Sắc màu một chặng đời-thơ...

QĐND - Họa sĩ Lê Hướng Quỳ tuổi Giáp Thân. Anh vốn là người xứ Thanh, tuổi thơ gửi nơi sông Mã, đền Sòng... Khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh về công tác ở Hải Dương và gắn bó với vùng đất xứ Đông từ ấy. Nối tiếp tập thơ “Giữa không gian ba chiều” do NXB Văn học ấn hành năm 2004, sau mấy năm, anh mới có tập thơ “Sắc màu thời gian” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Tập thơ “Sắc màu thời gian” với 60 bài thơ, như là sự ghi dấu chặng đường đời của anh qua hơn một chu kỳ hoa giáp, để mà ngẫm ngợi. Gần đến tuổi “cổ lai hi”, Lê Hướng Quỳ chẳng cần nói đến tài năng, danh vọng hay lợi lộc gì từ thi ca. Với anh, thơ là sự ngâm ngợi, thầm lặng chiêm nghiệm, thả hồn mình theo những cung bậc cuộc đời, đôi khi là cảm xúc về một thời hoa niên xa xăm ký ức. Là họa sĩ làm thơ nên trong thơ anh có tranh, có những mảng màu tối sáng và vì lẽ đó mà anh đặt tên cho tập thơ là “Sắc màu thời gian” để vẽ nên những cung bậc thơ, cung bậc đời người.

Khi đi về phía xế bóng, người ta hay nhớ về thời đã qua, về quê hương, tuổi thơ, những người bạn tri kỷ, những thăng trầm, được mất. Lê Hướng Quỳ cũng vậy. Anh từng: Đi ngược dòng sông Mã/ “Ngựa” sải sóng xuôi dòng/ Tìm người xưa tri kỷ/ Trải buồn vui men sông. Đấy là chú “ngựa” thời gian đã gùi thồ cuộc đời thi sĩ đi bên dòng đời. Anh nhớ đau đáu những cảnh vật gắn với tuổi thơ xưa, bây giờ không còn nữa: Cây gạo đồng Cò đã mất/Vắng đàn sáo sậu trên đồng (Cảm xúc dọc triền sông). Khi anh về quê gặp bạn sau bao tháng năm xa cách: Nỗi nhớ trái chiều/ Chợt canh gà điểm thức/ Tuổi học trò/ vừa đó/ bóng sang ngang. Anh viết về cô bạn gái cùng học ngày xưa, bây giờ “tóc đều vương sóng bạc”, thế mà “mắt huyền xưa... vẫn hóm”. Thơ Lê Hướng Quỳ câu chữ đơn giản, nhưng bạn đọc dễ gặp những điểm nhấn như ở câu thơ trên. Mắt huyền mà được tả là “hóm” thì thật sáng tạo, đấy là mắt biết nói, mắt của thời gian, của cõi lòng, dẫn người đọc vào miền hư ảo, quên đi thực tại đang già cỗi với con người.

“Sắc màu thời gian” là những tự sự của Lê Hướng Quỳ về con người, về nhân tình thế thái, là sự chiêm nghiệm những năm tháng đi qua. Anh viết những câu thơ như rất tự nhiên mà càng đọc càng thấm: Rưng rưng bạc tóc/ Chuông chiều ngân lơi (Chiều vương). Anh tâm sự với con gái bằng những lời chắt từ gan ruột: Lời nói nhân tình bao đời trả giá/ Đâu khúc nông sâu? Qua nước đầy vơi. Ngay khi trong lễ hội ồn ào đấy mà anh thấy: Cùng hội hè nhưng có giống nhau đâu/ Cũng lẽ thường lở bồi trong đục. Anh “tự bạch” trước toan vẽ: Tranh hiển hiện ba chiều/ Bút tìm màu sắc thật/ Nhiều phen đời đối mặt/ Giữa hai chiều thương đau. Dù viết về những đắng cay, vấp ngã, nhưng Lê Hướng Quỳ vẫn tìm những câu thơ dẫn bạn đọc đến những khát khao, để tin tưởng, không bi quan, đấy là tư tưởng nhân văn trong thơ anh: Trái tim vẫn cảm nhận điều trung thực/ Giữa bộn bề chắt lọc để yêu thương (Vạn Kiếp yêu thương). Khi viết về những đứa trẻ mồ côi vượt khó: Về đây nên bầy nên tổ/ Chịu thương vượt khó nên người/ Bây giờ em còn non nớt/ Mai ngày tung cánh cò bay (Lang thang cánh cò). Những bài thơ viết về mùa xuân của anh cũng phơi phới, tràn đầy lạc quan trước sự xốn xang, giao hòa trời đất.

