Sắc lệnh mới, thông điệp cũ

Vậy là gần 1 tháng sau khi sắc lệnh nhập cư đầu tiên gây tranh cãi bị các tòa án đình chỉ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-3 ký sắc lệnh nhập cư mới.

Sắc lệnh nhập cư mới cũng nhằm mục đích ngăn chặn dòng người nhập cư đến từ một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Somalia, Iran, Libya, Sudan, Yemen và Syria. Tuy nhiên, sắc lệnh này có điểm mới là không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, vốn nằm trong “danh sách đen” của sắc lệnh cũ. Ngoài ra, công dân Syria cũng không còn bị cấm nhập cư vào Mỹ vĩnh viễn như sắc lệnh đầu tiên. Sắc lệnh mới cũng “bỏ qua” vấn đề của những thường trú nhân tại Mỹ khi công dân 6 nước trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (có Thẻ xanh) không bị ảnh hưởng do sắc lệnh mới này.

Ông Trump – nhà lãnh đạo vốn đang lúng túng trong cuộc tranh cãi liên quan đến các mối liên hệ của ông với Nga và những cáo buộc bùng nổ trên Twitter – có thể ký sắc lệnh mới nhằm làm chệch hướng chú ý dư luận quanh những vụ việc đang gây khó khăn cho Nhà Trắng trong thời gian qua. Việc ông chủ Nhà Trắng loại Iraq ra khỏi “danh sách đen” trên được cho là vì hai nước đang buộc phải “vai kề vai” trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan IS tại quốc gia Nam Á này.

Tất nhiên, ông Trump không thể để thua trong cuộc chiến chống IS mà bản thân ông rất coi trọng, vì vậy, không thể để Iraq vì tức giận mà có lý do để rời bỏ chiến lược hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Trump tuyên bố ông ký sắc lệnh nhập cư sửa đổi mới nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn. Bất chấp tuyên bố này cùng với thực tế sắc lệnh mới đã được giảm quy mô đáng kể, nó vẫn không ngừng gây tranh cãi.

Ngoại trưởng Rex Tillerson mô tả sắc lệnh mới là “biện pháp quan trọng” để tăng cường an ninh quốc gia nhưng Tổng chưởng lý bang Virginia Mark Herring gọi sắc lệnh mới của Tổng thống Trump là “thông điệp tồi tệ”. Nhiều người cũng đặt câu hỏi về “danh sách đen” lần này, vốn bao gồm công dân đến từ các quốc gia chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào ở Mỹ.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, người dân Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Hầu hết cho thấy đa số cử tri phản đối việc ông Trump “có thái độ kỳ thị” với người Hồi giáo như thế này. Vì vậy, có thể thấy, dù có nhiều dấu hiệu mới trong sắc lệnh mới, nó vẫn đi theo vết xe đổ của sắc lệnh cũ.

Thanh Văn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_162773_sa-c-le-nh-mo-i-thong-die-p-cu-.aspx