Rủi ro đằng sau những con số

(baodautu.vn) Các số liệu thống kê tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm đều cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn vẫn tiềm ẩn.

Theo báo cáo của đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tổ chức hôm qua (27/5/2010) tại Hà Nội, tình hình kinh tế nước ta đã có sự phục hồi rõ rệt, đến mức Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đặt ra câu hỏi về việc liệu có các “rủi ro đằng sau các con số thống kê hay không”. Nếu căn cứ trên số liệu thống kê, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh thể hiện rõ nét nhất trong sản xuất công nghiệp. “Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 301.000 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) viện dẫn số liệu thống kê để chứng minh sự hồi phục mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp. Tương tự như vậy, tâm điểm chú ý của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm tiếp tục được ghi nhận ở việc tiêu dùng cuối cùng có bước tăng trưởng khá ấn tượng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng qua tăng tới 27,1% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, mức tăng vẫn lên tới 16,7%, hỗ trợ tích cực cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Phân tích sâu thêm về con số này, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã nhắc tới mức đóng góp đáng kể của TP.HCM - thị trường lớn nhất cả nước. “Tổng mức bán lẻ của TP.HCM trong 5 tháng đầu năm tăng 34%, loại trừ yếu tố giá cả thì vẫn còn 22%, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này chỉ là 5%, dấu hiệu hồi phục là rất rõ ràng”, ông Rê nói. Một điểm sáng khác cần được quan tâm, đó chính là mức giải ngân của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 4,5 tỷ USD vốn FDI đã được đưa vào thực hiện trong 5 tháng qua, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, sẽ góp phần rất lớn để giải quyết vấn đề cán cân thanh toán và cân đối ngoại tệ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong khi đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 5 tháng đầu năm, vốn FDI cấp mới đạt 7,1 tỷ USD, mặc dù giảm 14,7% về số dự án, nhưng tăng 40% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là số vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp phép trong 5 tháng qua chỉ đạt 403 triệu USD, giảm 38,2% về số dự án và giảm tới 91,4% về số vốn đăng ký. “Đây là xu hướng trái ngược so với cùng kỳ năm trước”, một chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét. Cũng liên quan khu vực doanh nghiệp FDI, điều đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này (không kể dầu thô) trong 5 tháng đầu năm đã tăng tới 39,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chính các doanh nghiệp này lại “góp phần” rất lớn cho nhập siêu của cả nước, khi mà tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu của họ đã cao hơn khá nhiều so với xuất khẩu - lên tới 50,5%. “Về lâu dài, có lẽ phải tính toán để điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư cho phù hợp, theo hướng lựa chọn các dự án sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất, thay vì phải nhập khẩu từ bên ngoài”, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) nhận xét và cho biết, cũng do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá nhập khẩu đang tăng, mà giá xuất khẩu lại không tăng tương ứng, nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hương. Cũng đề cập các các rủi ro, nói đúng hơn là các khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải trong thời gian tới, ông Hòa đặc biệt quan tâm vấn đề thiếu điện. Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội khẳng định, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu điện. “Mặc dù Hà Nội đã được ưu tiên, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Tôi cho rằng, khi cắt điện, ngành điện nên tính toán các chi phí cơ hội. Nếu như năm nay, chúng ta đang tập trung thúc đẩy xuất khẩu, thì phải ưu tiên điện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu”, ông Tứ đề xuất. Không chỉ khó khăn về điện, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã một lần nữa đề cập chuyện giá cả nguyên liệu đầu vào và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng; thiếu lao động phổ thông cho một số lĩnh vực sản xuất, như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, gây khó khăn cho việc ổn định và phát triển sản xuất; cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn vay bị hạn chế. Hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãi suất cho vay của các ngân hàng mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao - khoảng 13-14%/năm. Tất cả những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/dcbb7d357f000001018545ead9797aef