Sắc màu Thái giữa đại ngàn Pù Mát

Nằm trong địa bàn vườn quốc gia Pù Mát, những bản làng người Thái ở Con Cuông vẫn giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, là nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Những năm qua, nhiều bản Thái ở Pù Mát đã bắt tay làm du lịch cộng đồng, với rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng đã đạt nhiều kết quả hứa hẹn.

Du thuyền trên sông Giăng, trải nghiệm thú vị dành cho du khách thích khám phá.

Bản Xiềng trên bản đồ du lịch quốc tế

Từ QL7 vào bản Xiềng (xã Môn Sơn, Con Cuông), mất 20km đường quanh co. Anh Hà Vĩnh Ước, người Thái, cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát giải thích “Xiềng” theo tiếng Thái nghĩa là “có tiếng, nổi tiếng”. Bản chắc nổi danh bởi làng dệt thổ cẩm truyền thống đang được xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng. Cầm những tấm vải thổ cẩm được thêu sặc sỡ, chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ xã Môn Sơn, đóng tại bản Xiềng, cười tươi tắn: “Khách đến đây rất nhiều, nhưng chưa thấy ai hỏi về ý nghĩa những hoa văn này cả. Các hoa văn này đều mô phỏng các con vật, loài cây trên rừng, hay các vì sao trên trời, nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thuộc với người Thái, với triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên”.

Từng ngón tay thon thả chỉ vào các nét hoa văn, chị giải thích: “Đây là “kết pa” (vảy cá), đây là “laotaxa” (sao trời), còn đây là “tinpu” (con cua), đây là “xanac” (rái cá)... ”. Có nhiều hoa văn mà ngay cả chị Hằng cũng khó giải thích, bởi đã được truyền lại từ hàng trăm năm trước, qua người mẹ truyền cho con gái hoặc con dâu.

“Con gái Thái khoảng 10 tuổi đã được mẹ cho làm quen với khung cửi, dệt, thêu theo các bài bản từ xưa, liên tục đến khoảng 16 tuổi mới tạm được coi là thành thạo nghề canh cửi”, chị Lương Thị Thu (SN 1988), con gái chị Hằng cho hay. Học xong Đại học, chưa tìm được việc làm, Thu về phụ trách bán hàng cho mẹ. Quầy hàng của hai mẹ con cũng là nơi giới thiệu, bán sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ xã Môn Sơn, gồm nhiều hàng thổ cẩm như váy, khăn đội đầu, chăn... Một chiếc khăn tơ tằm thổ cẩm giá 400 nghìn, một chân váy 500 nghìn, với chất liệu tơ tằm siêu bền và những đường thêu, hoa văn thổ cẩm tinh tế.

Nghe qua giá có vẻ cao, nhưng tôi không khỏi giật mình khi được biết, để thêu được một chiếc khăn, phụ nữ Thái phải làm việc liên tục 3 ngày, còn một chiếc váy thì phải làm đến hàng tháng. Đó là chưa kể đến công đoạn từ nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi... Đúng là nghề thêu cũng lắm công phu, một tấm khăn thêu, kết tinh mồ hôi, sự tinh tế, khéo léo và cả những triết lý sâu xa của người Thái.

Bản Xiềng có 180 hộ, thì 120 hộ vẫn còn khung cửi, nhưng chủ yếu bà con dệt tranh thủ trong lúc nông nhàn, chứ không chuyên làm, vì đầu ra còn khó khăn. Dệt, thêu thủ công năng suất thấp, giá thành cao, khó cạnh tranh với hàng thổ cẩm được làm theo kiểu công nghiệp. 15 thành viên HTX thủ công mỹ nghệ xã Môn Sơn thu nhập trung bình cũng chỉ được 1,2 triệu/người/tháng.

“Khi nào có đơn hàng thì HTX huy động các thành viên tập trung làm cho kịp. Điều mừng là có nhiều đơn hàng được người Pháp, Nhật đặt mua. Người Nhật còn mua cả hàng mây tre đan của bà con”, chị Hằng cho hay.