Chiếm một số lượng không nhỏ bài thơ trong “Sắc màu thời gian” được Lê Hướng Quỳ viết để động viên, cổ vũ phong trào lao động sản xuất, xây dựng quê hương nông thôn mới. Anh ca ngợi người lao động ở nhiều ngành nghề, mọi lứa tuổi, từ người công nhân lái phà, xây dựng, đến người công nhân môi trường đô thị, cô giáo lớp học tình thương. Có những bài thơ thời sự cổ vũ phong trào trồng cây, gây rừng... Những bài thơ như thế bạn đọc dễ thấy câu chữ thô ráp, to tát, có cảm giác hô khẩu hiệu, sức sống không lâu bền. Còn những câu thơ sáo mòn, người đọc không thấy được sự lao động vất vả, sự gia công nghiêm túc của người làm công việc gọi là sáng tác văn học. Có thể nêu những câu như: Em nâng niu những mất còn dâu bể; Nơi ấp ủ những sắc màu bất tử/ Mảnh vườn Xuân thắp sáng cả hoàng hôn; Hỡi em tuổi xuân hương tỏa/ Màu xanh vĩnh hằng xứ sở; Mộng tan... gom nhặt nghĩa tình/ Một mình anh mắc nợ vành trăng suông v.v..

Không thể không nhắc đến hình ảnh vầng trăng trong tập thơ “Sắc màu thời gian”. 24 bài thơ trong tổng số 60 bài thơ trong tập có hình ảnh vầng trăng với đủ các cung bậc cảm xúc, trạng thái, cả không gian, thời gian, cả thực và ảo, tròn với khuyết, sáng với lu..

Có bài thơ nhắc đến trăng từ ba đến bốn lần, thậm chí 6 lần. Anh viết về trăng thời sơ tán kháng chiến chống Mỹ, trăng trên biển động, những mùa trăng thời gian, trăng trong tâm tưởng, trăng sớm, trăng khuya, trăng tròn, trăng náu, trăng nơi quê mẹ, cố hương và cả trăng “ngây ngô tình”... Có những hình ảnh trăng thơ mộng: Tuổi thơ xanh mùa cốm/ Cánh diều vờn trăng treo (Thơ ban chiều); vầng trăng kỷ niệm: Mùa trăng/Ai gửi hương trời đất/ Tặng kẻ xa nhà nhớ cố hương (Hương cốm cố hương) và Sông Xuân neo đậu vầng trăng nhỏ/ Xuân về quê mẹ/ Nhớ quê cha... Lê Hướng Quỳ còn lấy trăng làm nhân chứng cho một mối tình dang dở; lấy trăng để giãi bày sự gian nan, vất vả, phải tha hương kiếm sống: Trăng hạ huyền tỉnh giấc đã long đong... và khi trở về cố hương thì bao người thân đã mất, trăng chỉ còn hư ảo...

“Sắc màu thời gian”, một tập thơ chứa nhiều cung bậc về tình thơ, ghi dấu thời gian, về cuộc đời không chỉ với riêng tác giả, mà còn gợi nhiều suy ngẫm cho bạn đọc. Tôi nhớ mãi hai câu của Lê Hướng Quỳ trong tập thơ này: Tình quê nhân nghĩa dài lâu/ Tôi đi không lạc sắc màu thời gian...

Nguyễn Đình Xuân

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/75/75/75/167040/Default.aspx