Rộn rã ngày mùa trên cánh đồng Mường Thanh

Những ngày này, trên khắp cánh đồng Mường Thanh ở lòng chảo Điện Biên rộn ràng tiếng nói cười hòa trong tiếng máy hối hả vào vụ gặt. Máy gặt đến đâu người thu thóc, rơm đến đó. Suốt những ngày mùa, cánh đồng Mường Thanh luôn tấp nập cả ngày và đêm.

Máy móc thay sức người làm việc mải miết trên cánh đồng Mường Thanh.

Máy móc thay sức người làm việc mải miết trên cánh đồng Mường Thanh.

Cuối ngày 10/5, khi trời đã nhập nhoạng tối nhưng bốn người trong gia đình ông Quàng Văn Inh ở thôn Pa Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vẫn mải miết trên cánh đồng. Người nào người ấy đều luôn tay gạt thóc, thu rơm đều đều theo tiếng máy.

Đưa tay gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Quàng Văn Inh vui vẻ nói với chúng tôi về cái sự thể "làm cố" của gia đình. Ông Inh bảo rằng, lúa đã chín chắc rất dễ rụng hạt. Vì thế tranh thủ những ngày nắng lại có máy gặt nên mọi người tập trung gặt, phơi thóc cho xong thì mới yên tâm được. "Nông dân mà, thóc phải về nhà mới yên tâm", ông Inh tươi cười nói.

Máy gặt đến đâu người thu thóc đến đó.

Máy gặt đến đâu người thu thóc đến đó.

Cũng mải miết gặt trên cánh đồng Mường Thanh lúc chiều muộn, gia đình ông Quàng Văn Lả ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên lại chọn cách gặt lúa phơi hong tại cánh đồng rồi thuê máy tuốt.

Tay thoăn thoắt gom từng gùi lúa trĩu bông để bó thành từng bó gọn gàng, ông Quàng Văn Lả vui vẻ nói như khoe: “Đầu vụ khô hạn nhưng thủy nông điều tiết nước hài hòa nên lúa sinh trưởng tốt. Vụ đông xuân này được mùa lắm. Gia đình tôi gieo cấy gần 5.000m2 giống lúa đài thơm và tám thơm, năng suất đạt hơn 70 tạ/ha. Nghe giá chung năm nay cũng cao hơn mọi năm nên gia đình tôi vui lắm".

Hỏi thêm ông Lả về giá lúa, được biết, hiện tại lúa đã khô được thương lái thu mua từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg; so vụ trước giá hiện cao hơn khoảng 3.000 đồng mỗi kg.

Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Noong Hẹt là xã cuối kênh nên thường bị thiếu nước, vậy nhưng năm nay được thủy nông điều tiết nước hợp lý nên diện tích lúa ruộng vụ đông xuân của Noong Hẹt tương đối cao với tổng diện tích gieo cấy hơn 331ha lúa đông xuân. Qua thăm đồng, định sản cho thấy năng suất, sản lượng trung bình đạt gần 68 tạ/ha; so với vụ đông xuân năm 2022-2023 thì tăng gần 3 tạ/ha. Noong Hẹt hiện được nhận định là một trong những xã có năng suất, sản lượng lúa đông xuân tăng cao hơn các xã khác trong toàn huyện.

Niềm vui những ngày làm mùa của nông dân trên cánh đồng Mường Thanh.

Niềm vui những ngày làm mùa của nông dân trên cánh đồng Mường Thanh.

Đồng tình với nhận định của ông Vũ Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Chu Văn Bách, cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 4.230,9ha; trong đó 12 xã vùng lòng chảo và các tổ chức khác gieo cấy 3.575,3ha; 9 xã vùng ngoài gieo cấy hơn 655ha. Cơ cấu giống chủ yếu là séng cù, vai gãy, hana, đài thơm, tám thơm, nếp và một vài giống lúa thuần địa phương.

Qua thăm đồng định sản và căn cứ sản lượng tại cánh đồng các xã vùng lòng chảo mà nhân dân đã thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên dự ước năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha; tổng sản lượng hơn 26.265 tấn và đạt 100,8% so với kế hoạch huyện giao.

Với giá lúa trên thị trường hiện nay dao động từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg (tùy loại) thì cơ quan chức năng nhận định lúa đông xuân được mùa được giá. Hiện tại, hầu hết diện tích lúa trong các xã vùng lòng chảo, gồm: Hua Thanh, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Pom Lót đã chín, do vậy nông dân đang tập trung thu hoạch; tranh thủ những ngày nắng nóng bà con đều làm cả ngày cả đêm để bảo đảm lúa đạt năng suất cao nhất.

Nhắc lại một số diễn biến thời tiết bất lợi đầu vụ, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, nói rằng, bất lợi nhất là khi vừa mới xuống giống thì nắng nóng kéo dài và một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của nông dân và ngành chuyên môn, chính quyền các cấp thường xuyên thăm đồng có giải pháp khắc phục đồng bộ nên cây lúa vượt qua giai đoạn hạn, sinh trưởng tốt.

Từ kinh nghiệm thực tiễn ứng phó, khắc phục diễn biến bất lợi sản xuất lúa vụ đông xuân trên cánh đồng Mường Thanh vừa qua, ông Chu Văn Bách cho rằng, quan trọng nhất là sự chủ động của nông dân và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị liên quan. Bởi chỉ khi người nông dân chủ động tuân thủ lịch thời vụ, chủ động thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại và chủ động thông tin diễn biến bất lợi đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khó khăn, bất lợi sẽ được tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, việc điều tra, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại từ phía cơ quan chuyên môn cũng rất quan trọng trong việc dự liệu giải pháp khắc phục kịp thời.

Lúa gặt xong được phơi luôn trên đồng đợi máy tuốt.

Lúa gặt xong được phơi luôn trên đồng đợi máy tuốt.

Hiện tại, người dân các xã trên địa bàn huyện Điện Biên tập trung máy móc, nhân lực thu hoạch lúa vụ đông xuân tránh mưa gió làm đổ, rụng hạt. Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân khẩn trương xử lý rơm rạ, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu, bảo đảm khung thời vụ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ron-ra-ngay-mua-tren-canh-dong-muong-thanh-post808883.html