Thuộc tuyến du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, bản Xiềng vài năm trở lại đây trở thành điểm du lịch cộng đồng khá hấp dẫn. Khách đến bản Xiềng để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động sản xuất truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nghề mây tre đan, làm rượu cần, mua hàng hóa... Cái tên bản Xiềng, vùng đất xa xôi của rừng quốc gia Pù Mát đã có tên trong hành trình của các du khách trong nước và quốc tế, là một tín hiệu vui, dù mới sơ khai, và còn không ít khó khăn, trở ngại.

Văn hóa rượu cần Thái tại Vườn quốc gia Pù Mát.

Homestay tại bản Nưa

Trên hành trình đến bản Xiềng, khách du lịch, trong tour Vinh - Vườn quốc gia Pù Mát chọn bản Nưa (xã Yên Khê) làm điểm dừng chân. “Nưa” nghĩa là “trên”, đây là cách đặt tên bản theo vị trí địa lý của người Thái, đối lập với bản “Tờ” (dưới). Từ đường cái đi vào, đã thấy ngôi nhà sàn đồ sộ như một tòa lâu đài bằng gỗ của chị Lô Thị Hoa, là điểm dừng nghỉ của khách trước khi vào vùng lõi rừng nguyên sinh Pù Mát.

Tươi tắn trong bộ trang phục truyền thống, chị Lô Thị Hoa, 43 tuổi, dẫn khách bước lên nhà sàn. Căn nhà làm bằng nhiều loại gỗ quý như lim, chua, dổi, táu... nước sơn phủ bóng nhoáng; sàn, vách đều bằng gỗ, lợp ngói. Trong phòng có nhiều giường với chăn, màn, đệm, ga cao cấp, ngăn cách bởi các tấm ri đô. Từ năm 2011, chị Hoa cải tạo, nâng cấp nhà sàn để làm điểm cho khách du lịch nghỉ qua đêm. “Thời điểm đó, chi phí sửa nhà hết 250 triệu, vợ chồng em phải bán cả bầy trâu, rồi vay mượn thêm”, chị Hoa kể.

Hành trình du khách đến với bản Nưa thường kéo dài một ngày một đêm. Ban ngày, khách tham quan khe Nước Mọc, các mô hình sản xuất, đời sống, phong tục Thái như đi cấy, làm cỏ, dự lễ cưới, lễ hỏi... ; thưởng thức các món ăn Thái, do đội dịch vụ gồm 30 người đảm trách. Giá mỗi suất ăn tùy nhu cầu khách, có thể dao động từ 80 đến 200 nghìn. Một khách ngủ qua đêm chủ nhà chỉ thu 60 nghìn. Ban đêm, các cô gái là thành viên CLB dân ca Thái trong trang phục truyền thống biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ Thái, bên ché rượu cần lên men nồng say. Khách có thể tham gia hát, hoặc múa cùng các thành viên trong đội văn nghệ, hòa mình trong dòng chảy văn hóa Thái.

Lần giở từng trang cuốn sổ ghi chép hoạt động của tổ dịch vụ, chị Hoa cho hay: “Năm nay, do du lịch biển bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, khách đến bản Nưa rất đông, có hàng trăm đoàn, mỗi đoàn vài chục người, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến từ Anh, Ý, Nhật, Hàn Quốc... ”. Người Nhật đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch tại vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, bởi những tiềm năng tuyệt vời, đầy hứa hẹn. Người Nhật đang thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại đây. Ngài An-đô, thường xuyên đến bản Nưa để khảo sát, hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ du lịch.

Đưa ra một bộ ấm chén làm bằng cây tre, cùng với một cái máng tre đặt trên cái mâm mây, chị Hoa nói: “Ngài An-đô yêu cầu bà con phải sử dụng những dụng cụ nguyên sơ như thế này theo cách người Thái cổ đã làm, như vậy du khách mới thích”. Ngay cả việc kè khe Nước Mọc bằng bêtông, ngài An-đô cũng khuyên Việt Nam không nên thực hiện, để giữ được nét nguyên sơ hoang dã.

