Rộn ràng đồ ăn từ quê ra phố

(VEF.VN) - Nhằm hạn chế chi tiêu và được ăn những thực phẩm sạch, nhiều người đã gửi thực phẩm từ quê ra để sử dụng hằng ngày trong bữa ăn của gia đình. Để thuận tiện, họ lên lịch, lập đường dây thu mua, vận chuyển và bảo quản hàng hóa từ quê ra đến phố.

Có đủ rau cá thịt

Chuẩn bị khóa cửa đi làm thì chị Nguyễn Lan Thương (nhân viên công ty bảo hiểm Bảo Việt, nhà ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông) nhận được thông báo là thùng hàng mẹ gửi từ trên quê đã được đưa tới nhà. Vội vàng gọi điện xin tới công ty muộn 15 phút, chị nhận đồ từ một người xe ôm vẫn chở hàng cho gia đình. Bóc thùng cac tông ra, một góc là hai con gà được làm sạch sẽ, gói vào túi bóng cẩn thận, lòng cũng được để riêng. Một góc bên cạnh là rau cải, rau muống, chanh, cam. Nhặt từng thứ, chị cất vào tủ lạnh, dự trữ để ăn đến hết tuần.

Chị Thương kể: Quê mình ở ngay Tản Lĩnh, Ba Vì. Trên đó có rất nhiều gia đình nuôi gà ngon, sạch. Từ hồi về đây ở, tuần nào bố mẹ cũng gửi đồ xuống cho ăn: gà, rau. Rất ít khi nhà mình mua đồ ăn ngoài chợ.

Mặc dù quê xa tới 300 km nhưng gia đình anh Hưng ở A23 - Nghĩa Tân, Hà Nội vẫn tháng 2 lần nhờ người ở quê mua cá, trứng gá và cả thịt bò...; thứ nào cần để tươi thì bỏ đá hay chế biến sẵn; còn không thi sơ chế để gửi ra dùng dần.

Anh Hưng cho biết: Mọi thứ ở Nghệ An rẻ hơn ngoài này một nửa nhưng chất lượng thì gấp nhiều lần. Vì thế, hai năm nay, tôi nhờ người bà con, 2 tuần một lần mua hàng, sơ chế và đóng gói. 9 giờ đêm gửi ô tô khách thì 4 giờ sang đã ra đến Hà Nội. Mình tự đi lấy hay nhờ xe ôm chở về. Mỗi lần chưa hết 1 triệu mà ăn thoải mái 2 tuần. Vừa rẻ mà lại sạch sẽ.

Chị Nguyễn Thị Oanh (quê Yên Châu, Sơn La) hàng ngày đều ăn thực phẩm từ trên quê gửi xuống. Chị Oanh nói: Nhà bố mẹ mình ở Sơn La có xe ô tô ngày nào cũng xuống Hà Nội. Vì thế, bố mẹ hay gửi đồ ăn xuống cho đâm ra thành thói quen. Thịt lợn, thịt gà, thịt bò cho tới rau, hoa quả như xoài, đào, mận mình vẫn được ăn đầy đủ như lúc ở trên quê.

Còn nhà anh Nguyễn Văn Nam (khu đô thị Định Công, Hoàng Mai) thì trong nhà lúc nào cũng có cá và thịt từ trong quê Thanh Hóa gửi ra. Mình đặt một cửa hàng người quen đồ hải sản tươi, ngon gửi thường xuyên ra ngoài này. Cá thì họ cắt khúc, làm sạch, ướp đá. Tôm, cua... thì cũng tương tự vậy. Mang ra ngoài này, mình nhét lên tủ đá để ăn dần. Cứ khi nào hết, mình lại gọi điện cho họ gửi xe ô tô ra. Giờ xe cộ nhiều, gửi đồ cũng rất thuận tiện. Một số người bạn thấy gia đình mình làm cách này cũng hay nên giờ cũng đặt trong đó, tiện thì họ gửi luôn cho mấy hộ gia đình.

