Rolls-Royce thời “ăn nên làm ra”

Cứ đến dịp cuối năm, Tổng giám đốc của Rolls-Royce lại phải sử dụng hết công suất những chiếc bút máy đắt tiền của mình.

small_8366.jpg Đó là vì, cuối năm là thời điểm mà hãng sản xuất xe hơi sang trọng này gửi tặng một cuốn kỷ yếu tới mỗi khách hàng đã mua một chiếc Rolls-Royce bất kỳ từ ngày 1/1/2003 - thời điểm mà hãng bắt đầu sản xuất dưới sự “bao bọc” của “người mẹ” mới BMW. Với tư cách là người đứng đầu Rolls-Royce, Tổng giám đốc Ian Robertson phải ký tên vào mỗi cuốn sách này, kèm theo một lá thư ngỏ gửi khách hàng. Hành động này của Rolls-Royce được những khách hàng tầng lớp thượng lưu của hãng đánh giá cao. Năm ngoái, Giám đốc Robertson phải ký tất cả 2.800 quyển kỷ yếu như vậy. Nhưng đến cuối năm nay, có lẽ Robertson phải cần tới một chiếc bút có khả năng ký tự động, vì doanh số của Rolls-Royce vốn dĩ đã tăng mạnh được dự báo là sẽ còn tăng như thể tên lửa đang bay lên. Xét cho cùng, doanh số mục tiêu của Rolls-Royce hiện nay cũng mới chỉ là 1.000 chiếc xe mỗi năm. Mà đây rõ ràng là một mục tiêu trong tầm tay, vì sắp tới hãng sẽ mở rộng thêm các dòng sản phẩm, trong khi số lượng những khách hàng siêu giàu ngày càng tăng, và thị trường châu Á đang tăng trưởng rất nhanh. Năm ngoái, Rolls-Royce tiêu thụ được 805 chiếc Phantom, dòng xe chính của hãng, cao hơn doanh số của năm trước một chút. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp ôtô đánh giá cao hoạt động kinh doanh của Rolls-Royce kể từ khi hãng này được BMW mua lại. Tháng 7 vừa qua, hãng giới thiệu chiếc Drophead Coupe, một chiếc Phantom hai cửa có giá từ 407.000 USD trở lên. Giám đốc Robertson dự báo, doanh số của Rolls-Royce sẽ tăng ở mức 2 con số trong năm 2008 này. Doanh thu của công ty cũng tăng cao hơn nhờ mức giá 403.000 USD/chiếc của chiếc Phantom phiên bản mới có khoảng cách giữa các bánh rộng hơn. Mẫu xe mới này có giá cao hơn so với mẫu Phantom cũ khoảng 63.000 USD. Hãng Rolls-Royce ra đời vào năm 1904, với hai ông chủ sáng lập là Charles Rolls - một thương gia “nghiện” xe hơi, và Henry Royce - một kỹ sư về ôtô. Từ đó đến nay, những chiếc xe của họ luôn là những chiếc xe to lớn, mạnh mẽ, có độ an toàn cao và ít tiếng ồn. Vào năm 1931, Rolls-Royce mua lại đối thủ Bentley, một hãng sản xuất những chiếc xe có dáng dấp thể thao hơn, và có giá “mềm” hơn. Năm 1971, Rolls-Royce, khi đó còn sản xuất cả động cơ máy bay, lâm vào cảnh phá sản, khiến bộ phận sản xuất ôtô và động cơ máy bay tách ra làm hai công ty riêng rẽ. Sau nhiều lần thay đổi chủ sở hữu, cuối cùng Rolls-Royce được “gã khổng lồ người Đức” BMW mua lại. Hiện hãng đang sản xuất xe hơi tại một nhà máy duy nhất đặt ở vùng Sussex, nước Anh. Với chỉ một dây chuyền sản xuất và một ca làm việc hàng ngày, mỗi ngày Rolls-Royce cho xuất xưởng 4 hoặc 5 chiếc xe được sản xuất thủ công. Tại nhà máy của Rolls-Royce hiện có 550 công nhân đang làm việc, tất cả đều là những tay thợ cực lành nghề. Phần lớn những chiếc xe của Rolls-Royce đều được sản xuất theo đơn đặt hàng và bình quân, mỗi khách hàng trả thêm cho hãng 20.000 USD để xe của mình có những đặc điểm “không giống ai”. Năm tới, hãng sẽ có thêm một dây chuyền lắp ráp và tổ chức làm thêm một ca nữa để sản xuất các mẫu Drophead và những mẫu xe mới đang được dự kiến. Sau khi mua lại Rolls-Royce, mẫu xe đầu tiên mà BMW phục hồi lại là chiếc Phantom và điều này đồng nghĩa với việc hãng nhằm vào đối tượng khách hàng siêu giàu đang có số lượng ngày càng đông đảo. Mục tiêu của hãng là vừa tăng thị phần, vừa duy trì mức giá mà chỉ những tỷ phú, triệu phú mới có khả năng đáp ứng của hãng. Năm tới, hãng sẽ giới thiệu thêm một phiên bản coupe mới của chiếc Phantom và một mẫu sedan nhỏ hơn chưa công bố tên. Vậy đâu là những người chịu chi tiền núi để mua những chiếc Rolls-Royce? Thống kê cho thấy, phần lớn khách hàng mua xe này đều là các doanh nhân và những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí, rất ít khách thuộc tầng lớp các nhà quản lý trong doanh nghiệp. Một trong những yếu tố thúc đẩy sử tăng trưởng của Rolls-Royce là lượng khách hàng gia tăng tại các thị trường đang nổi lên. Hiện Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ ba và tăng trưởng nhanh nhất của Rolls-Royce, chiếm khoảng 10% doanh số của hãng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và chiếm 45% doanh số của Rolls-Royce. Được biết, năm ngoái có một ông chủ bất động sản ở Bắc Kinh bỏ ra tới 2,3 triệu USD để mua một chiếc Phantom siêu dài. Ước tính, BMW đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào Rolls-Royce và chắc chắn hãng đang kỳ vọng “đứa con” này sẽ đem về lợi nhuận cho mình. So với doanh số 65 tỷ USD mỗi năm của BMW, doanh số của Rolls-Royce chỉ là một phần rất nhỏ bé, nhưng việc sở hữu Rolls-Royce lại đem đến cho BMW danh tiếng và niềm tự hào như một người sở hữu một món đồ độc.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29469-rolls-royce-thoi-an-nen-lam-ra