Rằng hay thì thật là hay...

Đã vang danh từ lâu, nhưng mới đây tôi mới có dịp được tham dự lễ hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm-Hà Nội). Không như các lễ hội truyền thống khác thường được tổ chức vào mùa xuân, thời tiết mát mẻ, lễ hội Gióng Phù Đổng tổ chức vào hai ngày mồng 8 và 9 tháng Tư âm lịch-thời điểm bắt đầu nắng nóng gay gắt của mùa hè. Đến lễ hội này, tôi rất vui nhưng trong lòng vẫn còn vài điều trăn trở.

Nỗi trăn trở đầu tiên chính là không gian lễ hội quá chật hẹp. Ai cũng biết, lễ hội Gióng Phù Đổng từ lâu là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng và thu hút hàng vạn người đến tham quan, chiêm ngưỡng, bái vọng và thưởng thức những màn diễn, trường trận đặc sắc. Nhưng vào những giờ cao điểm, con đê bên bờ bắc sông Đuống đồng thời cũng là con đường chính dẫn vào khu vực lễ hội đã trở nên quá tải bởi xe cộ và dòng người qua lại chật như nêm. Ngay trước cửa đền Thượng và xung quanh bãi Soi Bia, vào giờ lễ Tế Thánh và hội trận Gióng, người đi hội phải chen chúc nhau đến ngạt thở mới có thể may mắn được nhìn các màn diễn, vai diễn. Trong khi đó, hai bên ven đê người dân địa phương vẫn lấn chiếm lề đường bày bán la liệt các đồ lưu niệm, hoa quả, bánh đa, nước mía... khiến cho con đường càng thêm bé lại! Nỗi trăn trở thứ hai, đúng hơn là một nỗi buồn-đó chính là “sự cố” xảy ra ngay trong và sau hội trận tại bãi Soi Bia. Theo nghi lễ truyền thống, ông Hiệu Cờ-vai diễn tượng trưng Ông Gióng và cũng là “linh hồn” của hội trận Gióng-làm động tác múa cờ lệnh trên ba chiếc chiếu cói và ba cái bát. Sau lần thứ ba múa cờ lệnh, chỉ chờ ông Hiệu Cờ đá bát văng ra ngoài và vừa bước chân ra khỏi chiếu, dân chúng đi xem hội xô tới ào ạt nhằm tranh lấy chiếu, bát để... hy vọng nhận được phúc, lộc của đức Thánh Gióng. Nhưng tục lệ xưa giờ đây đã bị biến tướng. Ngay lúc ông Hiệu Cờ đang múa cờ lệnh, một số thanh niên đóng vai các hiệu khác (như Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Tiểu cổ, Hiệu Trung quân) mặt đằng đằng sát khí, luôn trong tư thế sẵn sàng nhảy xô, nhảy bổ vào nhau để cướp giật, giằng co bát, chiếu, tạo ra một cảnh hỗn loạn khiến các lực lượng chức năng như: Công an, dân phòng, bảo vệ phải can thiệp hết sức vất vả. Trên thực tế, một vài thanh niên đã bị sứt đầu, mẻ trán, thậm chí bị đánh trọng thương phải mang đi cấp cứu. Đáng nói là, chính những người tham gia “cảnh hỗn chiến” đó thường là thanh niên được lựa chọn tham gia vào các vai diễn, màn diễn, chứ không phải là những người đứng bên ngoài xem hội. Một đồng chí trung tá công an (xin phép được giấu tên) của Công an huyện Gia Lâm bức xúc nói: “Mấy năm nay chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh lễ hội, song năm nào cũng phải ra tay “dẹp loạn” như thế. Và có khi chính chiến sĩ công an cũng bị thương tích bởi những thanh niên quá khích”. Còn phóng viên chúng tôi vừa chụp ảnh, quay ca-mê-ra trên bãi diễn ra hội trận, vừa phải nhanh mắt, nhanh chân để khỏi bị vạ lây. Nỗi trăn trở thứ ba, đó là cách làm thiếu tính chuyên nghiệp của địa phương. Cái sự thiếu này không phải ở chương trình, kịch bản lễ hội, mà ở sự quản lý, điều hành của Ban tổ chức. Do lễ hội đông người, lại có nhiều thành phần tham gia, nhiều phóng viên đề nghị được Ban tổ chức cấp thẻ tác nghiệp để thuận lợi trong quá trình làm việc nhưng tất cả đều bị từ chối với một lý do: Không có thẻ nào cả, ngoài thẻ của những người trong Ban tổ chức. Việc phân luồng giao thông ở trên bờ đê bắc sông Đuống cũng không được tiến hành bài bản, khoa học nên người, xe cộ có lúc vẫn cứ “hồn nhiên” ngược xuôi khiến cho tình hình giao thông trên trục huyết mạch của lễ hội bị tắc nghẽn, dồn ứ vào nhau, nhất là sau khi tan hội người về như... kiến vỡ tổ. Hàng vạn người về dự lễ hội, nhưng cũng không thấy mấy bóng dáng những nhà vệ sinh công cộng để phục vụ bà con, thế nên có lúc “bí quá” buộc người ta phải làm bậy! Đấy là chưa kể việc UBND xã Phù Đổng tự ý ra quyết định: Thu vé trông giữ xe máy 10.000 đồng/lượt, xe đạp 2.000 đồng/lượt (Quy định này do Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Cường ký và được niêm yết công khai tại lễ hội). Thực tế, quy định này trái với Quyết định 25/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, trong đó nói rõ mức phí trông giữ xe máy chỉ là 2.000 đồng/lượt và xe đạp là 1.000 đồng/lượt. Lễ hội Thánh Gióng đang có “cơ hội vàng” để được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” trong một tương lai gần. Tuy vậy, để lễ hội này xứng tầm với những giá trị đó, hơn ai hết, chính những người con của quê hương Phù Đổng cần nghiêm túc tự “soi” lại mình. Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp truyền thống, mỗi người dân cần phải nêu cao ý thức, thái độ, trách nhiệm để chung tay góp sức làm “trong sạch hóa” môi trường, không gian lễ hội Gióng, tránh những phiền toái không đáng có nêu trên. Bài và ảnh: Thiện Văn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/113494/Default.aspx