Mua và sử dụng thường xuyên thực phẩm từ quê chuyển lên đang là cách mà nhiều gia đình thực hiện hiện nay. Đối với họ, đó là một cách tiết kiệm chi tiêu, lại được ăn đồ sạch.

Thực phẩm ở thành phố nhiều khi khiến các bà nội trợ lo lắng.

Hương vị quê nhà

Bà Đỗ Thị Diềm, mẹ của chị Thương tâm sự: Ngày xưa, hồi còn là sinh viên, Thương đã rất thích ăn đồ từ quê gửi xuống. Mỗi lần về quê là lại mang xuống Hà Nội rất nhiều thứ, có khi để ăn cả tuần. Sau đó dần thành quen, lập gia đình rồi vẫn thích ăn đồ ở quê. Cũng không mất nhiều thời gian chuẩn bị đồ ăn hàng tuần cho gia đình con nên chúng tôi cứ làm rồi gửi xuống. Giờ có con nhỏ lại phải đi làm nên cháu rất bận. Có đồ ăn rồi thì đỡ phải đi chợ, lại giảm được chi phí khá nhiều. Gà, rau ở trên đó vừa sạch, vừa rẻ hơn ở dưới này.

Không có nhiều thời gian về quê nhưng trong tủ lạnh nhà Bùi Bạch Phượng (Nam Trực, Nam Định) lúc nào cũng có trứng, rau và thịt gà, thịt vịt. Phượng cho rằng, những đồ ăn ở quê gửi ra vừa sạch vừa rẻ hơn rất nhiều. "Tôi không thể ăn trứng vịt ở ngoài này được vì cảm giác nó tanh và không ngon. Ở quê gửi ra, vịt nuôi ở đồng, trứng ăn rất thơm. Mỗi quả trứng rẻ hơn ngoài này ít nhất là 500 đồng. Thịt gà, thịt vịt cũng vậy. Gia đình tôi có tới 6 người. Mua đồ từ quê gửi lên tính ra giảm được tới gần triệu đồng mỗi tháng, lại được ăn đồ thơm, ngon, chỉ hơi mất công là phải ra ngoài bến xe lấy đồ về", chị Phượng bộc bạch.

Mặc dù cá, tôm, cua cho vào trong thùng đá, gửi theo xe ô tô ra ngoài này nhưng theo anh Nam nó vẫn tươi hơn khi đi mua ở chợ. Nhiều lúc đi mua, mình không biết là đồ tươi hay là đã ướp đá tới cả nửa tháng trời. Ăn những đồ ăn như thế này là biết rõ nhất, không sợ thực phẩm ôi thiu, bẩn, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Còn chị Oanh cho biết: Từ rau để xay bột cho con cho tới thịt cá tôi đều lấy từ đồ bố mẹ gửi trên quê xuống. Có hôm hết thịt với rau, tôi chạy ra chợ mua về để nấu nên, cháu ăn ít hẳn. Thích nhất là vào mùa hè, gia đình mình được ăn xoài Yên Châu chính gốc, loại xoài nhỏ, vỏ mỏng, ngọt, hạt nhỏ, chỉ cần tước vỏ là ăn được.

Tuy nhiên, việc gửi đồ ăn từ quê ra nhiều lúc cũng gặp những bất cập, Phượng nói: Trứng vịt vào đợt mùa đông và sau tết cũng không được ngon lắm vì lúc đó vịt phải nuôi bằng cám. Nhiều loại rau ở quê không có nên mình phải mua ngoài này. Hôm nào mà ở nhà mọi người bận thì sẽ bị nhỡ mất đồ ăn, lại phải đi chợ. Nói không phải đi chợ nữa thì không đúng mà là sẽ hạn chế đi chợ và ăn được đồ tươi, ngon. Mỗi lần bố mẹ mình từ quê ra, ở đây cả tháng vẫn cảm thấy giống như ở nhà, được ăn đồ ăn như ở nhà.

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2011-11-26-ron-rang-do-an-tu-que-ra-pho-