Rắc rối bản quyền truyền hình

Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có công văn (ngày 12-4-2010) gửi Đài Truyền hình TPHCM, Mạng truyền hình cáp HTVC thông báo về việc VSTV (một đơn vị thuộc VTV) đang độc quyền phát sóng một số giải bóng đá quốc tế trên kênh SuperSport 3 (gọi tắt là kênh S3) và yêu cầu HTVC ngừng phát sóng các giải này, câu chuyện bản quyền các chương trình truyền hình lại… “dậy sóng”.

“Vít” xuống từ trên trời Lâu nay, một số đơn vị kinh doanh truyền hình vẫn có thói quen phát sóng thoải mái các chương trình, không cần biết chủ sở hữu chương trình đó là ai. Với chương trình của nước ngoài, các đài thường “vít” từ trên trời xuống để phát sóng. Từ khi nước ta gia nhập WTO, tham gia Công ước Berne, chuyện bản quyền nói chung và bản quyền trên truyền hình nói riêng, bắt đầu được nhắc nhở, chú ý. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh truyền hình vẫn cố tình… làm ngơ hoặc “giả bộ” chưa hiểu thấu đáo, có vẻ như thiếu kinh nghiệm trong việc mua bán bản quyền, thi thoảng còn mua nhầm phải bản quyền “dỏm”. Còn nhớ trước đây, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VN (VTC) đã từng “vít” từ trên trời xuống để phát sóng đêm chung kết Hoa hậu thế giới 2006 (Miss World), trong khi đây là chương trình đã được VTV mua bản quyền phát sóng tại Việt Nam từ Công ty TVPlus. Vụ vi phạm bản quyền này dù đã được VTC thừa nhận và hứa bồi thường nhưng rút cuộc đã… chìm vào quên lãng. Mới đây nhất, kênh HD2 của VTC phát sóng hàng trăm tựa phim mới nhất của Hollywood mà không có bản quyền. Song song đó, kênh HD2 của VTC tiếp tục vi phạm bản quyền khi phát sóng bộ phim Tứ thần ký (dài 35 tập - ảnh poster phim). Khi phim phát sóng đến tập thứ 9, Công ty Thảo Lê - đơn vị có bản quyền bộ phim này, đã yêu cầu VTC phải ngưng vì vi phạm bản quyền. Ông Thái Minh Tần, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VTC, nhìn nhận những sai phạm này, nhưng cố vớt vát: “Chúng tôi làm như vậy là để phục vụ nhân dân”. Nói như thế là ngụy biện, vì muốn xem được kênh HD của VTC, khách hàng phải mua một đầu số HD có giá 4,6 triệu đồng, cùng với tiền thuê bao 1,2 triệu đồng/năm. Nếu khách hàng chậm nộp thuê bao, sẽ bị cắt ngay tín hiệu. Do vậy, chuyện VTV mua bản quyền phát sóng độc quyền tại Việt Nam một số giải bóng đá quốc tế như: Giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha (La Liga), UEFA Europa League, UEFA Champions League, Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức, Pháp, Brazil, Copa Libertadores, một số trận đấu thuộc giải V-League… và yêu cầu đài HTV, mạng truyền hình cáp HTVC không được phát các trận đấu này là hợp lý và đúng luật. Nhưng theo ông Lê Đức Hùng, Giám đốc HTVC: “Chúng tôi chấp nhận việc VTV có bản quyền phát sóng các giải bóng đá này nhưng VTV nên chia đều cho các đài truyền hình như vậy sẽ giảm giá thành và không chuyển lợi ích kinh tế về phía nước ngoài. Chưa nói đến việc, VTV mua bản quyền được các đài khác cũng sẽ tìm cách mua cạnh tranh vào những năm sau. Như thế, giá mua bản quyền chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao và phần thiệt thòi chính là người dân”. Ông Lê Đức Hùng có lý, bởi trước đây HTVC và SCTV đã từng xảy ra tranh chấp bản quyền phát sóng các chương trình trên kênh ESPN. Cuối cùng, HTVC và SCTV đã ngồi lại thương thảo cùng chia sẻ bản quyền, chấp nhận cạnh tranh về phần dịch vụ. Bản quyền và chiến lược kinh doanh Trong trào lưu truyền hình trả tiền phát triển nhanh chóng như hiện nay, chuyện sống còn với một kênh truyền hình chính là vấn đề định hình kênh và có bản quyền phát sóng các chương trình hấp dẫn. Nếu 4 - 5 năm trước, các giải bóng đá quốc tế được phát sóng thoải mái trên hai hệ thống truyền hình cáp SCTV và HTVC mà không có đơn vị nào đặt vấn đề bản quyền thì nay, chuyện bản quyền đã được đưa ra khi kênh truyền hình K+ chính thức ra mắt (kênh truyền hình của VSTV) với thông báo: “K+1 sẽ phát sóng 4 giải bóng đá quốc tế gồm: UEFA Champions League, UEFA Europa League, La Liga và Giải bóng đá Liên đoàn Pháp (Ligue 1). Trong 4 giải đấu này, K+ đã mua bản quyền phát sóng độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam các trận đấu của giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha và bản quyền phát sóng độc quyền trên hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam 2 giải UEFA Champions Leauge và UEFA Europa League”. Vậy là từ nay, người hâm mộ bóng đá VN chỉ có thể được xem trực tiếp các giải này khi mua gói dịch vụ của K+ (một bộ set-top-box giá 1,5 triệu đồng và 250.000 đồng/tháng thuê bao). Với các bộ phim và các chương trình âm nhạc nước ngoài cũng vậy. Các đài truyền hình chỉ có thể phát sóng khi đã mua bản quyền. Giá bản quyền của các chương trình này tại Việt Nam là “không quá mắc và không phải không mua được, nếu thực sự muốn mua” - lời một người đang kinh doanh truyền hình. Được biết, hiện nay một phim của Hollywood có giá bản quyền tại VN là vài ngàn USD/tựa phim và giá cả tùy theo tổng doanh thu bán vé của phim đó; tiền mua bản quyền âm nhạc nước ngoài khoảng vài trăm ngàn USD/năm. Cũng những bộ phim ấy, chương trình âm nhạc ấy nếu bán cho nước khác cũng thuộc khu vực châu Á (Nhật Bản chẳng hạn), tiền bản quyền lớn hơn gấp nhiều lần. Đã đến lúc, các đơn vị kinh doanh truyền hình phải thực hiện nghiêm túc vấn đề bản quyền phát sóng và nên xem đó là chủ trương và chiến lược kinh doanh. Bởi nếu không, sẽ phải đối mặt với kiện thưa đồng nghĩa với việc mất uy tín kinh doanh trong và ngoài nước. Một số đơn vị nước ngoài hiện vẫn xem Việt Nam chưa phải là thị trường tiềm năng, song thời gian gần đây, họ đã có những đơn vị đại diện tại Việt Nam để tiến hành việc mua bán bản quyền một cách bài bản và chuyên nghiệp. Mọi vi phạm đều được ghi nhận, nhắc nhở. Nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc và nâng cao tinh thần trách nhiệm sẽ không tránh khỏi phiền phức và mất uy tín khi bị kiện thưa. Nên chăng, có sự phối hợp tốt hơn giữa các đầu mối cung cấp bản quyền, và các nhà đài nên bắt tay nhau bàn thảo, thương lượng việc mua bản quyền phát sóng các chương trình của nước ngoài; vừa giảm chi phí, vừa có thể phục vụ được đại đa số người dân NHƯ HOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thitruongkt/2010/4/223771/