Rừng nghèo kiệt có gỗ quý:Không loại trừ đũa thần hô biến

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, trường hợp người đo đếm rừng cố tình biến rừng giàu thành rừng nghèo là có, không ai cãi được vì không đi đo nên không biết.

Liên quan đến thông tin rừng nghèo kiệt lẫn gỗ quý ở Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), chiều ngày 12/7, chia sẻ với báo Đất Việt, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ cho biết: "Hiện Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục làm theo chiều hướng của việc khai thác rừng nghèo để trồng cao su nên không loại trừ người ta biến mọi cái thành rừng nghèo kiệt.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những thông tin báo chí đưa về vùng lớn trong 1 xã thì khó có thể biết được đó là rừng nghèo hay rừng nghèo nguyên sinh. Nếu muốn chính xác thì phải vào tận nơi để đo đếm. Ở đây, phải hiểu rừng nguyên sinh là thiên nhiên cho mình từ ngày xưa, chưa chịu tác động nào của con người.

Rừng thứ sinh là con người đã tác động rồi. Đa số rừng nguyên sinh người ta thường giữ lại làm rừng quốc gia với khu bảo tồn, còn trong rừng thứ sinh cũng có rừng giàu, rừng nghèo. Rừng giàu phải có trên 200 m3 khối gỗ/héc ta, còn dưới 100 m3 gỗ người ta gọi là rừng nghèo. Rừng nghèo là rừng đã bị vỡ hết các tán cây, chỉ còn lại 1 ít cây lớn, còn lại các cây nhỏ ít giá trị kinh tế."

GS Lung nói thêm: "Trong rừng hộp là rừng nghèo cũng có những cây gỗ quý nhưng cây bé tí tẹo, còn nếu là gỗ quý to thì rõ ràng không phải rừng nghèo. Trường hợp người đo đếm rừng cố tình biến rừng giàu thành rừng nghèo là có, không ai cãi được vì không đi đo nên không biết chỉ dựa trên số liệu đó thì ai cũng công nhận nhưng nếu trực tiếp đi đo lại thì sẽ biết ngay thôi.

Ngày xưa khi thẩm định các rừng nghèo để chuyển sang trồng cao su, theo quy định trước thì được phép, còn bây giờ họ cần chỗ nào thì biến chỗ đó thành rừng nghèo. Đây có thể gọi là có sự tác động của con người trong việc gọi đó là rừng nghèo hay rừng giàu."

Cơ quan chức năng kiểm tra điểm tập kết gỗ - Ảnh: TTO

Cũng theo ông Lung: "Chủ quyền của người được giao quản lý rừng nếu được giao sổ đỏ và quản lý khu rừng đó lâu năm thì sẽ có quyền cho các doanh nghiệp khác thuê để khai thác, còn nếu chỉ được giao quản lý, bảo vệ rừng thì không có quyền. Tuy nhiên, trong việc này mình chưa được thẩm định bằng mắt nên không thể nói rõ là ai đúng, ai sai."

Cho biết thêm về việc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc được nhà nước giao quản lý rừng nhưng lại ký hợp đồng trái phép cho một công ty khác khai thác, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh: "Trong luật quy định, nếu là chủ rừng thì có quyền cho phép một công ty hay doanh nghiệp khác khai thác. Chính vì vậy, việc này, cần xác định rõ xem công ty lâm nghiệp Lộc Bắc có phải là chủ rừng không, chủ rừng biết cách đến năm nào được khai thác vì họ hiểu biết quyền của họ".

Về việc này, cùng ngày GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng cho rằng: "Rừng nghèo cũng có gỗ quý nhưng không có cây to mà chỉ có cây nhỏ, trữ lượng rất thấp, gỗ tạp nên gọi là rừng nghèo. Rừng nghèo tức là đã bị phá rồi, trồng rừng có 2 loại, trồng tập trung và trồng cải tạo. Việc trồng rừng hay khai thác rừng như nào vai trò của kiểm lâm rất rõ, còn nếu đã giao đất, giao rừng cho công ty quản lý thì về mặt pháp lý, công ty đó có trách nhiệm chính, kiểm lâm chịu trách nhiệm của bên quản lý."

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rung-ngheo-kiet-co-go-quykhong-loai-tru-dua-than-ho-bien-3313718/