Rối loạn đa nhân cách - căn bệnh khó hiểu hay chỉ là sự tưởng tượng?

Một cô gái bỗng một ngày tự nhận mình là đàn ông và không chấp nhận bất kì một sự thật liên quan nào rằng mình là phụ nữ. Một chàng trai vốn bản tính hiền lành nhút nhát, bỗng nhiên trở thành một sát thủ và sau đó lại trở về bản tính cũ và không nhớ gì hết những hành động đẫm máu của mình...

Những điều kỳ lạ

Tất cả những trường hợp như trên được xem là biểu hiện của tình trạng rối loạn đa nhân cách, đây thực chất vẫn là một tình trạng bệnh được chẩn đoán có thể gây tranh cãi, căn bệnh tác động lên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc. Vấn đề thường gặp phải là sự cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Hiện nay vẫn chưa thống nhất nguyên nhân và cách điều trị. Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển. Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” tính cách như vậy nhưng những “mầm nhân cách” kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Gặp được hoàn cảnh thích hợp, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng MPD. Một số giả thuyết được đưa ra là bệnh nhân từ thời thơ ấu bị ngược đãi, thiếu cha hoặc mẹ, thiếu sự chăm sóc và bị tổn thương. Các yếu tố về thần kinh và gen như chấn thương não hay thiếu chất serotonin cũng được cho là một phần nguyên nhân. Bệnh này được nhận thấy ở những tù nhân- người có hành vi chống đối xã hội hay những người né tránh giao tiếp xã hội, ít bạn, hoặc những người ảo tưởng về danh vọng, sự nổi tiếng.

Trường hợp người bị mắc bệnh rối loạn đa nhân cách được biết tới nhiều nhất chính là Christine Costner Sizemore, một phụ nữ người Mỹ, bà vừa mới qua đời vào ngày 24-7-2016 ở tuổi 89 do một cơn đau tim. Bà được xem là nguyên mẫu cho bộ phim nổi tiếng của Hollywood đầu năm 1957 là 3 bộ mặt của Eve. Nhà báo người Anh Alistair Cooke đảm nhận vai trò dẫn truyện, kể câu chuyện vô cùng khó tin nhưng dựa trên những sự kiện có thật. Phim được chuyển thể từ cuốn sách của 2 bác sĩ tâm thần Corbett H. Thigpen và Hervey M. Cleckley, 3 bộ mặt của Eve do nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Joanne Woodward đóng vai chính - một bà nội trợ bị rối loạn đa nhân cách hay ngày nay gọi là rối loạn phân ly bản sắc. Cuối phim, nhân vật chính Eve với 3 nhân cách bao gồm Eve Trắng, Eve Đen và Jane khỏi bệnh. Các Eve biến mất, bà tiếp tục sống như Jane, kết hôn hạnh phúc rồi đoàn tụ với con cái. Ngoài đời, mọi việc khắc nghiệt hơn nhiều. Christine Costner Sizemore đã trải qua quãng đời khủng khiếp. Bà có đến 20 nhân cách và phải gặp rất nhiều bác sĩ tâm thần để chữa trị. “Bạn không hiểu khi đi ngủ mà biết rằng sáng hôm sau tỉnh dậy vẫn là chính mình tuyệt vời như thế nào đâu”, người phụ nữ trải lòng với The New York Post năm 1975.

Từ năm 2 tuổi, tâm trí Christine đã bị phân mảnh. Các bác sĩ tâm thần nhận định nguyên nhân xuất phát từ trải nghiệm khủng khiếp nào đó bởi phân ly được coi như một cơ chế phòng vệ, phản ứng trước những chấn thương nghiêm trọng hoặc lạm dụng thể chất, cảm xúc, tình dục kéo dài thời thơ ấu. Trên thực tế, Christine đã chứng kiến hàng loạt sự kiện như người mẹ bị chảy máu nặng do tai nạn nhà bếp, đám tang của đứa trẻ sơ sinh hàng xóm, xác chết bị kéo lê từ con mương và một người đàn ông bị chiếc cưa gỗ xẻ đôi. Hơn nữa, cô bé còn thường xuyên bị phạt một cách tàn nhẫn nếu không vâng lời. Suốt thời gian dài, giáo viên cùng gia đình nghĩ rằng Christine đang bày trò quậy phá hoặc nói dối mà không biết cô không hề nhớ những gì nhân cách khác làm. Trường học trở nên vô cùng khó khăn bởi dù nhân cách này ngồi học, nhân cách kia vẫn đến lớp với cái đầu rỗng tuếch và phá hỏng bài kiểm tra. Kết quả, Christine không thể hoàn thành trung học. Quan hệ với đàn ông cũng mang đến cho Christine những nỗi đau. Trước đám cưới với Gene Rogers rồi sau này là Done Sizemore, cô bị một gã đua xe lừa kết hôn và đánh đập dã man.