Do người Thái đã “hiện đại hóa” cuộc sống khá nhiều, nên việc phục hồi phong cách sinh hoạt, bao gồm các đồ dùng, theo phong cách người Thái cổ cần có thời gian. Đáng mừng là hiện tại bản Nưa đã hình thành được một số nhà đủ điều kiện (không chỉ phòng ngủ, nghỉ mà quan trọng là có nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn) để đón khách homestay, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Tại bản khe Rạn, xã Bồng Khê cũng đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng, với nhiều dịch vụ như tham quan nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, rượu cần, văn nghệ Thái, hoặc tham gia văn hóa cồng chiêng. Theo trưởng bản Lô Văn Thắng, bản Khe Rạn còn có nhiều gia đình lưu giữ bộ cồng chiêng cổ, là thứ tài sản vô giá của người Thái.

Hướng bảo tồn rừng bền vững

Chúng tôi tham gia chuyến phượt ngược sông Giăng, hành trình mọi du khách đều mong muốn trải nghiệm. Hôm ấy vắng khách, các lái đò nghỉ, may có anh Mạnh là cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát nhận lái giúp. Thuyền dài vài mét, chiều ngang hẹp chỉ vừa một người ngồi, trông như chiếc thuyền độc mộc, gắn máy. “Đây là thuyền dùng để vượt thác sông Giăng; để lái thành thạo đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, và cả độ liều nữa”, anh Mạnh nói to, át tiếng máy và tiếng nước chảy. Nước sông Giăng trong suốt, nhìn thấy đáy, với những vạt sỏi, đá rong rêu. Hai bên bờ sông, núi dựng, cây tỏa bóng, phong cảnh hoang sơ như từ nghìn năm trước.

Anh Hà Vĩnh Ước, tự hào: “Với diện tích hơn 94 nghìn ha thuộc ba huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, tài nguyên rừng già vô cùng phong phú, Pù Mát là điểm đến hấp dẫn của những người mê du lịch sinh thái”. Theo anh Ước, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho Vườn quốc gia. Những địa danh như sông Giăng, thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, rừng săng lẻ... đã trở thành địa chỉ nổi bật trong các tài liệu hướng dẫn du lịch xứ Nghệ.

“Người Thái, và đặc biệt là người Đan Lai, bao đời nay sống gắn với rừng, nhờ rừng. Nay nếu không tạo sinh kế cho dân, thì rất khó ngăn cản họ vào rừng chặt cây, lấy măng, bẫy chim thú kiếm sống”, Thạc sỹ Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát trăn trở. “Chúng tôi đang phối hợp phát triển du lịch cộng đồng. Hiện tại Con Cuông đã hình thành được 4 bản là điểm đến cho du khách. Đây là hướng đi vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập bền vững cho người dân, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, cái khó của du lịch cộng đồng tại Con Cuông còn rất nhiều. Con Cuông xa trung tâm (cách TP Vinh 130 km), chỉ có đường bộ. Bà con người Thái làm du lịch còn gặp khó khăn về vốn, về kinh nghiệm. Chị Lô Thị Hoa, bản Nưa (Yên Khê) cho hay bà con cần vài chục triệu để làm du lịch nhưng không biết vay ở đâu; vì không có chương trình tín dụng cho du lịch cộng đồng.

“Chúng tôi cần dòng vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, vì làm du lịch cần có thời gian”, chị Hoa nói. Bên cạnh vốn, thì một số nơi, bản sắc văn hóa của người Thái đã bị pha trộn, mai một không ít; người dân thiếu kinh nghiệm làm du lịch. Du lịch cộng đồng ở Con Cuông, như một nàng tiên còn say ngủ, cần sự đánh thức của những hoàng tử thông minh, có tầm nhìn xa.

Quang Đại - Hoàng Thông

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/sac-mau-thai-giua-dai-ngan-pu-mat-625202.bld