Rốt ráo đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Nợ xấu đang được kỳ vọng sớm bị “đánh tan” khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vừa có bước đi tiên phong khi thể hiện rõ quyền của chủ nợ bằng động thái thu giữ tài sản bảo đảm. Các TCTD cũng đang soạn sẵn cho riêng mình những kịch bản tiếp theo nhằm thực thi Nghị quyết.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Trước khi VAMC cũng như các TCTD rốt ráo triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết 42, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng từng đưa ra nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhiều điểm tích cực của Nghị quyết đã được lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) và chuyên gia kinh tế nhìn nhận. Cụ thể, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông, bên cạnh quy định về mua bán nợ xấu, một trong những quy định được coi là ý nghĩa nhất đối với VAMC cũng như các TCTD là khẳng định quyền của chủ nợ và việc xử lý tài sản bảo đảm.

Quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã chính thức được thực thi: chỉ sau đúng một tuần kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15-8), ngày 21-8 VAMC đã thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ của nhóm khách hàng Công ty CP Sài Gòn One Tower (bao gồm Công ty CP Sài Gòn One Tower - trước đây là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C; Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C) là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh để xử lý nhằm thu hồi nợ. Theo đại diện VAMC, khoản nợ xấu của nhóm khách hàng Công ty CP Sài Gòn One Tower là khoản nợ xấu lớn nhất mà công ty đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng. Cũng theo đại diện VAMC, quá trình thu giữ đã tuân thủ trình tự quy định của pháp luật và diễn ra thuận lợi với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. “Thành công của công tác thu giữ tài sản bảo đảm này của VAMC ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đồng thời tác động tới ý thức trả nợ của các khách hàng nói chung và khách hàng đang có nợ xấu tại VAMC và TCTD nói riêng” - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh.

Động thái của VAMC có thể được coi như một minh chứng cho những điểm mới của Nghị quyết khi chính thức thực thi trong thực tiễn. Bởi lẽ theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù dự án trên đã bị “đóng băng” nhiều năm nhưng bây giờ VAMC mới thu giữ tài sản bảo đảm là do trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 quy định TCTD hay tổ chức mua bán nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu muốn thu giữ, các bên sẽ phải đưa ra tòa án để giải quyết. Chính quy định này đã khiến nhiều năm qua, việc xử lý tài sản bảo đảm rơi vào bế tắc. Nghị quyết 42 ra đời đã tháo gỡ được nút thắt khi trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các TCTD và VAMC. Cùng với đó, ý thức trả nợ của các khách hàng cũng dần được thay đổi. Minh chứng rõ nhất là tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ khi Nghị quyết chính thức có hiệu lực đến nay, nhiều khách hàng của Vietcombank có nợ xấu đã tới ngân hàng để bàn giải pháp phối hợp xử lý thay vì chây ỳ như trước. "Nghị quyết 42 đã giúp mọi người hiểu rõ đâu là nguyên nhân phát sinh nợ xấu và từ đó làm thay đổi nhận thức, ý thức của cả khách nợ lẫn chủ nợ" - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng lý giải.

Gỡ dần rào cản

Không riêng VAMC hay Vietcombank, nhiều TCTD khác cũng đang có những khoản nợ xấu khó đòi mà nếu không có Nghị quyết 42 thì không biết đến bao giờ mới có thể được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên thực tế khi vận dụng từng điểm trong Nghị quyết mới thấy không hề đơn giản.

Đơn cử như một khoản nợ xấu mà Vietcombank Thừa Thiên - Huế đang xử lý. Theo chia sẻ của Giám đốc Vietcombank Thừa Thiên - Huế Lý Hoàng Vũ, đó là trường hợp Khách sạn Hoàng Cung - Imperia Huế đang nợ ba ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank và Agribank số tiền gần 300 tỷ đồng. Đến nay sau 5 năm quá hạn, doanh nghiệp vẫn chưa trả nợ và không chịu bàn giao tài sản bảo đảm để ngân hàng xử lý. Trước đó, Vietcombank đã kiện ra tòa để đòi nợ và tòa đã thụ lý. Nhưng do các cổ đông của doanh nghiệp cũng đang kiện nhau ra tòa vì tranh chấp về người đại diện pháp luật; tòa án đã xét xử ba lần nhưng đều trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra lại từ đầu. Vì vậy vụ kiện đòi nợ của Vietcombank cũng bị hoãn lại. “Chúng tôi hy vọng khi Nghị quyết 42 được thực thi, tòa án các cấp sẽ sớm áp dụng xét xử rút gọn để ngân hàng sớm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ”, Giám đốc Vietcombank Thừa Thiên - Huế Lý Hoàng Vũ bày tỏ.

Có thể nói, hiện hầu hết các TCTD đều rơi vào tình trạng tương tự khi nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý tại tòa án hoặc các cơ quan thi hành án. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 42 do NHNN tổ chức, đại diện các NHTM cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện rất khó khăn, nhiều khoản nợ kéo dài từ 5 đến 7 năm vẫn chưa giải quyết được. Để cụ thể hóa Nghị quyết về xử lý nợ xấu, đến thời điểm này, bên cạnh việc NHNN đã ban hành Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, một số đơn vị khác như Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn mong muốn các cơ quan chức năng như Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về việc áp dụng trình tự rút gọn (về mặt hồ sơ, thời gian thụ lý,…) theo Nghị quyết 42 để các TCTD có thể dễ dàng áp dụng, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn đối với thủ tục chuyển nhượng dự án, thủ tục sang tên tài sản bảo đảm; Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp phối hợp thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết;…

Mặt khác, dù Nghị quyết cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, nhưng chỉ khả thi đối với những trường hợp khách nợ là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có nhiều tài sản, ngoài bất động sản bị thế chấp. Với những trường hợp tài sản bị thế chấp là bất động sản duy nhất của gia đình, của người nghèo,… thì sẽ khó giải quyết bởi vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một chuyên gia đặt vấn đề: Đối với các gia đình có duy nhất một tài sản, nhất là có trẻ con, người già,… liệu có thể thu giữ chỗ ở duy nhất của họ, đuổi họ ra đường? Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân, cũng như Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định về quyền có chỗ ở của trẻ em. Do đó, những trường hợp trên dù TCTD có muốn cũng khó thu hồi tài sản.

Có thể thấy, để bảo đảm hiệu lực thực thi của Nghị quyết 42, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương, chung tay cùng ngành ngân hàng xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 42, đến nay VAMC đã thực hiện đánh giá 1.171 khách hàng, dư nợ gốc nội bảng tại thời điểm đánh giá là 160.473 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá, VAMC đã phân loại bảy biện pháp xử lý nợ phù hợp; lên danh sách 62 trung tâm bán đấu giá tài sản trực thuộc sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp; hỗ trợ các TCTD gửi thông báo thanh toán nợ tới khách hàng, gửi công văn tới TAND các cấp, cơ quan thi hành án, UBND các cấp thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho TCTD, VAMC…

(Nguồn: VAMC)

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34049202-rot-rao-day-nhanh-xu-ly-no-xau.html