Sài Gòn, hơn 300 năm tiến trình vận động thể chế phi chính thức

Ồn ào, náo nhiệt, tấp nập ngược xuôi, dòng người nhập cư vẫn tiếp tục hướng về Sài Gòn - TPHCM như đàn chim di cư ríu rít đi tìm “đất lành”.

Líu lo giọng nói đủ mọi miền. Không tự cao lấy mình làm chuẩn, Sài Gòn dung nạp từ giọng nói, món ăn, lối sống... và nấu chảy nó trong cái “melting pot”, tạo nên phong thái Sài Gòn để muôn sắc dân thấy thôn quê mình trong lòng Sài Gòn và mang trong lòng mình một chút Sài Gòn hóa mỗi dịp trở lại thôn quê.

Trong cùng một hệ thống pháp luật quốc gia mang đặc điểm tập quyền, nơi chính quyền địa phương có rất ít dư địa để lập quy riêng cho mình, nhưng tại sao làm ăn buôn bán, sinh sống ở Sài Gòn dễ thở hơn các địa phương khác, dòng người di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn luôn nhiều hơn ở chiều ngược lại?

Câu trả lời là: các thể chế phi chính thức ở Sài Gòn thuận lợi cho sự phát triển hơn các địa phương khác, bên cạnh các yếu tố địa lý, khí hậu.

Nhưng điều gì đã tạo cho thể chế phi chính thức của Sài Gòn có sức mạnh văn hóa như một melting pot (nơi tụ cư) - hấp thụ cái góc cạnh, đa sắc của các nền văn hóa khác biến thành bản sắc của mình?
Nếu khảo sát suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn, chúng ta sẽ thấy thể chế phi chính thức Sài Gòn, đặc biệt là thể chế thương mại ngày nay trải qua quá trình bồi đắp và cả sạt lở tựa như các lớp phù sa. Tác giả tạm chia làm ba đợt bồi đắp chính.

“Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”

Nhiều tài liệu sử học nhắc đến câu chuyện bờ cõi Đại Việt mở mang đến Sài Gòn ngày nay bắt nguồn từ lời khuyên của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với Nguyễn Hoàng. Có nhiều dị bản, nhưng nội dung chính đều nhắc lại bối cảnh: sau khi Thái sư Nguyễn Kim (bố của Nguyễn Hoàng) chết, Trịnh Kiểm đã đoạt quyền từ gia tộc họ Nguyễn và cầm đầu chính quyền Nam Triều, lấy danh nghĩa phù Lê để đánh Mạc. Sau cái chết khuất tất của anh trai Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm sẽ ra tay triệt hết con cháu Nguyễn Kim nên đã tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm xin lời khuyên. Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu qua quẻ Dịch, cụ Trạng đã chỉ tay về phương Nam rồi nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Hiểu được ẩn ý của câu sấm, Nguyễn Hoàng đã tìm cách xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ xứ Thuận Hóa và tính kế lâu dài. Kể từ cuộc đào thoát lần hai khỏi nanh vuốt họ Trịnh vào năm 1600, ý thức rõ sớm muộn gì họ Trịnh cũng sẽ tìm cách chinh phạt, nên Nguyễn Hoàng gấp rút xây dựng, củng cố lực lượng của mình ở Đàng Trong. Cách nhanh nhất để có nhân lực là thu hút dân di cư từ hậu phương của nhà Trịnh vào hai xứ Thuận, Quảng. Để biến hai xứ Thuận, Quảng nắng gió lắm sỏi đá thành nơi “đất lành chim đậu”, không có cách gì hơn là phải xây dựng thể chế dung hợp (inclusive institution). Trong suốt 55 năm trấn thủ hai xứ Thuận, Quảng, Nguyễn Hoàng đã xây dựng thể chế dung hợp so với Đàng Ngoài; trong đó, có thể kể ra chính sách ruộng đất đối với người khẩn hoang; chính sách ngoại thương như phục hưng Hội An, lập phố Nhật, phố Khách ở Hội An, trực tiếp viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (Nhật Bản), nhận thương gia Nhật Hunamoto Yabeije làm con nuôi, hạn chế thương nhân nước ngoài mua ép giá hồ tiêu của nông dân Quảng Trị...

