REE khởi sắc nhờ yen Nhật đi xuống

Trong 9 tháng đầu năm, mảng văn phòng cho thuê đóng góp tới 43% tổng lợi nhuận ròng của REE.

Trái ngược với diễn biến nửa đầu năm 2016, những tháng gần đây đồng Yen Nhật bất ngờ đi xuống do giới đầu tư tiền tệ thế giới bán đồng yen để mua vào USD, nhất là kể từ khi ông Donald J. Trump trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nâng lãi suất trong tháng 12 này.

Nhưng nhờ đó tiền đồng giảm được phần nào sức ép khi quy đổi ra đồng yen. Hiện tại, tỉ giá VND/JPY được giao dịch tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank đã giảm mạnh từ mức đỉnh 220 VND/JPY vào giữa tháng 9 xuống chỉ còn khoảng 195 VND/JPY, tức gần tương đương với tỉ giá hồi đầu năm.

Đồng yen giảm giá sẽ là tin không vui đối với những doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật như FPT. Nhưng ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại mừng khấp khởi.

REE bất ngờ hưởng lợi

Đối với Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh REE, đồng yen giảm giá là tín hiệu rất tích cực. Trong 9 tháng đầu năm nay, REE đã phải chịu khoản lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết lên đến 384 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ chỉ 9 tỉ đồng của năm trước.

Một trong những thành viên gây ra lỗ lớn cho REE là Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với khoản lỗ tỉ giá khi đánh giá lại các khoản vay lên đến 672 tỉ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, khoản lỗ tỉ giá mà PPC ghi nhận chỉ 77 tỉ đồng.

Với việc đồng yen đi xuống nửa cuối năm, tình thế cũng đảo ngược hoàn toàn. PPC sẽ ghi nhận được ít nhất vài trăm tỉ đồng doanh thu tài chính trên báo cáo tài chính cuối năm nay và REE ít nhiều sẽ được hưởng lợi.

Tất nhiên, rủi ro đồng yen tăng trở lại vẫn còn đó, bởi xét về lâu dài, đồng yen Nhật vẫn là loại tài sản trú ẩn được giới đầu tư tiền tệ ưa thích, nhất là mỗi khi thị trường tài chính thế giới đối mặt với những cú sốc. Vì thế, REE vẫn còn chịu rủi ro biến động tiền tệ trong thời gian tới.

Trên thực tế, nếu loại trừ các khoản biến động tỉ giá, về cơ bản, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của REE vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá tích cực trong năm nay. Sau nửa đầu năm hụt hơi, lợi nhuận trong quý III vừa qua của REE đã khởi sắc trở lại với 246 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nếu loại bỏ khoản lỗ khác biệt từ liên doanh, liên kết khá bất thường trong năm nay thì lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của REE có thể sẽ đạt đến 1.043 tỉ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu như mảng văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định 11% (210 tỉ đồng), mảng cơ điện công trình M&E lại khá nổi bật trong 9 tháng đầu năm. Nhờ trúng thầu các dự án lớn như Ngôi Nhà Đức, The Nassim Thảo Điền... mà doanh thu của mảng này đã lên đến 1.087 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 27%, đạt 177 tỉ đồng.

Tiềm năng của M&E vẫn còn khá lớn. Tính đến cuối quý III, tổng giá trị hợp đồng lũy kế M&E mà REE ký được là hơn 4.600 tỉ đồng, đảm bảo được nguồn doanh thu và công việc ổn định cuối năm nay và cả năm sau.

Trong năm sau, dự kiến mảng văn phòng sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn hơn cho REE nhờ tòa nhà văn phòng cho thuê Etown Central (quận 4, TP.HCM) sẽ được đưa vào khai thác. Đồng thời, REE cũng đang rục rịch các kế hoạch thâu tóm mới trên lĩnh vực bất động sản và hạ tầng điện.

Bất động sản đang là mảng chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu lợi nhuận của REE. Ảnh: Sơn Phạm

Mùa săn M&A

Đúng như kỳ vọng của giới phân tích, việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) theo lộ trình thoái vốn của Chính phủ đã mang lại cơ hội cho REE gia tăng tỉ lệ sở hữu tại thành viên này từ 46,37% lên 50,61%.

VIID đang triển khai khá nhiều dự án lớn về nhà ở và văn phòng cho thuê như Khu Đô thị Ngọc Bảo Viên, dự án Platinum Complex, Platinum Plaza, STD Tower... Như vậy, kể từ quý IV năm nay, kết quả kinh doanh của VIID sẽ được hợp nhất vào báo cáo hợp nhất của REE, giúp gia tăng thêm lợi nhuận ròng cho Công ty. Được biết, bất động sản đang là mảng chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu lợi nhuận của REE. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, riêng mảng văn phòng cho thuê đã đóng góp tới 43% tổng lợi nhuận ròng của Công ty.

Mua thêm các công ty trong ngành điện là điều ban lãnh đạo REE đang nỗ lực thực hiện. Sau khi đầu tư vào một loạt doanh nghiệp thủy điện, nhiệt điện, gần đây REE đã mua lại thành công 19,2% cổ phần của Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH).

Sau một năm bị tác động bởi hiện tượng El Ninõ, các công ty thủy điện được kỳ vọng sẽ kinh doanh khởi sắc hơn trong năm sau. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán HSC, nhờ vị thế lớn trên thị trường phát điện Việt Nam với thị phần 9% (tương ứng 3.061 MW), REE sẽ giúp ích cho VSH trong việc đàm phán giá bán tốt hơn trong tương lai, cũng như giúp cải thiện công tác quản trị để nâng cao ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của công ty này.

Nhưng quân bài chiến lược của REE có thể còn nằm ở một mục tiêu khác. Mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE, đã đến thăm Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), ngôi sao mới trên thị trường điện Việt Nam.

Hiện REE chưa đưa ra thông tin chính thức nào về việc đầu tư vào NT2 nhưng nếu có được doanh nghiệp này, REE sẽ sở hữu thêm một tài sản tốt trong danh mục đầu tư của mình.

Trong năm 2015, lợi nhuận ròng của NT2 là 1.141 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, dù chịu nhiều bất lợi từ việc giá khí đi xuống, kéo giá bán điện giảm theo nhưng lợi nhuận ròng của NT2 vẫn đạt 860 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Một phần nhờ Công ty đã tiết giảm mạnh chi phí quản lý.

Gần đây, Bộ Công Thương cho biết đang xem xét đề xuất của NT2 về việc đầu tư thêm 2 dự án turbine khí và đưa chúng vào Quy hoạch điện VII. Nếu được chấp thuận, NT2 sẽ có cơ hội gia tăng công suất thêm 1.800 MW, tức gấp 3,4 lần so với quy mô hiện nay.

Nguyễn Sơn

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/ree-khoi-sac-nho-yen-nhat-di-xuong-3317191/