Rưng rưng đón các anh về với đất mẹ

Sau lễ truy điệu 72 liệt sỹ trong ngôi mộ tập thể vừa được quy tập ở tỉnh Đồng Nai, nhiều thân nhân liệt sỹ đã xin 1 nắm đất trong ngôi mộ tập thể ấy mang về quê để tiện hương khói cho các anh.

Trong cái oi nồng nắng hè ở nghĩa trang liệt sỹ xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), trước tấm bia tưởng niệm là chiếc bàn nhỏ tạm để hài cốt liệt sỹ Vũ Bá Thông được bọc kín lá cờ đỏ sao vàng, bên cạnh là di ảnh mặc bộ quân phục bạc màu của liệt sỹ khi mới 17 tuổi.

Tấm bạt dựng tạm che bàn thờ, bát hương và đĩa trái cây, hộp bánh để chuẩn bị cho lễ đưa hài cốt của liệt sỹ về phần mộ đã xây sẵn ở nghĩa trang xã nhà.

Bà Nguyễn Thị Sự (giữa) và người thân của liệt sỹ Nguyễn Duy Miên

Liệt sỹ Vũ Bá Thông (SN 1947), nhập ngũ tháng 9/1966, cấp bậc hạ sỹ, anh đã hy sinh tại sân bay Đồng Nai trong trận đánh dịp Tết Mậu Thân, ngày 31/12/1968.

“Nghĩa trang xã Ông Đình có 90 phần mộ liệt sỹ, trong đó có hơn 1/3 số mộ không có hài cốt. May mắn là liệt sỹ Vũ Bá Thông được tìm về nằm tại mảnh đất quê hương”, cụ Phạm Năng Thắng (90 tuổi), quản trang 20 năm ở nghĩa trang này, nghẹn ngào tâm sự.

Ông Vũ Bá Thận, em trai liệt sỹ, nghẹn ngào: “Đã 49 năm rồi, anh trai tôi mới về tới quê nhà. Gia đình có 3 anh em trai, cả 3 anh em cùng lên đường ra trận. Tôi và em út trở về được, chỉ anh Thông là đi mãi không về. Hơn 30 năm nay, tôi đi tìm anh Thông khắp các vùng miền, các chiến trường.

Giấy báo tử của anh chỉ ghi: Hy sinh tại mặt trận phía Nam. Vậy là cứ nơi nào có liệt sỹ nằm lại, từ Quảng Trị đổ vào, là tôi đi tìm anh… Có thời gian, mẹ tôi yếu, cứ ngồi dậy được là nhìn ra cổng, ngóng anh Thông về.”

Một liệt sỹ khác được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể này là liệt sỹ Nguyễn Duy Miên (SN 1950), cấp bậc Hạ sỹ, nhập ngũ tháng 9/1966, hy sinh ngày 31/12/1968. Căn nhà nhỏ của người em gái liệt sỹ, bà Nguyễn Thị Sự (60 tuổi), ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, yên ắng và rêu phong.
Bà Sự không có chồng con, ở vậy chăm sóc bố mẹ già, nay bố mẹ đã mất, bà sống một mình ở đây hương khói cho bố mẹ, chăm sóc ban thờ tổ tiên.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Ông Đình, huyện Khoái Châu có 90 phần mộ liệt sỹ

Người em trai út của liệt sỹ Miên là ông Nguyễn Duy Tiến (đang sống ở Quảng Ninh) và người em dâu Trần Thị Nga (lấy người em kế của liệt sỹ, đang sống ở Hòa Bình) cũng về quê để lo việc cho anh.

Liệt sỹ Miên là anh cả trong 6 người con của gia đình. 17 tuổi, anh tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Không ai ngờ, anh đi chỉ 1 lần ấy, rồi mãi không trở về.

Thương bố mẹ già, đã hàng chục lần, anh em trong nhà gom góp tiền, cắt cử nhau đi nhiều chiến trường tìm mộ anh Miên. Trong họ, có ông Nguyễn Duy Hà, người em con chú ruột của liệt sỹ, có sức khỏe, lại nhanh nhẹn được cử đi tìm mộ liệt sỹ nhiều lần nhất.

Nhưng cả chục lần ra đi, ông lại về tay không với nỗi thất vọng, mỏi mệt. Sau 49 năm, tìm được nơi anh hy sinh, nơi anh nằm lại, thì ở nhà bố mẹ già đã mất. “Hôm nhận được điện thoại của xã đội báo tin, tôi run hết người, mãi mới chạy được sang nhà, báo cho chị Sự biết”, ông Nguyễn Duy Hà nhớ lại.

“Hồi anh Miên đi bộ đội, tôi mới học vỡ lòng, ký ức về anh tôi cũng không rõ lắm. Chỉ mẹ là nhắc đến anh Miên nhiều. Hồi nhận được tin báo tử của anh Miên, mẹ nhiều đêm không ngủ được, mẹ đến huyện đội, đến xã hỏi đi hỏi lại có đúng tên anh Miên không? Có nhầm lẫn không?”, bà Nguyễn Thị Sự kể. Đồng đội ở xã cùng đi đợt ấy với anh Miên cũng không còn ai trở về, nên tin tức về anh Miên cũng bặt tăm từ đó.

“Gia đình chúng tôi mong muốn mang một phần hài cốt của anh về quê nhà để tiện hương khói nhưng anh bây giờ nằm ở mộ tập thể, được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đồng Nai. Gia đình tôi cũng không biết dịp nào mới trở lại được nơi anh nằm để thắp cho anh nén hương nhưng cứ nghĩ, anh là con của đất nước, nên việc hương khói chắc gia đình không phải lo lắng nhiều”, bà Sự nói trong nỗi tiếc nhớ người anh của mình.

Theo thông tin của Sở Lao động-Thương bình&Xã hội tỉnh Hưng Yên, trong danh sách 72 liệt sỹ trong ngôi mộ tập thể vừa được tìm thấy và quy tập sau 49 năm nằm lại ở sân bay tỉnh Đồng Nai, có 7 liệt sỹ quê ở Hưng Yên. Hầu hết, các liệt sỹ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Lúc nhập ngũ đều 17, 18 tuổi và chưa có vợ, con.
Hài cốt các Liệt sĩ trong ngôi mộ tập thể này thuộc Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa, hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân (ngày 31/12/ 1968).

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/kho-bau/rung-rung-don-cac-anh-ve-voi-dat-me-post30626.html