Về ở với Gene Rogers, Christine bắt đầu gặp gỡ bác sĩ Thigpen ở Augusta. Lúc này, nhân cách Eve Trắng từ tốn, tuyệt vọng cùng nhân cách Eve Đen buông thả luân phiên “cai trị” tâm trí người phụ nữ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện thêm nhân cách Jane, một cô gái trẻ tuổi vui vẻ nhạy cảm. Không hiểu nổi vợ, Rogers quyết định chia tay. Christine lên xe hoa lần hai với Don Sizemore, một thợ điện. Mỗi khi “chuyển” nhân cách, Christine bị đau đầu dữ dội.

Mỗi nhân cách ăn mặc, nói chuyện, ăn uống khác nhau. “Có lúc tôi nặng tới 80kg bởi ăn một lúc cho 3 người”, Christine nói. Đặc biệt, vài nhân cách biết lái xe, số còn lại thì không. Điều phiền toái là “họ” thay đổi liên tục vào thời điểm không ngờ tới. “Mẹ lái xe đưa tôi đến trung tâm mua sắm rồi không thể lái xe về”, Bobby, con trai Christine nhớ lại. Chia tay Thigpen, Christine tìm đến nhiều chuyên gia khác nhưng phải đến khi gặp Tony Tsitos, vị bác sĩ thứ 8, tình hình bà mới khá lên. Từ năm 1970, nữ bệnh nhân thực hiện liệu trình dài 4 năm để “tích hợp” các nhân cách. Năm 1974, Christine mơ thấy: “Các nhân cách tập trung ở đấu trường Hy Lạp, nắm tay nhau bước qua một tấm màn rồi biến mất, không bao giờ trở lại”. Từ đây, rối loạn đa nhân cách của bà kết thúc. Với mong muốn kể lại cuộc đời kỳ lạ của mình, Christine cho ra mắt cuốn tự truyện “Tâm trí của riêng tôi” vào năm 1989. 40 năm cuối đời, bà trở thành họa sĩ, thường xuyên diễn thuyết về bệnh tâm lý và tham gia làm phim tài liệu cho đến khi mất.

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống.

Cần có một lối sống lành mạnh

Người bị bệnh có thể trải qua tình trạng đột ngột bị mất trí nhớ hoặc tự nhiên thay đổi hẳn về mặt bản chất. Con người thường “tự phân ly bản thân mình” khi đứng trước một hoàn cảnh gây stress quá sức chịu đựng. Khi đó ý thức sẽ được cách ly với những gì đau thương nhất, cả trong ký ức, suy nghĩ và cảm xúc. Người bệnh trở thành một người hoàn toàn mới lạ, không nhớ gì về bản thân mình. Mặc dù những người được chẩn đoán là đa nhân cách thường không có hành vi bạo lực, nhưng cũng có những trường hợp nhân cách thứ hai với tính chất “xấu” sẽ tự do tung hoành mà trước đó đã bị ý thức ngăn cấm. Lúc này nhân cách “xấu” có thể giết người, tự tử, trộm cắp. Theo các nhà y khoa, bệnh nhân MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Họ bị 2 hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối, thậm chí có người có cùng lúc tới 37 nhân cách khác nhau. Cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi 2 nhân cách hoàn toàn trái ngược.

Theo những chuyên gia tâm lý thì khi có biểu hiện ảo giác, biểu hiện bất thường trong cư xử là triệu chứng rối loạn đa nhân cách. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, căn bệnh đa nhân cách trên thực tế không tồn tại; bệnh là sản phẩm tưởng tượng của cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị. GS P.Spanos nhận xét: “Người bị thôi miên sâu không hẳn là mất khả năng kiểm soát hành vi ứng xử nên vẫn có thể nói dối, nói thái quá hoặc bịa ra một câu chuyện để hình ảnh con người họ phù hợp với gợi ý của bác sĩ. Trường hợp này cũng giống như việc đa số chúng ta làm theo yêu cầu của nhân vật có quyền lực trong xã hội”. Thực tế, có những vụ án, hung thủ lợi dụng căn bệnh này tự nhận mình bị đa nhân cách để thoát tội, nhưng qua những bài kiểm tra về tâm lý, họ bị lật tẩy là kẻ “siêu cuội”. Điểm khác biệt đáng lưu ý là, trong một nghiên cứu của một số bác sĩ nhãn khoa, người ta nhận thấy rằng sự tinh tế về thị lực và sự cân bằng hoạt động của các cơ vận của mắt có thể bị thay đổi khi người bệnh bị chuyển đổi nhân cách. Những thay đổi này không xảy ra trong số những người đang cố giả vờ có tình trạng đa nhân cách. Nhiều nơi trên thế giới vẫn lạ lùng với căn bệnh này, thậm chí ở Anh nó được coi là một “thói dở hơi theo kiểu Mỹ”. Theo một thống kê của Hội tâm thần Mỹ, có tới 1% dân số Mỹ có biểu hiện MPD và khoảng 20% bệnh nhân đang điều trị. Các nhà khoa học khuyên rằng, nếu bạn có một lối sống lành mạnh, nhân cách mạnh mẽ, biết tiếp nhận và xử lý thông tin một cách thông minh thì không bị những stress xã hội đẩy vào căn bệnh tâm thần đặc biệt này.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/roi-loan-da-nhan-cach-can-benh-kho-hieu-hay-chi-la-su-tuong-tuong-117807