Sau khi mở rộng lãnh thổ tới vùng Gia Định (1698) thì khuynh hướng cải cách thể chế theo hướng dung hợp của Nguyễn Hoàng được các chúa đời sau tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Nam Kỳ trực trị và sự du nhập thể chế kinh tế thị trường

Sau khi thắng nhà Tây Sơn, không còn canh cánh nỗi lo bị nhà Trịnh chinh phạt, không còn áp lực cải cách, các vua Nguyễn kể từ Tự Đức đã từ chối canh tân, quay sang chính sách “trọng nông, ức thương”, đưa xã tắc vào suy vi, tạo điều kiện cho người Pháp xâm lược. Khi thôn tính, người Pháp để nguyên thể chế phong kiến tiếp tục tồn tại ở Trung kỳ, áp dụng Bắc kỳ bảo hộ, Nam kỳ trực trị. Cùng với chính sách thuộc địa thì người Pháp mang tới Nam kỳ các thể chế kinh tế thị trường sớm hơn và nhiều hơn các vùng miền khác.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), năm 1864, người Pháp lập ra hệ thống tòa Tây án, trong đó các thẩm phán là những người được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường luật, chứ không phải là những người khoa bảng giỏi văn chương trong các kỳ thi hội, thi đình của tòa Nam án. Sau khi thôn tính xong lục tỉnh miền Tây Nam bộ (1867), người Pháp đã ban hành Bộ luật Dân sự Nam kỳ giản yếu năm 1883. Năm 1889, người Pháp cải tổ hợp nhất hai hệ thống tòa Tây án và Nam án thành một hệ thống tòa duy nhất gồm bốn cấp: tòa hòa giải, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, tòa đại hình (1).

Xét về phương diện kinh tế thị trường, người Pháp đã du nhập khá đầy đủ từ quyền tự do tư hữu, quyền tự do hợp đồng, các mô hình công ty, bảo vệ thương hiệu, quyền tác giả cũng như các tài sản sở hữu trí tuệ khác. Đi cùng quy tắc, mô hình thương mại là các thiết chế để bảo đảm thực thi như thừa phát lại(2) (thi hành án dân sự); quảng cáo thương mại được hỗ trợ bởi báo chí tư nhân(3); duy trì đạo đức kinh doanh được hỗ trợ bởi các hiệp hội tự do thành lập theo phương thức cạnh tranh... Quyền biện hộ được bảo đảm, nghề luật sư ra đời với những tên tuổi như Phan Văn Trường, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Bạch, Thái Văn Lung... Trước phiên tòa đại hình công khai, Võ Thị Sáu vẫn được hô vang “Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

Sau 1954, khi người Pháp rút đi, người Mỹ can thiệp sâu vào miền Nam, nhưng không hề làm gián đoạn sự phát triển của các thể chế kinh tế thị trường, mà ngược lại còn góp phần du nhập những thể chế mới mang màu sắc Common Law (Thông luật) bổ sung vào hệ thống thể chế kinh tế thị trường có sẵn.
Sau năm 1975, kinh tế thị trường không được thừa nhận ở Sài Gòn. Nhưng các thể chế thị trường không vì thế mà biến mất ngay lập tức, nó vẫn tồn tại trong trí não người dân, trong thói quen thương mại, trong hành xử hàng ngày dưới dạng các thể chế phi chính thức từ thói quen lập văn tự, giữ gìn thương hiệu, uy tín trong làm ăn, tôn trọng hợp đồng, ít chen lấn khi tham gia giao thông...

Sau năm 1986, khi kinh tế thị trường bắt đầu được tái thừa nhận, người Sài Gòn như được đánh thức sau một giấc ngủ trưa dài 11 năm, các ký ức, lề thói về kinh tế thị trường được tái hiện gần như nguyên vẹn.
Bởi vậy, khi thể chế chính thức còn khiếm khuyết, thì cư dân Sài Gòn sẽ được bù đắp, nâng đỡ bởi các thể chế phi chính thức mang tính chất dung hợp; tựa như chiếc tổ chim được định hình bởi những cành cây thô ráp, phủ kín bằng những chiếc lá khô và lót bằng những sợi lông vũ mềm mại của con chim mẹ; sự phối kết hợp giữa thể chế chính thức và thể chế phi chính thức tại Sài Gòn tạo nên một tập hợp thể chế thuận lợi hơn cho kinh tế thị trường nói riêng, và cho đời sống hàng ngày nói chung so với các địa phương khác.

Thể chế phi chính thức được bồi đắp trong suốt 300 năm là một nhân tố chính giải thích tại sao Sài Gòn được người nhập cư coi là “đất lành chim đậu”.

(1) Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp tại Nam kỳ ngày 17-6-1889.

(2) Được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự Nam Việt 1910.

(3) Luật Báo chí 1881.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/156287/sai-gon-hon-300-nam-tien-trinh-van-dong-the-che-phi-chinh-thuc.html/