhiệm của chính quyền xã, phường, quận, huyện trong việc phòng, chống nạn đổ rác, phế thải bừa bãi được tất cả các đại biểu nhất trí cao. Không có lực lượng nào khác là chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất trên địa bàn mình quản lý về vấn đề này, bao gồm tất cả các khâu tổ chức quản lý, kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt... Lâu nay, chúng ta thường hay nói đến việc ý thức kém của người dân trong việc tuân thủ luật pháp. Giao thông lộn xộn cũng được quy về ý thức của người tham gia giao thông kém; đổ rác bừa bãi ra đường cũng là do ý thức của người dân kém... Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Để hình thành ý thức, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, những chế tài xử phạt nghiêm để tạo nên thói quen tuân thủ luật pháp chính là điều kiện đủ. Dân trí của một nước là kết quả của một quá trình hun đúc, bồi đắp lâu dài thông qua ít nhất 3 con đường: giáo dục, sự thi hành luật pháp nghiêm minh, nhất quán và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự. Không thể mong muốn tạo lập ý thức tự giác chỉ riêng từ công tác tuyên truyền. Điều 46. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thu gom, vận chuyển và đổ rác thải 1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ rác không đúng quy định. 4. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các biện pháp sau đây: a) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; b) Buộc thực hiện đúng các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường. Điều 44. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; vứt rác không đúng quy định hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=60197&channelid=5