Rắn khuấy động Cù Lao Dung

Chỉ trong thời gian ngắn, rắn độc cứ “đều đều xuất hiện” và hàng chục vụ rắn cắn người tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã làm cho người dân ở đây hoang mang tột độ.

Vừa đến đã gặp rắn “chào” “Dừng lại. Coi chừng!”. Có điều gì đó bất thường trên con đường xi măng nối xóm rẫy Vàm Hồ ra trung tâm xã An Thạnh Nam. Chúng tôi thắng xe, dừng lại cách “vật lạ” vài mét, lúc này mới xác định đó chính là con rắn lục hột mè đang “hóng mát” giữa lộ. Theo những người hiểu biết về rắn ở Nam Bộ, lục hột mè là loại có nọc độc nhất trong số các loài rắn lục. Người thanh niên vừa cảnh báo cho chúng tôi xanh mặt: “May mà kịp thắng xe, nếu không tui đâm ngay nó rồi”. Rắn độc đã “chào” chúng tôi ngay khi đặt chân lên Cù Lao Dung. Chẳng trách người dân An Thạnh Nam từ vài tháng nay sống trong nơm nớp lo sợ vì rắn không hiểu từ đâu bỗng dưng xuất hiện với mật độ dày đặc. Không phải ở bụi rậm, rừng rú, mà chúng cứ nhắm thẳng vào địa phận của con người sinh sống mà vào. Trong “cuộc chiến” bất đắc dĩ này, đã có hàng loạt rắn độc bị người dân cảnh giác tiêu diệt và ngược lại, cũng có hàng chục người đã bị rắn tấn công từ nhiều phía. Vứt xác con rắn đã “chào” chúng tôi ra bờ cỏ, ông Tư Phục (ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, H.Cù Lao Dung) lắc đầu: “Rắn ở đâu mà nhiều quá vậy không biết”. Ông Phục nói, ở đây cứ cách vài hôm ông lại đập chết một con rắn. Người dân ở xã An Thạnh Nam thường xuyên phát hiện và diệt rắn như thế này Cùng lúc, phía bên kia sông, nhiều ngày liền gà nhà bà Trương Thị Hoa lớp chết, lớp mất tích một cách bí ẩn. Nghi ngờ thủ phạm là rắn, gia đình bà Hoa mở cuộc truy lùng. Lục soát các ngóc ngách, mọi người phát hoảng khi nhìn thấy con rắn no mồi nằm cuộn tròn trong hồ chứa nước bỏ không. Một cuộc “thi gan” đã diễn ra khi con bà Hoa dùng chĩa sắt tấn công “vị khách không mời” này. Bị đâm xuyên mình, nhưng con rắn vẫn cố sức cuộn mình bẻ cong cây sắt. Con rắn dữ nặng trên 1,5 kg bị giết, người ta mới toát mồ hôi hột khi phát hiện trên đầu nó rành rành hình mặt trăng (rắn hổ mang). Trong phạm vi vài cây số vuông thuộc xã An Thạnh Nam, chúng tôi không thể ghi xuể lời kể về những lần đột nhập của rắn vào phạm vi sinh sống của con người. Chỉ vài tháng, từ liếp mía, rẫy khoai, nhà vệ sinh, phòng ngủ của nhà dân đến trạm y tế, trụ sở công an xã… đều có rắn đột nhập vào. Anh Nguyễn Phước Thịnh, cán bộ trạm y tế xã chỉ cho chúng tôi xem xác con rắn nhỏ nằm bên góc nhà vừa bị diệt đêm trước. “Anh thấy nhỏ vậy chứ khi gặp mình là nó phùng mang to lắm”. Thịnh cho biết, cứ cách tuần là rắn lại lảng vảng ở trạm y tế xã. Nhân viên ở đây buổi tối đi đâu cũng phải thủ sẵn đèn và gậy để phòng xui rủi gặp rắn. Ông Nguyễn Văn Út Hậu, một người dân sống lâu năm tại khu vực trên bảo chưa bao giờ rắn lại xuất hiện nhiều như thời gian này. Chợ xã nhà cửa đông đúc như thế, nhưng rắn vẫn cứ vào. Cách đây vài hôm, khi ông cho vịt ăn ở sau hè thì con rắn hổ bất ngờ xuất hiện. May là nó chưa kịp tấn công. Ông Hậu kể, có lần một người cháu của ông đi tiểu sau hè nhà. Cảm giác dưới chân có gì đó lành lạnh, anh này nhìn xuống thì cóng người khi con rắn cứ “thong thả” bò qua chân mình. Anh lấy hết bình tĩnh để không nhúc nhích, đợi “ông” rắn bò qua mới dám chạy thục mạng vào nhà. Cho chúng tôi xem xác con rắn hổ mang chỉ cỡ khoảng ngón tay ngâm trong bình rượu nhựa, ông Kim Ngọc Minh (ấp Vàm Hồ A) nói đó là “chiến lợi phẩm” bất đắc dĩ của ông. Ông Minh nói, mấy lần thủy triều lên, rắn cũng men vào đến tận phòng nhà ông. Ông đã phát hiện đập chết 2 con tại nhà. Hai con còn lại, ông kiếm được ở nhà hàng xóm. Tuy chúng xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, nhưng lại cùng giống rắn hổ mang và cùng lứa. Ông Phan Văn Thức, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam nói, 8 năm công tác tại xã, chưa năm nào ông