Rưng rưng xúc động bởi "Điều còn mãi 2010"

(ANTĐ) - Nhà văn Đỗ Chu chỉnh lại "mục kỉnh" rồi rổn rảng "phát biểu cảm nghĩ": "Tôi rất xúc động khi nghe những ca khúc của ngày hôm qua được thể hiện của lớp ca sĩ của ngày hôm nay. Chương trình này được xây dựng một cách sang trọng, hiện đại mà vẫn nồng ấm..." Sau chương trình hòa nhạc, sảnh lớn của Nhà hát Lớn đầy ắp các nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức ở lại để gặp gỡ và trao đổi...

Chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi 2010" vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn, trong buổi chiều ngày Quốc khánh 2/9. Chương trình không bán vé, trong khi có quá nhiều người yêu nhạc mong muốn được thưởng thức không gian âm nhạc "chất lượng cao" này. Từ rất sớm, khán giả đã tới đông đủ và chương trình bắt đầu đúng giờ, trong khi phía ngoài Nhà hát Lớn vẫn còn nhiều người tần ngần dõi mắt vào phía trong... Không gian sảnh ngoài của Nhà hát Lớn - thủ đô Hà Nội được tô điểm bởi những bức tranh mang đề tài Hà Nội của họa sĩ Đào Hải Phong. Chương trình "Điều còn mãi" năm nay cũng chọn một chủ đề rất thiêng liêng: Ngàn năm Thăng Long. Đến với chương trình này có rất nhiều nhân sĩ trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể nhận ra Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, TS Mai Liêm Trực, nhà thơ Việt Phương, ông Nguyễn Trung, ông Trần Đức Nguyên, bà Phạm Chi Lan, GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Phạm Duy Hiển, GS Chu Hảo, GS Ngô Việt Trung... Ngoài ra còn có các nhạc sĩ nhiều thế hệ như NS Hoàng Vân, NS Hoàng Dương, NS Văn Ký, NS Hồng Đăng, NS Đỗ Hồng Quân... Phần một của chương trình gồm những tác phẩm khí nhạc. Cả khán phòng lặng nghe và cảm nhận. Mỗi người mỗi ý, có người tâm đắc nhất với Thốt (Đối thoại với tuồng) của nhạc sĩ trẻ Tuệ Nguyên, khi piano - thứ nhạc cụ Tây Âu được kết hợp, đối thoại với kèn bóp, trống chiến và giọng vocal "đặc sệt chất tuồng" của nghệ sĩ Xuân Quý. Phần lớn khán giả cảm thấy tâm đắc với chất lãng mạn, tinh tế, sâu lắng trong "Tâm hồn người Hà Nội" (trích đoạn bản sonate số 8 cho violin) của nhạc sĩ Hà Nội - Nguyễn Văn Quỳ. Nhạc trưởng Lê Phi Phi tiếp tục thành công với "Điều còn mãi" Nghệ sĩ Bùi Công Duy thể hiện thành công tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ Không ít người lại chỉ chờ đợi và hài lòng với phần thanh nhạc của chương trình. Đó là những ca khúc "bất hủ", hào hùng, dù đã được "xếp hạng" "muôn năm cũ" nhưng lần nào cũng khiến khán giả dạt dào cảm xúc mới: Người Hà Nội, Bài ca Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Nhớ về Hà Nội,... Ca sĩ Đức Tuấn có dịp khoe chất giọng đẹp khiến khán giả Hà thành trầm trồ. Ca sĩ Nguyên Thảo khiến nhiều người bất ngờ khi thể hiện đầy cảm xúc, đầy kỹ thuật ca khúc "Hướng về Hà Nội", cô Bống Hồng Nhung vẫn nhẹ nhàng, duyên dáng khi cất lên lời ca: "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội...", Đăng Dương, Trọng Tấn thể hiện "Hà Nội - niềm tin và hy vọng", "Mong về Hà Nội". Và cuối cùng là Mỹ Linh với ca khúc luôn là "sự thách thức" với nhiều ca sĩ: "Người Hà Nội". Ca sĩ Khánh Linh mở đầu phần thanh nhạc Đức Tuấn nhận được những tràng pháo tay không dứt của khán giả Nguyên Thảo khiến nhiều nhạc sĩ và khán giả bất ngờ với phần trình diễn của mình Hầu hết khán giả trong khán phòng Nhà hát Lớn đều bồi hồi xúc động khi chương trình kết thúc. Nhà thơ Việt Phương chia sẻ: "Điều còn mãi đó là tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước, lòng tự hào Tổ quốc ta... Nhưng sẽ chỉ còn mãi nếu luôn luôn đổi mới, chứ không phải nhất thành bất biến". Phải chăng, những giai điệu đẹp - cả có lời và không lời - vang lên trong không gian đẹp của những ngày lịch sử, đã gợi lại trong lòng mỗi người những thời khắc riêng, chung của những năm tháng hào hùng đã qua." Ca sĩ Hồng Nhung vừa cất lời hát "Dù có đi bốn phương trời...." đã nhận được tràng pháo tay của khán giả Nhạc sĩ Dương Thụ vui mừng với thành công của chương trình Khi những giai điệu mang nhiều cung bậc cảm xúc vang lên vào chiều thu lịch sử, khi Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là 1000 năm thăng - trầm của Đại Việt - Việt Nam, lòng người không thể không lắng lại, không thể không tự hào. Nhưng những người Hà thành bây giờ cũng phải "giật mình nhìn lại": Làm sao để giữ Thăng Long - Hà Nội đẹp lung linh như trong thơ và nhạc? Làm sao để Thăng Long - Hà Nội luôn xứng đáng là trái tim của cả nước, để sẽ có thêm những khúc ca viết về Hà Nội của những tác giả không phải người Hà Nội?

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=81519&channelid=8