Rau răm ở lại: Chạm tim khán giả

Đủ hài hước nhưng đủ tinh tế và đủ sâu sắc để phải rơi nước mắt, Rau răm ở lại - vở diễn mới nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chạm đến trái tim của khán giả.

Đủ hài hước nhưng đủ tinh tế và đủ sâu sắc để phải rơi nước mắt, Rau răm ở lại - vở diễn mới nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chạm đến trái tim của khán giả.

Truyện ngắn Ơi Cải về đâu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ngay khi ra mắt đã gây xúc động cho độc giả. Khi đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng dàn dựng thành vở kịch 90 phút cho nhóm kịch Hướng Dương diễn theo mô hình kịch cà phê, vở diễn này đã gây ấn tượng khá lớn. Được chắp cánh bởi Hoàng Thái Thanh, một lần nữa, kịch bản này lại đến với công chúng.

Lần xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp, vở diễn có chiều sâu hơn hẳn. Vẫn là ông Năm Nhỏ với hành trình tìm con riêng của vợ đằng đẵng 12 năm trời, vẫn là quán “tâm sự” với những mảnh đời ít niềm vui, vẫn là anh chàng bán kem si tình Quánh Phú Thàng... nhưng câu chuyện đã đưa khán giả đến những cung bậc mới.

Cái mới đầu tiên là người dàn dựng. Đạo diễn Thái Kim Tùng - một cái tên rất mới đã “thổi làn gió mát” cho sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh bởi một câu chuyện buồn như Ơi cải về đâu không có nhiều cái tứ để mang tiếng cười đến khán giả. Vậy mà khán giả vẫn tìm thấy những tiếng reo vui trong đời sống cơ cực của những người tha hương, bám trụ bến phà Bắc Mỹ Thuận.

Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư trên sân khấu Hoàng Thái Thanh một lần nữa đã không còn giữ nguyên bản. Những bất ngờ trong tình tiết, tính cách, số phận nhân vật thực sự hấp dẫn người xem.

Vốn đã từng gây bất ngờ với việc làm mới một tác phẩm kinh điển như Lan và Điệp, việc sân khấu Hoàng Thái Thanh mang thêm tính cách mới cho nhân vật quen không còn lạ. Nhưng người xem bị thuyết phục bởi cấu tứ chặt chẽ, biến chuyển tâm lý rõ ràng của từng nhân vật.

Dàn diễn viên trẻ Đoàn Thanh Tài, Hoàng Vân Anh, Thư Quỳnh, Kim Phước, Thế Hải... hội tụ trong vở diễn, bên cạnh kinh nghiệm sâu khấu vững vàng của NSƯT Thành Hội, Ái Như... đã tỏa sáng, dù vai diễn của họ không là linh hồn của vở.

Từng mảnh đời nhỏ được thể hiện trọn vẹn, ghép lại nên một câu chuyện lớn đầy xúc động: cái tình của những người biết yêu thương, biết trân quý và chờ nhau. Ông Năm Nhỏ có 12 năm đi tìm con, cô Huệ chủ quán có hơn 10 năm chờ người đàn ông phụ bạc. Kết cục của hai người có thể khác nhau, có buồn, có vui nhưng giá trị của sự chờ đợi không phải là kết cục. Ít nhất họ cũng biết cái đích để hướng đến.

Nghệ sĩ Thành Hội trong vai ông Năm Nhỏ. Ảnh: Huy Sơn

NSƯT Thành Hội - “phù thủy” của những vở bi kịch trong vai trò là diễn viên chính của Rau răm ở lại đã làm hơn cả việc làm tròn vai diễn ông Năm Nhỏ. Khán giả khóc, cười cùng ông trên hành trình gần như ngớ ngẩn và không có hy vọng tìm được đứa con riêng của vợ thất lạc từ khi lên 8 tuổi, do quá lo sợ vì mình làm mất cặp trâu.

Tình thương của ông làm sống động một nhân vật không xuất hiện: Cải. Đôi bàn tay run, tấm bảng “Cải ơi, má chờ” treo trước ngực và cách ông gọi tên con khiến khán giả cảm nhận được sự hiện diện của cô gái bất hạnh ấy.

Nếu không coi ông Năm Nhỏ của Thành Hội, có lẽ sẽ khó lý giải vì sao ông lại cực đến vậy cho vai diễn này. Một ông già nhà quê, trực tính, hào sảng chỉ trong một thời gian ngắn bị số phận đưa từ cực cảm xúc này đến cực cảm xúc khác. Để khán giả hiểu ông Năm, nếu không có lao động nghệ thuật nghiêm túc, không có sẵn bề dày kinh nghiệm xử lý sân khấu, Thành Hội sẽ khó làm được điều này.

Trong vòng tay của những người lạ đã kịp bén rễ yêu thương, nước mắt của ông Năm Nhỏ trong cảnh kết của Rau răm ở lại thực sự ám ảnh. Mất bao lâu để nguôi đi thương nhớ?

"À ơi... Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay".

> "Thánh đường" của Hoàng Thái Thanh

> Carmen - Vở nhạc kịch của tự do

> Chuyển thể kịch nói vở "Tình lá diêu bông"

QUÝ YÊN

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/su-kien-van-hoa/rau-ram-o-lai-cham-tim-khan-gia/1098012/