Rừng bị phá, kiểm lâm nói “không có gì”

Những khu rừng tự nhiên ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng lực lượng kiểm lâm không ngăn chặn.

Ngày 18-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Y Rốt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, cho biết lực lượng chức năng đang có mặt ở khu vực rừng bị phá ở xã Cư Yang để xác minh, làm rõ thông tin rừng bị phá để báo cáo với huyện và tỉnh.

Cưa gỗ giữa ban ngày

Trước đó, trong những ngày giữa tháng 7-2017, phóng viên đã xâm nhập vào rừng xã Cư Yang theo thông tin người dân phản ánh tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng. Từ đập chứa nước thôn 13 (xã Cư Yang) đã nghe rõ tiếng máy cưa rít vang từ cánh rừng. Từ đây, men theo con đường mòn luồn sâu vào rừng, những cây gỗ lớn bị chặt hạ dần hiện ra trước mắt chúng tôi.

Dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi men theo lối đi do “lâm tặc” mới mở xuyên qua rừng để xe công nông vào vận chuyển gỗ. Hai bên đường nhiều khúc gỗ được xẻ thành khối nằm rải rác. Sau gần 1 giờ chúng tôi mới tới được khu vực phát ra tiếng cưa máy. Lúc này, nhóm “lâm tặc” đã rời khỏi hiện trường để lại những bìa gỗ, phần ngọn và gốc cây có đường kính khoảng 45 cm còn rỉ nhựa.

Những bìa gỗ lâm tặc bỏ lại sau khi xẻ mang đi những khối gỗ lớn

Cách đó khoảng 500 m, nhiều khối gỗ trâm đá vừa được xẻ ra nằm ngổn ngang, có đường kính khoảng 70 cm, cùng với khoảng 40 bìa gỗ cũ, mới đan xen nằm la liệt trên đất. Cạnh đó, 2 cây gỗ có đường kính khoảng 80 cm bị đốn chưa kịp xẻ để vận chuyển ra khỏi rừng. Đi sâu thêm một đoạn, những cây gỗ dài gần 20 m, đường kính bằng hai người ôm, cành lá còn xanh tươi vừa bị cưa ngang gốc trải rộng một khoảnh rừng. Cứ thế, trong vòng bán kính chưa đầy 1 km, chúng tôi đã chứng kiến đủ loại cổ thụ bị tàn phá tan hoang.

Báo cáo không đúng sự thật!

Chiều 14-7, chúng tôi tìm đến Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã (Cư Yang, Cư Bông và Cư Prông, huyện Ea Kar) để tìm hiểu về tình trạng phá rừng ở đây. Tuy trong giờ hành chính nhưng trụ sở trạm kiểm lâm đóng cửa, không có người. Liên lạc qua điện thoại, ông Quách Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã, cho hay: “Chiều nay, do đơn vị (Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar) họp nên anh em về hết cơ quan”. Khi được hỏi vào sáng cùng ngày và cả ngày 13-7 đều không thấy lực lượng kiểm lâm địa bàn túc trực, ông Hiếu phân bua: “Sáng nay anh em đi công việc trên xã, còn hôm qua anh em đi ra ngoài huyện hiến máu”.

Còn theo ông Y Rốt, sau khi nhận được phản ánh, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar đã cử lực lượng xuống địa bàn để xác minh thông tin. Khu vực rừng mà phóng viên phản ánh thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. “Hiện anh em đang kiểm tra, tổng hợp. Chủ yếu là mấy cái cây sót lại, ngã đổ, bị bọng trước đây khai thác bỏ lại, người dân tận dụng để làm đòn tay. Không phải phá rừng đâu” – ông Y Rốt xuề xòa. Khi phóng viên cho biết những cây này mới bị hạ thì ông Y Rốt ầm ừ: “Không có gì”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ea Kar, cho rằng sau khi nghe phóng viên liên hệ làm việc, lực lượng liên ngành đã vào kiểm tra nhưng theo báo cáo chỉ là người dân phát gỗ rừng trồng. Tiếng máy cưa nghe được là do người dân cắt dọn khu vực rừng trồng sát rừng tự nhiên. Lúc này, chúng tôi đưa cho ông Mạnh xem những hình ảnh gỗ bị đốn hạ thì ông Mạnh nhận định: “Nếu đúng như vậy thì anh em đã báo cáo sai sự thật hoặc có khả năng anh em đi kiểm tra không đúng vị trí. Tôi sẽ đích thân vào tận trong rừng để kiểm tra, quy trách nhiệm cho những người để xảy ra sai phạm và xử lý theo quy định” – ông Mạnh nói.

Rừng Ea Súp cũng không thoát nạn

Tháng 6-2017, sau khi báo chí phản ánh tình trạng phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đang điều tra thì vào giữa tháng 7-2017, phóng viên ghi nhận trình trạng phá rừng lấy gỗ, đất sản xuất vẫn diễn ra trên địa bàn huyện Ea Súp. Nhiều người ngang nhiên mang cưa máy, xe công nông vào Tiểu khu 267 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) hạ cây rừng. Sau đó, tập kết gỗ thành từng đống bên đường chờ thời cơ vận chuyển.

Cao Nguyên/nld.com.vn

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2017/07/19/rung-bi-pha-kiem-lam-noi-khong-co-gi/