Saenam Gut - Đặc sản văn hóa Hàn

Gần gũi và mới mẻ, ngạc nhiên và phấn khích là những cảm nhận của người xem những giá Saenam Gut - Lên đồng của Hàn Quốc biểu diễn tại nam định tháng 12 vừa qua.

Một giá trong Vấn ban ngày của Seanam Gut.

Saenam Gut - Hàn Quốc (Shaman Kut) là hình thức, nghi lễ tôn giáo đặc biệt của văn hóa dân gian lâu đời của người dân Hàn. Thể hiện sự tôn vinh những công trạng của các vị thần, vua, anh hùng nam, nữ và bày tỏ mong được trù phú, no đủ, con cái và có sức khỏe tốt, tươi vui về tinh thần của người dân xứ sở kim chi.

Saenam Gut ở Hàn Quốc đã được Chính phủ công nhận là di sản văn hóa quan trọng của quốc gia trong 116 di sản phi vật thể.

Chủ thể trong Seanam Gut

Những người thực hiện nghi lễ Seanam gọi là Thanh đồng hay pháp sư, là người có "căn" bị thánh thần (thần núi, thần trời, vua, quan, anh hùng dân tộc…) bắt ra "trình đồng". Họ làm việc ca ngợi công đức của các thần linh, được thần linh nhập vào thông ngôn với con người. Thông qua ca hát và nhảy múa, Thanh đồng trong bộ trang phục nhiều màu sắc cầu xin những điều mong muốn của con người. Thanh đồng Hàn nhảy múa và nói lời cầu mong, còn Thanh đồng Việt Nam nhảy múa cầu kỳ hơn và Cung văn (dàn nhạc cho Lên đồng) hát ca ngợi, cầu mong hay viết ra "sớ".

Giá, hiểu nôm rằng mỗi vị thần linh xuất hiện rồi đi gọi là một giá, hoặc đưa một linh hồn lên cõi cực lạc gọi là một giá. Mỗi lần Lên đồng gọi là một Vấn hầu (hầu thần linh).

Lễ vật người Hàn Quốc chuẩn bị gồm nhiều loại sản vật, tuy nhiên về cơ bản cũng vẫn gồm hoa quả và đặc biệt có "bánh gạo" Hàn Quốc. Âm nhạc (Cung văn) gồm có trống và chiêng.

Nhiều nét tương đồng

Theo như ông Lee Seong Jae, Chủ tịch Hội Bảo tồn Saenam Gut Seoul, tổng số giá Lên đồng ở Hàn Quốc tồn tại trong dân gian có nhiều. Nhưng thông thường người ta hầu 24 giá, 12 giá, hoặc 6 giá. Mỗi một lần Lên đồng Hàn Quốc kéo dài 16 tiếng đến 2 ngày: Gồm phần mở hầu và 2 Vấn: Vấn hầu ban ngày và Vấn hầu ban đêm.

Phần mở hầu: là phần Thanh đồng mời gọi thần linh nhập. Họ làm lễ nghi mang ý nghĩa làm sạch vùng đất xung quanh, mời gọi thần linh từ trên trời xuống, thần linh từ đất lên và những linh hồn xung quanh vùng đất nơi đang cầu nguyện. Phần này là phần mở màn của hầu hết các Vấn hầu.

Các vấn hầu ban ngày và vấn hầu ban đêm thường có sự tương tác nhau. Ví dụ như giá hầu vấn ban ngày hầu Thần Mặt trời thì vấn hầu ban đêm là hầu Mẫu; Vấn hầu ban ngày là hầu Tướng quân thì vấn hầu ban đêm là hầu Vua; Vấn hầu ban ngày đưa dẫn linh hồn lên thiên đường. Vấn hầu ban đêm tiếp tục dẫn linh hồn đó đi sâu vào miền cực lạc…

Thanh đồng Nguyễn Thị Vui nhận xét sau khi tham dự buổi Lên đồng của Hàn Quốc biểu diễn tại Phủ Giầy- Phủ Vân Cát, Nam Định: “Lên đồng của Hàn Quốc có nhiều nét văn hóa giống Việt Nam. Trong giá hầu "xem bói", tôi thấy Thanh đồng Hàn Quốc trong vai Tướng quân cầm cờ 5 ngũ sắc với năm màu tượng trưng màu của ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ hay những hướng như Bắc, Nam, Đông, Tây và Trung cung”.

Thanh đồng Nguyễn thị Bích Loan bộc bạch: Thấy giá hầu Mẫu của Hàn Quốc có điểm giống hầu Mẫu Việt Nam như Mẫu Hàn cũng phát lộc "Bánh gạo" như khi hầu Mẫu ở Việt Nam được phát lộc quà và tiền.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á cho biết thêm: Ông đã xem Lên đồng của nhiều nước, nhưng trong đó Lên đồng của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Lên đồng của Việt Nam, đặc biệt những giá hầu Mẫu.

Tuy nhiên, các thanh đồng Hàn Quốc khác với thanh đồng ở Việt Nam. Khi phát hiện có "căn" họ thường bắt buộc phải theo học - "truyền lại" từ những người đi trước, như học đánh trống, ngôn ngữ cầu của người Hàn Quốc được nói tự phát còn Thanh đồng Việt Nam hầu hết là được học - "trong mơ" và khi cầu thông qua diễn, xướng và hát Chầu văn.

Tới đây, Saenam Gut của Hàn Quốc và Chầu văn trong nghi lễ Đạo Mẫu của Việt Nam sẽ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể Thế giới. Hai di sản này sẽ không chỉ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước “đồng văn” mà còn làm phong phú hơn di sản văn hóa nhân loại.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2014/1/FB67F5846F670F9C/