lại chứng kiến cảnh rắn xuất hiện cắn nhiều người và khuấy động đời sống bà con ở đây như thế. Vụ việc được xã báo lên trên hồi đầu tháng tư và mong được hỗ trợ để đối phó với tình trạng này. Nỗi sợ “rắn lạ” Xác con rắn hổ mang nhỏ bị đập chết tại trạm y tế xã Trạm y tế xã An Thạnh Nam có một bản thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm nay đến tháng tư đã có 10 nạn nhân bị rắn cắn đến trạm để chữa, chưa kể số dân bị rắn cắn tự đến các thầy rắn trong vùng điều trị. Còn đến thời điểm này, danh sách ấy đã dài thêm từng ngày. “Tội nghiệp, thằng Phol nó hiền như cục đất mà yểu mệnh. Nhìn thấy vợ con nó mà đứt ruột”, Chủ tịch xã Phan Văn Thức tiếc thương cho cái chết bất ngờ của người đàn ông hiền hậu ở ấp Võ Thành Văn. Chị Thạch Thị Sương, vợ anh Trầm Văn Phol kể, buổi chiều đầu năm, ba chồng chị lúc dẫn bò về chuồng gặp con rắn to phùng mang. Ông vào cho con trai hay để “xử lý”. Sợ rắn cắn bò, anh Phol đi tìm đuổi và bất ngờ bị rắn mổ vào chân. Anh được đưa đến thầy thuốc rắn ở Rạch Tráng và chết khi truyền dịch ở trạm y tế xã, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ. Người đàn ông vẻ mặt hốc hác ngồi lặng thinh rít thuốc bên góc giường. Dưới quầng mắt đỏ ngầu, hai hàng nước chảy thắm theo từng nếp nhăn. Buổi trưa, chúng tôi ghé nhà ông Trần Văn Phẩm (ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam) lúc vợ chồng ông vừa nấu mâm cơm cúng 7 tuần cho đứa con gái duy nhất. Tới giờ, chuyện con ông, em Trần Thị Diễm Thúy, bị rắn gì cắn chết vẫn là điều bí ẩn. Hàng xóm nói Thúy giỏi giang. Mười sáu tuổi, em làm lụng suốt ngày để nuôi cha mẹ yếu. Vừa xong vụ mía, em chuyển sang chặt lá dừa nước mướn ở các triền sông. Một buổi trưa đầu tháng tư, lúc đang lội sông chặt lá, em than không biết con gì cắn mà đau nhói ở đùi. Lội lên bờ, em thấy nơi vết thương có 2 dấu răng đang rịn máu. Người nhà tức tốc chở em đến các thầy thuốc rắn có tiếng trong vùng. Chở đến người thứ ba, thứ tư, nhưng đều gặp cái lắc đầu bất lực. Họ từ chối trị cho em với cùng một lý do là không xác định loài rắn nào cắn. Thường các thầy thuốc rắn miệt vườn hay nhìn dấu răng trên người nạn nhân để biết loài rắn gây ác. Nhưng ông Phẩm nói, trong trường hợp của con ông, các thầy thuốc rắn có tiếng trong vùng đều chịu thua vì dấu răng rất lạ. Vợ chồng ông Phẩm đành đau đớn nhìn con mình yểu mệnh, cũng trong chiều hôm đó. Sau cái chết của Thúy, nhiều người ở gần bị ám ảnh, không dám lội sông vì sợ “rắn lạ” cắn. Anh Nguyễn Hoàng Giang, hàng xóm của Thúy nói gia đình anh cũng làm nghề chặt lá dừa nước, nhưng bây giờ không dám xuống sông nữa. Giang nói vì chén cơm manh áo không bỏ nghề được, chứ anh “oải” khi phải xuống sông lắm. Bây giờ, khi chặt lá, người ta chỉ chờ lúc triều xuống mới chặt. Còn khi nước lên là phải nghỉ. Nếu như loài vật gây nên cái chết với em Thúy vẫn là ẩn số thì trước đó, chuyện bà Trần Thị Lẻn ở gần đó bị rắn lạ cắn đã tạo nên nhiều đồn đoán, về một loài rắn kỳ bí. Bà Lẻn lúc đi hái rau ngoài vườn đã bị rắn cắn vào tay. Người nhà đưa bà đến thầy thuốc rắn ở Rạch Tráng nhưng trị không khỏi. Sau đó, bà được đưa đến bệnh viện huyện và tắt thở lúc trên đường chuyển lên Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng. Sau khi bà Lẻn qua đời, nhiều lời đồn xuất hiện xung quanh loài vật gây nên cái chết của bà. Trong khi đó, một thầy thuốc rắn khác tại thị trấn Cù Lao Dung khẳng định bà Lẻn bị rắn “hổ bướm” cắn chết. Chính ông là thầy thuốc cuối cùng tiếp cận nạn nhân, nhưng cũng lắc đầu: “Chị ta đã... tới số rồi”. Cho đến giờ, vẫn chưa có một giải thích thuyết phục nào về tình trạng đột nhiên rắn xuất hiện hàng loạt ở Cù Lao Dung. Khi quá ít hiểu biết về các loài rắn, thì những hiện tương lạ này bị tô điểm bởi những sắc màu huyền bí là điều dễ hiểu. Tiến Trình

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/tnotuansan/pages/201022/20100527094020.aspx