Sacombank:Tại sao lại là ông chủ Him Lam?

Sau hơn 5 năm, 'cuộc chiến' tại Sacombank đã tới hồi kết thúc với một gương mặt mới - ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam...

Ngày mai 30.6, cổ đông sẽ là người ra quyết định các ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, mã STB) có trúng cử hay không. Đồng thời, sau đại hội, cuộc họp kín giữa các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ quyết định bầu ra ai sẽ là người ngồi vào “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Ông chủ Him Lam sẽ ngồi vào "ghế nóng" Sacombank? (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều đồn đoán trên thị trường cho rằng “chủ soái” Dương Công Minh của Tập đoàn Him Lam đã “gần như chắc chắn” ngồi vào chiếc ghế nóng này.

Thả con săn sắt, bắt con cá rô, hay là...

Bằng việc thoái 14,98% cổ phần tại Lienviet PostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo, động thái của “chủ soái” Tập đoàn Him Lam khiến giới tài chính và ngân hàng tại Việt Nam khá bất ngờ bởi quyết tâm muốn tham gia sâu hơn vào “sân chơi” Sacombank của ông Dương Công Minh. Đây rõ ràng là một canh bạc lớn với ông chủ tập đoàn Him Lam bởi thời điểm hiện tại, Lienviet PostBank rõ ràng đang là một ngân hàng đầy tiềm năng.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn điều lệ của Lienviet PostBank là 6.460 tỷ đồng; Lợi nhuận trong năm 2016 của Lienviet PostBank cũng lên tới 1.063 tỷ đồng, ước tính đến 30.6.2017, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank dự kiến đạt tới 900 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay (2008), tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này luôn ở mức dưới 3%, trong khi từ 2014 đến nay, tỷ lệ nợ xấu chỉ trên dưới con số 1%.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất của Lienviet PostBank lại là mạng lưới phủ sóng khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Thế nên, việc ông Dương Công Minh “dứt áo ra đi” khỏi Lienviet PostBank và tiến vào sân chơi Sacombank khiến nhiều người bất ngờ. Nên nhớ, tại tại thời điểm 31.12.2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ).

Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng này chỉ đạt 68,2%, khá thấp so với mức tỷ lệ bình quân trong hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.

Dù vậy, theo đánh giá của giới tài chính thì việc ông chủ Him Lam tham gia vào sân chơi Sacombank là nhắm đến những chi phí cơ hội mà ngân hàng này sẽ tạo ra trong tương lai. Về vấn đề này, Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM nhận định, ưu tiên hàng đầu tại Sacombank hiện nay là giải quyết nợ trước. Do đó, nếu Him Lam bỏ tiền ra để sở hữu cổ phần tại Sacombank thì số tiền ấy không mất đi mà sẽ nằm lại ở Sacombank, được sử dụng cho tái cấu trúc Sacombank và sẽ mang lại lợi nhuận cho Him Lam trong tương lai với vai trò như một khoản vốn đầu tư.

“Đó là chưa kể cơ hội còn lớn hơn nữa cho Him Lam khi Sacombank đang sở hữu những dự án bất động sản vàng tại TP.HCM”, vị này nói.

Ông chủ Him Lam sẽ làm gì để “cứu” Sacombank?

Hiện, nhiều thông tin cho rằng ông Dương Công Minh hiện đang nắm giữ gần 5% cổ phiếu của Sacombank, đồng thời ông Dương Công Minh và người có liên quan nắm giữ hơn 10% cổ phiếu Sacombank nên khả năng lớn là ông Minh sẽ ngồi vào “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Sacombank trong nhiệm kỳ mới này.

Tuy nhiên, với giới đầu tư thì mối quan tâm lớn nhất là ông Minh sẽ làm gì để “cứu” Sacombank?

Theo tính toán của Sacombank, giá trị các Tài sản đảm bảo được bên thứ 3 định giá vào tháng 6.2016 ước tính là 77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các tài sản liên quan đến bất động sản (64 nghìn tỷ đồng), còn lại chứng khoán và các tài sản khác (13 nghìn tỷ đồng). Trong số các tài sản đảm bảo là dự án BĐS, có một số dự án được đánh giá có tiềm năng khai thác lớn, chẳng hạn như dự án mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh 134ha; khu công nghiệp ở Long An giáp TP.HCM rộng hơn 1.000ha.... Việc một người đầy kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản và ngân hàng như ông Minh có thể sẽ giúp Sacombank đánh giá lại tính khả thi của dự án để tham gia tái tài trợ, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh tình trạng đảo nợ...

Ngoài ra, bản thân ông Minh cũng được đánh giá là người có “tiền tươi thóc thật” khi Him Lam (quy mô vốn 6,5 ngàn tỷ đồng, trong đó ông Mình sở hữu 99%) không chỉ là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc mà còn có hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf... tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và khá nhiều địa phương khác trên cả nước.

Được biết, theo tờ trình trước Đại hội, Sacombank đặt kế hoạch năm 2017 với tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%; trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 585 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu 1%...

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sacombanktai-sao-lai-la-ong-chu-him-lam-783187.html