Sa thải đột ngột... gần 60 công nhân bức xúc

Bức xúc bị sa thải đột ngột, 60 công nhân là người lao động và cổ đông của Công ty Cổ phần Liên hợp Thực phẩm tại địa chỉ 267 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) đã gửi đơn đến báo VietNamNet kêu cứu.

Nghỉ việc công nhân càng khốn khổ. Trời nắng, bụi đường, tiếng ồn của các xe tải trên đường khiến các công nhân đang chờ việc tại địa chỉ 267 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) trở nên mệt mỏi. Thế nhưng hằng ngày họ vẫn đến đây ngồi từ sớm, và về khi hết giờ làm việc. Theo các công nhân ở đây, họ đang cố gắng thuyết phục công ty để được tiếp tục làm việc. Công ty Cổ phần Liên hợp thực phẩm thành lập năm 1969, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Nguyễn Tuấn Tú, giám đốc công ty, sản phẩm sản xuất của công ty là bia hơi, bia chai. Hiện nay công ty có 32% cổ phần do nhà nước quản lý. Công ty Cổ phần Liên hợp Thực phẩm hiện nay đang sử dụng 204 lao động, sau khi sa thải 60 lao động của hai tổ bia chai và tổ dịch vụ thì công ty còn 144 lao động. Việc công ty đột ngột cắt giảm lao động làm nhiều người lao động bức xúc. Chị Nguyễn Thị Hải một lao động cho biết: “Tết năm vừa rồi, gia đình tôi vẫn được công nhận là gia đình nghèo, có được công đoàn hỗ trợ 150 nghìn để ăn tết. Thế mà mới ra tết tôi đã bị buộc thôi việc…”, chị Hải băn khoăn: “Tôi có hai con nhỏ, cháu lớn 10 tuổi, cháu bé 5 tuổi, chồng tôi thì nghiện. Nghỉ việc ở đây tôi không tính được sẽ làm gì để nuôi con. Bây giờ tôi chưa tính được sẽ làm gì. Từ ngày biết mình sẽ bị sa thải tôi không ngủ được”. Chị Lưu Thúy Thơm một lao động khác tâm sự: “Tôi đã làm việc tại công ty 18 năm. Đời cha mẹ làm ở đây rồi đến đời tôi…Tôi là lao động chính trong gia đình (chồng bị tâm thần phân liệt không có khả năng lao động, con 5 tuổi còn đang học lớp 1), gia đình sống được phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương của tôi. Bởi thế nên lúc nào cũng cố gắng hết sức làm việc…” Thế nhưng chính chị Thơm cũng không ngờ được rằng mình bất ngờ bị công ty sa thải. Thẫn thờ nhiều ngày liền, chị Thơm quyết tâm đình công dài lâu cho đến khi được nhận quay trở lại làm việc. Các công nhân bị cho thôi việc trong đợt này mang nhiều bức xúc bởi đa số họ đều là lao động tiên tiến nhiều năm, đều là công nhân ở tuổi từ 35 đến 45 tuổi cao lại không có bằng cấp nên rất khó xin việc mới. Hơn nữa, việc công ty cho nghỉ việc quá bất ngờ, sau khi dán thông báo là cho dây truyền sản xuất ngưng ngay, không lắng nghe ý kiến của người lao động “Công nhân tiên tiến” công ty vẫn lỗ do đâu? Trong đơn gửi báo VietNamNet các công nhân cho rằng: Hội đồng quản trị của công ty đã mua máy móc không hiệu quả. Tìm hiểu tại công ty, ông Nguyễn Tuấn Tú cho biết, vào cuối năm 2005 công ty có mua một dây chuyền sản xuất bia chai đã qua sử dụng. Dây truyền này trị giá 7,6 tỉ đồng. Và ông cũng khẳng định dây chuyền này chưa bao giờ có lãi và do Hội đồng quản trị trước đó quyết định mua. Tại xưởng sản xuất, ông Phùng Tiến Dũng (Phó quản đốc phân xưởng) cho hay: Dây chuyền gồm: Máy rửa chai, máy chiết, hầm thanh trùng, máy dán nhãn, máy rửa két, máy bắn đát sử dụng, băng tải chuyển chai. Chị Lưu Thúy Thơm công nhân tại xưởng cho biết: Máy rửa két không dùng đến. Máy thường xuyên hỏng hóc, công nhân phải nghỉ giữa chừng nhiều lần. Theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty, họp ngày 31/12/2009 thì: “Quyết định dừng sản xuất bia chai, cho thanh lý thiết bị của dây chuyền bia chai và các thiết bị không cần dùng khác”. Ông Nguyễn Tuấn Tú cho biết thêm: Kiểm toán báo cáo về hoạt động công ty, thì các năm đều thua lỗ, năm nay “áng chừng” cũng thua lỗ khoảng 3 tỉ. Thêm vào đó quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về mở rộng đường Tô Hiệu đã thu hẹp diện tích của công ty 2414m2, lấn vào công trình xử lý nước thải của công ty mà muốn đầu tư để xây lại tốn từ 6 đến 7 tỉ, thu hồi lại phải từ 5 đến 10 năm sau... Sản xuất không hiệu quả, đầu tư chậm thu hồi, việc thu hẹp diện tích đất khiến công ty buộc phải giải quyết lao động theo chế độ. Và chuẩn bị di dời theo chính sách của nhà nước. Mua máy móc không hiệu quả, hoạt động thua lỗ đều là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cổ đông và công nhân và vốn nhà nước. Rất nhiều công nhân phải nghỉ việc vì làm ăn thua lỗ. Thế nhưng ai sẽ là người đã và đang phải chịu trách nhiệm về điều này tại Công ty Cổ phần Liên hợp Thực phẩm?. Công nhân mong nhận được chính sách thỏa đáng. Chị Thơm, chị Hải, Đào và các công nhân khác vẫn thường xuyên đến công ty rất đúng giờ… Có người làm 10 năm, có người làm 20 năm từ lúc còn con gái đến lúc tóc đã hoa râm, chỗ đó đã gắn bó như máu thịt. Dù lương và việc của ngành bia rất bấp bênh nhưng họ vẫn làm vì là chỗ dựa của cả gia đình. Cứ nghĩ đến phải nghỉ việc là họ có thể khóc nấc lên. Thiết nghĩ nếu việc tạo việc làm cho người lao động của công ty là bất khả kháng, các công nhân buộc phải thôi việc, thì công ty cần có chính sách giải quyết chế độ thỏa đáng cho các công nhân, bởi vì thời gian và công sức họ đã cống hiến cho công ty và cần phù hợp với pháp luật về lao động hiện hành. Bài và ảnh : T.Phan

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/bandocviet/201003/Sa-thai-dot-ngot-gan-60-cong-nhan-buc-xuc-900798/