Reuters thừa nhận sự bất lực khi cố đối phó bom lượn

Theo Reuters, quân đội Ukraine chưa thể tìm ra biện pháp đối phó bom lượn khi không quân Nga sử dụng loại vũ khí này ngày càng nhiều.

Kích thước khổng lồ của bom lượn FAB-1500.

Bom lượn đang là một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất giúp Nga giành nhiều bước tiến trên chiến trường. Chúng cũng có nguy cơ khiến Ukraine mất thêm nhiều binh sĩ giàu kinh nghiệm, khi họ gần như không có biện pháp hiệu quả nào để đối phó.

Tiết diện radar nhỏ, thời gian bay ít và quỹ đạo bay khó đoán khiến bom lượn rất khó bị đánh chặn. Ukraine từng cảnh báo rằng bom lượn có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng và những đợt oanh tạc của Nga gần đây chứng minh điều này là đúng.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, nhận định: "Lực lượng Nga tăng cường đáng kể những trận oanh tạc bằng bom lượn có điều khiển hoặc không điều khiển vào vị trí của Ukraine trên tiền tuyến và khu vực hậu phương.

Nga liên tục oanh tạc bằng bom lượn để đạt hiệu quả chiến thuật trong chiến dịch công phá thành trì Avdeevka, nơi họ kiểm soát vào tháng 2".

Cả Nga và Ukraine đều sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến, do đó không bên nào giành được ưu thế trên không trong hai năm xung đột.

Tuy nhiên, khi Nga áp sát thành trì Avdeevka, bom lượn bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Ukraine ghi nhận tần suất oanh tạc bằng bom lượn gia tăng trong những ngày cuối bám trụ Avdeevka.

Chuyên gia tại ISW, George Barros, nhận định Nga đang hiểu rõ hơn về cách thức tiến hành các đợt tập kích diện rộng vào thành phố hoặc hạ tầng quan trọng của Ukraine để thăm dò năng lực phòng không đối phương.

"Khi khả năng ứng phó của phòng không Ukraine đạt đến cực hạn, Nga sẽ điều chiến đấu cơ tiến hành các đợt không kích bằng bom lượn", Barros nói.

Ở Avdeevka, bom lượn với sức công phá cực lớn liên tiếp được trút xuống công sự Ukraine. Các chuyên gia cho rằng tần suất oanh tạc cao của bom lượn là lý do chính khiến các vị trí của Ukraine không thể trụ vững.

Cường kích Su-34 Nga thường thả bom lượn ở vị trí cách tiền tuyến 50 km hoặc xa hơn, ngoài tầm bắn của gần như toàn bộ tổ hợp phòng không mà Ukraine sở hữu, trừ hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo, chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết.

Chuyên gia Bronk cho biết thêm, bom lượn chỉ có khả năng tấn công mục tiêu cố định, và rất hiệu quả khi dùng để công phá các công trình kiên cố trong khu vực giao tranh kéo dài như Avdeevka.

"Thực tế khiến chiến thuật oanh tạc bằng vũ khí tầm xa như bom lượn trở nên khá thực tế. Chúng mang lượng thuốc nổ lớn hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket, đặc biệt là bom FAB-1500 nặng 1,5 tấn. Loại vũ khí này gây tác động tâm lý lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí khác", Bronk nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Gavrylyuk, ngày 18/3 cho biết Nga đã ném hơn 3.500 quả bom xuống các vị trí của Ukraine từ đầu năm, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Bất chấp tần suất oanh tạc như vậy, kho dự trữ bom của Nga dường như không có dấu hiệu cạn kiệt.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thông báo ngành công nghiệp quốc phòng nước này tăng sản lượng một số loại bom đạn, trong đó có bom FAB-500 nặng nửa tấn, bom FAB-1500 nặng 1,5 tấn và bom FAB-3000 nặng ba tấn. Phần lớn những quả bom này đều có thể lắp bộ chuyển đổi để trở thành bom lượn.

"Nga đang củng cố thành công của họ với chiến thuật dùng bom lượn. Nga đã tìm ra cách đánh hiệu quả, do đó họ nhanh chóng tăng sản lượng bom", Barros nhận định.

Giới quân sự phương Tây cho rằng để giảm mối đe dọa từ bom lượn, Ukraine cần tăng cường đáng kể năng lực phòng không. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần nói kho vũ khí phòng không hiện nay không đủ để bảo vệ Ukraine khỏi các đợt tập kích liên tục, đồng thời thường xuyên kêu gọi đối tác phương Tây hỗ trợ thêm.

Tuy nhiên, quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng tranh cãi. Gói viện trợ này hứa hẹn sẽ cung cấp lô vật tư quân sự mà Ukraine đang mong đợi, trong đó có các tổ hợp phòng không và đạn tên lửa cho hệ thống Patriot.

Mặc dù vậy, giới quân sự cho rằng bom lượn của Nga không phải yếu tố duy nhất quyết định cục diện chiến sự, bởi nước này có lợi thế vượt trội về pháo binh so với Ukraine.

Những lợi thế của Nga, tình trạng vật tư quân sự của Ukraine ngày càng cạn kiệt và tương lai không chắc chắn từ viện trợ phương Tây đang khiến triển vọng chiến trường ngày càng u ám với Kiev.

Clip bom lượn FAB-1500 Nga đánh trúng vị trí Ukraine tại thành phố Krasnogorovka, Donetsk ngày 25/3.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/reuters-thua-nhan-su-bat-luc-khi-co-doi-pho-bom-luon-post677589.html