Resort trái phép ở Vườn QG Ba Vì mọc lên như thế nào?

Resort trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì vừa bị đình chỉ xây dựng. Ban giám đốc vườn quốc gia đã đem 53ha đất rừng cấm cho CĐT để đổi lấy 8 tỷ đồng.

Đình chỉ việc xây resort ở Vườn Quốc gia Ba Vì

Ngày 29/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có thông báo hỏa tốc ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng resort trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.

Ngay sau khi báo chí đưa phóng sự về việc ngang nhiên xây resort không phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội), ngày 29/2, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo Vườn Quốc gia Ba Vì yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình trái phép trên kể từ ngày 1/3.

Le Mont Bavi Resort & Spa ngang nhiên xây trái phép giữa khu rừng cấm quốc gia.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình trái phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Đồng thời phải báo cáo Bộ trưởng trước ngày 4/3.

Đem 53 ha đất rừng Vườn Quốc gia Ba Vì đổi 8 tỷ đồng

Trước đó, báo chí thông tin công trình có tên Le Mont Bavi Resort & Spa do Cty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) làm chủ đầu tư tọa lạc ở độ cao 600 m (cốt 600) giữa Vườn Quốc gia Ba Vì là khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... gần như hoàn tất và đưa vào sử dụng trong khi công trình lại chưa được phê duyệt dự án, chưa có giấy phép xây dựng.

Theo báo Tuổi Trẻ, Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì (thuộc Bộ NN&PTNT) thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì đã nhận của Công ty TNHH Phát triển công nghệ 8 tỷ đồng và “góp” 53 ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa với thời hạn 50 năm.

Cả khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi được hình thành trong Vườn quốc gia Ba Vì, ngay cạnh khu di tích lịch sử cách mạng, cứ điểm cao 600, không phải xây dựng “chui” mà được sự cho phép của Vườn quốc gia Ba Vì.

Việc cho phép xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi còn có lợi ích kinh tế mà vườn quốc gia được hưởng sau khi góp đất cho doanh nghiệp. Cụ thể thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì, Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ.

Hợp đồng liên kết được ký theo dạng Vườn quốc gia Ba Vì “góp” hơn 53 ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi, đổi lại Vườn quốc gia Ba Vì nhận 8 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Thời hạn liên kết kinh doanh được tính 50 năm từ ngày 10/9/2011 đến 10/9/2061.

Hợp đồng cũng thể hiện rõ: Vườn quốc gia Ba Vì sẽ bàn giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ quyền bảo vệ và quản lý... rừng và đất lâm nghiệp với diện tích hơn 53 ha, đổi lại về nghĩa vụ tài chính công ty có trách nhiệm trả cho vườn “phí đóng góp ban đầu” là 200 triệu đồng.

Tương tự, trong thời gian bên doanh nghiệp xây dựng tiếp tục có trách nhiệm trả cho Vườn quốc gia Ba Vì khoản “đóng góp để bù đắp” với số tiền 300 triệu đồng. Tiếp nữa trong thời gian liên kết 50 năm, hợp đồng thể hiện rõ mỗi năm doanh nghiệp phải đóng góp cho Vườn quốc gia Ba Vì 150 triệu đồng, tổng số tiền vườn quốc gia được hưởng trong 50 năm là 7,5 tỷ đồng.

Chưa hết, những chi tiết trong điều khoản hợp đồng còn thể hiện rõ việc góp đất rừng cho doanh nghiệp có nhiều lợi ích kinh tế mà Vườn quốc gia Ba Vì được hưởng, chỉ có diện tích đất rừng bị mất và giảm.

Không chỉ có khu vực cao độ 600-700 đã được Vườn quốc gia Ba Vì liên kết với doanh nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Hữu Thế - Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì - thừa nhận cả khu vực cao độ 400 với diện tích 60 ha cũng đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Theo ghi nhận, trên phần đất này có hàng chục công trình kiên cố đã được xây dựng từ nhiều năm qua, trong đó có cả những công trình xây mới như biệt thự.

“Khu cao độ 400 thì liên kết theo kiểu khác, khu này mình còn có cả cơ sở vật chất để góp vào liên kết làm du lịch, khu cao độ 600-700 thì mình chỉ góp đất, còn tiền xây dựng là của doanh nghiệp” - ông Thế lý giải.

Chủ đầu tư nói gì?

Ngày 28/2, tại cuộc làm việc với báo Lao động, ông Lương Ngọc Anh - Giám đốc Cty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa đã thừa nhận rằng, công trình của mình “còn thiếu một số giấy tờ mới có thể hoàn thiện hồ sơ”.

Ông Lương Ngọc Anh cho biết, từ những năm 30 thế kỷ XX, người Pháp đã xây một khu nghỉ dưỡng cao cấp với cả trăm nền biệt thự còn lại đến ngày nay. Việc phục hồi một khu du lịch sinh thái là cần thiết. Để bắt tay vào xây dựng Le Mont Bavi Resort & Spa, CFTD đã tiến hành xin đầu tư dự án theo đúng chủ trương, đúng quy hoạch.

Ông Lương Ngọc Anh cho rằng, CFTD đã hoàn tất hồ sơ cần thiết, song đề án vẫn chưa được Bộ NN&PTNT thẩm định và phê duyệt. “Đây là sự chậm trễ ngoài ý muốn của doanh nghiệp”, ông Anh nói.

Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, CFTD đã sai sót khi chưa hoàn tất hồ sơ, chưa được cấp phép đã đầu tư xây dựng.

Ông cho rằng, chủ đầu tư thì luôn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án vốn đúng quy hoạch, đúng chủ trương. Việc liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn là chủ trương của Bộ, Bộ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đồng ý cho VQG và CFTD ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái (từ năm 2008) nhưng 8 năm sau vẫn chưa phê duyệt Đề án là quá chậm trễ.

Chính vì sự chậm trễ này, CFTD đã phải “kêu” lên Chính phủ. Và ông Ngọc Anh thông báo, ngày 13/1/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 344/VPCP-KTN gửi Bộ NN&PTNT và CFTD thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn Công ty thực hiện theo quy định. “Mọi việc cũng chỉ dừng ở đó”, ông Lương Ngọc Anh cho biết.

>> Mời các bạn xem video resort xây trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (Nguồn: Youtube):

Minh Hiếu (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/resort-trai-phep-o-vuon-quoc-gia-ba-vi-moc-len-nhu-the-nao-643750.html