Ranh giới của tội ác

QĐND Online – Dư luận bàng hoàng trước thông tin Nguyễn Mạnh Tường (bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội) bị cơ quan Công an TP Hà Nội bắt giữ để điều tra về hành vi gây chết và ném xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng phi tang.

Thẩm mỹ viện Cát Tường. Nguồn: VOV.vn

Hành vi của Tường là đỉnh điểm của kẻ sát nhân vô nhân tính, trái với y đức của người thầy thuốc, chắc chắn sẽ bị dư luận lên án, bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, trước khi cơ quan điều tra, cơ quan pháp luật ra phán quyết về sự việc, chúng ta cùng bình tĩnh nhìn lại con người của bị can Tường, về ranh giới giữa y đức và tội ác.

Được biết, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là thành viên Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Hiệp hội Thẩm mỹ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tường đã từng có thời gian dài công tác tại các bệnh viện lớn trong nước, từng làm phẫm thuật hàng trăm ca, từng trả lời rất hay trên phương tiện thông tin đại chúng và có trình độ thạc sĩ y khoa. Điều đó nói lên rằng, Tường là người có kinh nghiệm, có học thức, am tường pháp luật. Vì vậy, hành động trái luân thường đạo lý, trái với đạo đức người thầy thuốc của Tường vừa qua là không thể biện luận, bao che bằng bất cứ lý do khách quan hoặc chủ quan nào.

Sau sự việc xảy ra, một quan chức ngành y Hà Nội cho biết, Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa đăng ký và chưa được cấp phép thực hiện các dịch vụ như như bơm ngực, cắt mí mắt, hút mỡ bụng, mỡ chi… Tuy nhiên, cơ sở y tế này lại quảng cáo và làm các dịch vụ trên trong thời gian dài. Giá kể, cơ sở ấy bé tẹo và nằm ở một nơi kín đáo thì đã đành, đằng này nó lại tồn tại ngay ở một con phố đông đúc và từng có rất nhiều người lui đến làm đẹp mà vẫn không bị phát hiện thì là điều đáng trách các nhà quản lý. Phải chăng, sự tồn tại của cơ sở y tế này và rất nhiều các cơ sở y tế khác có biểu hiện làm ăn trái luật chưa bị lôi ra ánh sáng do có sự "làm ngơ", "đỡ đầu" hoặc tiếp tay của chính quyền và cơ quan chức năng?

Chữa bệnh cứu người là nghề cao quý trong những nghề cao quý nhất. Tuy nhiên, đó cũng là nghề rất gần với sự "sát nhân" nếu không có y đức dẫn đường. Đại danh y Lê Hữu Trác, tấm gương sáng về y đức đã từng dạy: ""Thiện tâm cốt ở cứu người/ Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu/ Biết vui nghèo cũng hơn giàu/ Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…"". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Lương y như từ mẫu", thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. Trong thực tế, hằng ngày, hằng giờ, đa số các thầy thuốc đã tận tâm với nghề, đem kiến thức phục vụ bệnh nhân, cứu sống bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần. Có được điều đó là do họ đã tự tôi rèn y đức, y thuật nghiêm khắc. Họ đã giúp dư luận hiểu được cái thiện vốn dĩ là bản chất, là mục đích cao cả của người thầy thuốc.

Trở lại sự việc hỹ hữu ở cơ sở thẩm mỹ Cát Tường, chúng ta thấy, ranh giới giữa y đức và tội ác trở lên mong manh hơn bao giờ hết. Trong xã hội phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao. Làm đẹp cũng là một nhu cầu, nhưng không thể cứ có tiền và mong muốn được làm đẹp là đến cơ sở y tế thực hiện mà không tính đến những yếu tố khác quan trọng hơn. Người Việt ta vốn tình cảm và coi trọng sự tiện lợi mà ít nghĩ đến hậu quả xa hơn. Phải chăng, chính tâm lý tiện lợi đã vô tình gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý và cuộc sống của mỗi người. Rõ ràng là, khi thương mại hóa xâm nhập quá sâu vào ngành y mà chưa có biện pháp quản lý hiệu quả thì hậu quả mang đến là rất lớn. Sự việc này sẽ giúp các cơ quan chức năng nhìn lại thấu đáo hơn quá trình giáo dục, đào tạo và quản lý cấp phép hành nghề cho thầy thuốc. Đó cũng là bài học cho nhu cầu làm đẹp vốn chính đáng, nhưng cần phải thận trọng và có lựa chọn chính xác.

ĐỨC TÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/21/21/269403/Default.aspx