Rừng phòng hộ khu di tích lịch sử cấp Quốc gia bị chặt phá, đốt trơ trụi

Tình trạng khai thác rừng bao quanh Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh đã xảy ra từ đầu tháng 1/2016. Đến tận trung tuần tháng 5/2016, sự việc mới bị phát hiện. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, một diện tích lớn rừng đã bị một số cá nhân chặt hạ, đốt phá trơ trụi.

Rừng thiêng, rừng phòng hộ gắn với di tích lịch sử cấp Quốc gia vẫn bị tàn phá nghiêm trọng

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, là nơi Trung đội Cứu Quốc quân 2, một trong những đội tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành lập tháng 9/1941. Năm 1994, Bộ Văn hóa Thông tin đã có quyết định công nhận đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ đó, khu di tích được đầu tư xây dựng với các hạng mục, như: Tháp đài, bia ghi tên những chiến sĩ trong Trung đội Cứu Quốc quân 2 và một số công trình phụ trợ khác.

Bất chấp tất cả, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, một diện tích lớn rừng bao quanh khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh đã bị một số cá nhân chặt hạ, đốt phá trơ trụi.

Sở và xã cấp phép khai thác, huyện bị bỏ qua

Tình trạng khai thác rừng bao quanh Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh đã xảy ra từ đầu tháng 1/2016. Đến tận trung tuần tháng 5/2016, sự việc mới bị phát hiện.

Thời gian đầu các hộ có rừng trồng ở khu vực lân cận với di tích được cấp phép khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng theo quy định. Nhân cơ hội này, nhiều đối tượng đã khai thác trộm cây trong khu vực quy hoạch và bảo vệ. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là chỉ đến khi toàn bộ diện tích rừng bị chặt hạ, sự việc mới được phát giác.

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết, sau khi kiểm tra thực tế, không chỉ bản thân ông mà bất kể người dân nào cũng cảm thấy xót xa trước tình trạng rừng xung quanh khu di tích bị chặt trắng.

Tìm hiểu của PV NNVN, diện tích khu rừng Khuôn Mánh được quy hoạch cho khu di tích là 48.953m2 do UBND xã Tràng Xá quản lý. Theo bản khảo sát và quy định các khu vực bảo vệ di tích rừng Khuôn Mánh gồm 2 khu vực. Khu vực bất khả xâm phạm và khu vực bảo vệ. Tổng diện tích 2 khu vực nói trên là 17.662m2.

Năm 1994, cùng với Quyết định công nhận Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đội Cứu Quốc quân 2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin đã nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng.

Với việc đốn hạ rừng Khuôn Mánh vừa qua thì đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm trở lại đây khu rừng này bị tàn phá một cách nghiêm trọng.

Thực tế, dù gọi là rừng phòng hộ di tích nhưng toàn bộ diện tích nói trên đã được phủ rừng trồng bằng Dự án 661 từ năm 2006.

Trước đây, diện tích Khu Di tích thuộc Cty Lâm nghiệp Võ Nhai quản lý, công ty này đã ký hợp đồng trồng rừng theo Dự án 661 với một số hộ dân địa phương. Sau khi Cty Lâm nghiệp Võ Nhai chuyển đổi mô hình, chính quyền đã không tiến hành thu hồi đất của Cty Lâm nghiệp Võ Nhai nên những hộ dân này tiếp tục trồng rừng sản xuất.

Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép tỉa thưa rừng trồng của Cty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai với tổng diện tích 19,3ha. Đáng nói là Quyết định cấp phép khai thác của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép khai thác vào cả khu bất khả xâm phạm cũng như khu bảo vệ.

Rừng bất khả xâm phạm vẫn bị phá không thương tiếc

Theo Quyết định thì việc khai thác tỉa thưa phải để lại 600 cây/ha. Nhưng vì không có sự giám sát hay cố ý không giám sát nên toàn bộ diện tích cấp phép khai thác (19,3ha) chỉ còn 365 cây. Tương đương với 18 cây/ha.

Cùng với Sở NN-PTNT, UBND xã Tràng Xá cũng ban hành 2 Quyết định cấp phép khai thác gỗ tự nhiên rừng trồng với tổng diện tích 1,3ha. Tại 2 lô rừng được cấp phép khai thác của xã Tràng Xá, toàn bộ cây đã bị chặt trắng.

Những Quyết định khai thác rừng nói trên đã không được gửi cho UBND huyện Võ Nhai. Vậy là chính quyền huyện đã bị qua mặt.

Quản lý bất cập

Tháng 6/2011, UBND huyện Võ Nhai có văn bản giao lại gần 7ha rừng tại khu di tích Khuôn Mánh cho chính quyền xã Tràng Xá quản lý.

Tuy nhiên, diện tích này chưa có quy hoạch cắm mốc giới rõ ràng. Khi sự việc xảy ra, kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ liên quan mới thấy trong gần 7ha mà huyện giao thì chỉ có 1,7ha của di tích là khu cấm các hành vi xâm phạm, toàn bộ diện tích này cũng chưa hề có mốc giới.

Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ có sự chồng chéo, như ngành Văn hóa quản lý các hạng mục công trình, chính quyền địa phương quản lý chung, diện tích đất lại thuộc Cty Lâm nghiệp Võ Nhai.

Ảnh: Việt Bắc

Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá, thừa nhận, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành quản lý bảo vệ rừng và khu di tích. Đảng ủy xã đã và sẽ xem xét trách nhiệm và tiến hành xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ông Hùng cũng cho rằng, trước tiên trách nhiệm lớn thuộc về lực lượng Kiểm lâm huyện Võ Nhai với vai trò, chức năng của mình đã không tiến hành giám sát chặt chẽ việc khai thác tỉa thưa theo Quyết định.

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, khẳng định, diện tích rừng tiếp giáp với khu di tích là rừng sản xuất, đến thời điểm khai thác các hộ dân trồng rừng đã được Sở NN-PTNT Thái Nguyên cấp phép với hình thức khai thác tỉa thưa, việc giám sát khai thác được giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai mà trực tiếp là kiểm lâm viên địa bàn. Mặc dù Trạm kiểm lâm Tràng Xá chỉ cách rừng Khuôn Mánh chưa đầy 3km, đường sá đi lại thuận tiện, nhưng việc giám sát khai thác đã bị buông lỏng.

Như vậy, nguyên nhân là do sự giám sát thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng vì theo giấy phép khai thác cấp cho các hộ dân là tỉa thưa với mật độ để lại 600 cây/ha tuy nhiên thực tế khi kiểm tra lại thì gần như rừng đã bị chặt trắng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/rung-phong-ho-khu-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia-bi-chat-pha-dot-tro-trui-post171388.html