Sách cho trò nghèo

Dù không còn là pháp lệnh nhưng sách giáo khoa vẫn là học liệu và phương tiện không thể thiếu để thầy, trò dạy – học.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Do đó, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước năm học mới, là vấn đề được Bộ GD&ĐT, các địa phương và cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm. Tinh thần là, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Ở những năm học trước, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa. Phong trào “Tủ sách dùng chung” của Sở GD&ĐT Kon Tum là một ví dụ. Phong trào này đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu sách giáo khoa ở một số trường học trên địa bàn. Hiện, phong trào tiếp tục triển khai rộng rãi và được các trường bổ sung thường xuyên, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn trong năm học mới. Vì vậy, gia đình thuộc diện khó khăn không quá lo lắng và yên tâm về việc con em mình sẽ có đủ sách giáo khoa trong năm học mới.

Về phía Nhà nước, thiết nghĩ cần tiếp tục trích ngân sách để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. TP Hồ Chí Minh từng là một trong những địa phương tiên phong khi chi tiền tỷ từ ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh.

Dư luận mong muốn, năm học tới sẽ có thêm nhiều nơi vận dụng cách làm này để lo cho trò nghèo và những học sinh yếu thế. Ngoài ra, Nhà nước nên đặt hàng mua những bộ sách đẹp để cấp cho các trường vùng sâu, xa, tạo điều kiện cho học sinh mượn lại. Với cách làm này, chúng ta khắc phục được tình trạng trò phải học sách kém chất lượng.

Bằng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng ta có thể triển khai mô hình thư viện sách giáo khoa tại các huyện, xã vùng khó khăn, nhất là vùng biên giới, hải đảo. Theo đó, địa phương dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho học sinh diện mồ côi, con hộ nghèo, khuyết tật…; đồng thời kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho các thư viện; học sinh khóa trước học xong tặng lại sách giáo khoa cho học sinh khóa sau. Cách làm này giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn hoặc các em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có đủ sách để học.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số quy định; trong đó quan tâm nhiều đến đối tượng khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, một số thông tư liên tịch liên quan đến các quy định về tài chính cho học sinh trong trường dân tộc nội trú được hỗ trợ kinh phí để mua sách, đồ dùng học tập. Mức hỗ trợ 150 nghìn đồng/học sinh/tháng, mỗi năm học là 1.300.000 đồng, đủ để mua sắm sách giáo khoa cũng như các trang thiết bị học tập.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản liên quan phối hợp với địa phương tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngoài ra Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về phối hợp các địa phương, cơ quan liên quan để đánh giá có trang bị sách giáo khoa tại thư viện trường học hay không. Năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất trong giai đoạn phù hợp.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sach-cho-tro-ngheo-post683163.html