Rác thải 'tấn công' nông thôn

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm rác thải tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định đang rất nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.

Rác thải tràn lan

Tại hầu hết các vùng nông thôn, việc người dân tự "quy hoạch" nơi đổ rác là chuyện bình thường... ở xã. Những bãi rác lộ thiên ngay các khu đất trống, ven kênh mương, đầu cầu, ven đường giao thông... ngày một nhiều với rất nhiều các loại rác, như: bao bì ni-lông, chai nhựa, chai thủy tinh, các loại đồ đạc, vật dụng, quần áo cũ...; thậm chí, có cả xác các loại gia súc, gia cầm. Những bãi rác tự phát phình to theo thời gian, bốc mùi hôi thối nồng nặc; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chính sức khỏe người dân.

Ông Võ Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, H. Phù Mỹ (Bình Định), thẳng thắn: "Xã Mỹ Trinh đã về đích nông thôn mới vào năm 2015; tuy nhiên, hiện dịch vụ thu gom rác thải tại địa phương chưa được triển khai. Vướng mắc lớn nhất là việc đa số người dân không hợp tác; họ không đồng ý đóng phí thu gom rác hàng tháng với lý do ở nông thôn đất rộng, có thể tự xử lý bằng cách chôn lấp ở vườn nhà hoặc vứt ra môi trường". Còn theo ông Diệp Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, H. Hoài Nhơn: Nhiều chủ tàu ở nơi khác đến, khi neo đậu tàu, thuyền tại khu vực Cảng cá Tam Quan, họ vứt các loại rác thải một cách tràn lan. Chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, nhưng do ý thức kém nên nhiều người vẫn vô tư thực hiện hành vi này.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là dịch vụ vệ sinh môi trường chưa "phủ sóng" đến tất cả các vùng nông thôn nên nhiều người dân đành vứt rác bừa bãi ra môi trường (!?). Ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, H.Phù Cát, tâm tư: "Dịch vụ thu gom rác thải chưa "phủ sóng" tới xã nên hầu như bà con xử lý bằng cách dồn tất cả các loại rác vào bao tải rồi đợi đêm tối mang đi vứt. Thực tế này khiến xã rất "đau đầu"; bởi năm 2018, xã Cát Hưng sẽ về đích nông thôn mới, nhưng tới nay chưa đạt tiêu chí môi trường". Trong số các địa phương chưa "phủ sóng" rộng khắp dịch vụ thu gom rác thải, H. Hoài Ân là nơi đang "nóng" nhất bởi chưa xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải đúng chuẩn nên việc thu gom rác chỉ tập trung ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Những xã còn lại, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tự xử lý tại nhà, nhưng rất ít người thực hiện. Họ thường gom tất cả các loại rác rồi đổ trực tiếp ra môi trường, tạo thành nhiều bãi rác lộ thiên.

Ông Nguyễn Hà Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ (Hoài Ân), cho biết: "Hiện nay, UBND huyện giao các xã tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư. Vì địa phương chưa đủ năng lực để làm việc này nên chủ yếu vận động, tuyên truyền bà con đào hố chôn lấp rác hoặc tập trung thành đống rồi đốt. Thực tế, rất nhiều bà con vẫn đổ rác, vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi".

Rác thải trên Tỉnh lộ 640.

Rác thải vứt xuống bờ sông.

Vướng kinh phí thực hiện

Đáng nói, tại các xã về đích nông thôn mới - đã đạt tiêu chí môi trường - như xã Cát Tân (Phù Cát); Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn); Hoài Châu (Hoài Nhơn); Phước Lộc (Tuy Phước); Mỹ Trinh (Phù Mỹ)..., rác thải vẫn tiếp tục "tấn công". Theo những địa phương này, để đạt được tiêu chí môi trường đã khó; giữ vững tiêu chí còn khó khăn hơn nhiều. Bởi địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, nhưng không ít người dân còn hạn chế trong bảo vệ môi trường nên lén lút vứt rác bừa bãi. Để thu gom, xử lý, địa phương cần khoản kinh phí khá lớn, nhưng ngân sách có hạn nên rất khó khăn. Mặt khác, hầu hết các địa phương chưa đủ năng lực thực hiện việc thu gom, xử lý rác đúng chuẩn và đảm bảo môi trường.

Khó khăn về kinh phí cũng là điều mà những đơn vị trực tiếp làm công tác thu gom, xử lý rác thải gặp hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường H. Tuy Phước, cho biết: Hàng năm, tổng chi cho dịch vụ vệ sinh môi trường luôn cao hơn tổng thu; điều này khiến công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí hoạt động hạn chế, nên phương tiện, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom rác ngày một tăng cao; nhất là việc thuê nhân viên trực tiếp thu gom rác vì mức lương còn thấp (trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng).

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Hùng, Hạt trưởng Hạt giao thông - công chính H. Phù Mỹ, phân tích: Hiện nay, tổng thu nhập của nhân viên trực tiếp thu gom rác đang làm việc tại Hạt dao động từ 2,65 - 3,4 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, rất khó thu hút người lao động; việc hạn chế về nhân lực khiến công tác thu gom rác trên địa bàn huyện chưa đạt như mong muốn. Còn ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng phòng TN-MT H. Hoài Ân, chia sẻ: Việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện luôn khiến các phòng, ban và UBND huyện "đau đầu". Bởi để làm việc này đòi hỏi có bãi tập trung, xử lý đúng chuẩn; muốn vậy phải đầu tư xây dựng, nhưng nguồn kinh phí quá lớn nên huyện đành bó tay. Cuối tháng 3-2017, UBND huyện sẽ đóng cửa bãi rác tạm tại khu vực Cụm công nghiệp Du Tự (thuộc thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ) vì đã quá tải; khi đó, chuyện thu gom, xử lý rác càng bức bách hơn.

"Trước mắt, huyện tính đến phương án thu gom rác (chủ yếu tại một số tuyến đường chính của thị trấn Tăng Bạt Hổ), rồi chở tới bãi rác H. Hoài Nhơn, Phù Mỹ xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung theo đúng tiêu chuẩn mới mong đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay", ông Rô cho biết.

C.Luận

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_162896_ra-c-tha-i-ta-n-cong-nong-thon.aspx