Sai phạm chồng sai phạm!

Ban hành quyết định sai sự thật

Theo phản ánh của người dân tại DA Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất, vẫn còn nhiều điểm sai phạm nghiêm trọng mà chưa được Thanh tra tỉnh Đồng Nai đưa vào nội dung kết luận tại Văn bản số 5117/KL-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh ký ngày 30-5-2017.

Trong đó, vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là trong khi DA Khu nhà ở tập thể Sở Công thương cho đến thời điểm này chưa được thực hiện và đã bị để kéo dài trong tình trạng “treo” từ hàng chục năm nhưng đến ngày 13-2-2013, tại Quyết định số 561/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai do bà Phan Thị Mỹ Thanh ký “Phê duyệt hồ sơ cập nhật, chồng ghép quy hoạch xây dựng lên bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2.000 phường Tân Biên, TP Biên Hòa” vẫn khẳng định: “Khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất là… DA dân cư đã hoàn thiện. Do đó, xử lý chuyển chức năng quy hoạch từ đất ở sang đất ở hiện hữu”.

Như vậy, có thể thấy rằng, cũng giống như việc không bàn giao tiền và hồ sơ DA cho người kế nhiệm, đồng thời lấy tiền của dân đã nộp để thực hiện DA đem gửi với tư cách cá nhân để lấy lãi chia nhau (báo Thời Nay đã nêu rõ ở các số báo trước) thì ở đây đã có dấu hiệu của việc cố tình xóa bỏ những vết tích sai phạm trước đó tại Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương)!

Hơn thế, cũng theo phản ánh của người dân, việc tự điều chỉnh bản đồ quy hoạch của DA trong khi không được UBND tỉnh phê duyệt nên dẫn đến 16 hộ dân bị thiếu đất. Tại Kết luận Thanh tra số 5117/KL-UBND có nêu “đã hoàn trả lại số tiền năm hộ dân không nhận đất” nhưng trên thực tế không đúng như vậy. Hiện năm hộ dân đã nhận đất và mua bán, sang nhượng bình thường; Theo Bản đồ năm 1998, đường vào khu dân cư là đường duy nhất để đấu nối khu dân cư với đường Điểu Xiển và cũng là lối đi ra duy nhất của khu dân cư với bên ngoài nhưng trong quá trình triển khai DA Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất, Sở Công nghiệp lại không dành đất để làm con đường này.

Theo những chứng cứ mà người dân thu thập được thì trước lúc lập DA, nhà máy dệt đã xét duyệt cho sáu hộ cán bộ, công nhân của nhà máy được mượn đất của khu tập thể để làm nhà ở, trong biên bản cho mượn đất có ghi rõ từ sát tường rào còn khoảng 30 m ngang, toàn bộ diện tích chỉ có khả năng phân được sáu lô (mỗi lô là 5 m), biên bản có ghi phải chừa lại phần đất để làm đường, nếu không đủ mỗi lô 5 m thì phải thu hẹp lại.

Căn cứ theo bản đồ quy hoạch 1998 và biên bản xét duyệt cho mượn đất ở khu tập thể ngày 2-5-1990, toàn bộ diện tích này thuộc về Nhà máy dệt Thống Nhất quản lý (nghĩa là toàn bộ diện tích đất này phải nằm trong DA Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất). Như vậy, con đường từ ngoài đường Điểu Xiển đấu nối đi vào DA phải là đất nằm trong DA Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất. Vậy lý do nào mà kết luận thanh tra lại nói là đường không nằm trong DA Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất? Ngoài ra, kể từ khi có DA này đã có hàng loạt những tranh chấp khác mà đến nay chưa được giải quyết.

Ngoài những vấn đề liên quan đến thực hiện DA người dân đã tỏ ra rất bức xúc trước việc sử dụng sai mục đích và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền của người dân đã nộp. Đến nay, trải qua hơn 20 năm hàng trăm hộ dân phải sống cảnh cùng cực, khổ sở, nhiều hộ dân phải đi vay tiền với lãi suất cao để nộp cho Sở Công nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Bưởi, sinh năm 1962, tại số 145/17 tổ 13 trong Khu nhà ở tập thể Sở Công thương, số tiền 11 triệu đồng đã thu của người dân nơi đây vào thời điểm đó là quá lớn, bởi hầu hết ở đây đều là những người làm công nhân nghèo với lương chỉ từ 300 nghìn đến 450 nghìn đồng/tháng. Như vậy, người dân ở đây phải mất từ 27 đến 28 tháng lương mới đủ để nộp tiền cho Sở Công nghiệp.

“Qua mặt” HĐND tỉnh Đồng Nai!

Một vấn đề khác, liên quan đến việc đầu tư tuyến đường chuyên dùng theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) tại xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc xác định: bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng DA BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh trong việc thực hiện DA BOT đường chuyên dùng do Hợp tác xã An Phát thực hiện.

Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 5581185663 ngày 16-9-2015 (chứng nhận lần đầu) được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chứng nhận bên A (Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) là Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và bên B (nhà đầu tư) là Hợp tác xã An Phát do ông Đỗ Tịnh (người đại diện nhà đầu tư, và cũng chính là chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh), Chủ tịch Hội đồng quản trị, thực hiện với tên DA đường chuyên dùng vận chuyển VLXD xã Phước Tân và xã Tam Phước theo hình thức BOT (sau được đổi tên thành Công ty CP đầu tư BOT An Thuận Phát - Liên doanh giữa Công ty CP đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Hợp tác xã An Phát). Mục tiêu của DA đầu tư xây dựng mới tuyến đường chuyên dùng phục vụ cho việc vận chuyển VLXD của các mỏ khai thác VLXD tại xã Phước Tân và xã Tam Phước, với điểm đầu giao quốc lộ 51 (QL 51) tại Km 8 + 000 và điểm cuối là ranh giới mỏ của Công ty CP đầu tư xây dựng và VLXD Đồng Nai. Chiều dài toàn tuyến là 7.419 m, tổng mức vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng.

Trước đó, về việc thông qua vị trí đặt trạm thu phí và mức thu phí DA đầu tư đường chuyên dùng này, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết số 142/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014. Theo Nghị quyết này thời gian thu phí là 12 năm bốn tháng 28 ngày, đối tượng thu phí là những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông, lưu thông trên tuyến đường chuyên dùng vận chuyển VLXD tại xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Phương thức thu phí theo lượt, mỗi lượt xe từ QL 51 đi vào các mỏ hoặc mỗi lượt xe từ các mỏ đi ra QL 51 đều thực hiện thu phí.

Mức phí cho DA tăng dần dựa trên mức tối thiểu khung từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 bằng một lần; từ năm thứ 4 đến năm thứ 8 bằng 1,5 lần, từ năm thứ 9 trở đi bằng hai lần. Cụ thể, mức phí thấp nhất dành cho loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới hai tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng khung thấp nhất là 15.000 đồng/lượt; từ năm thứ 4 sẽ là 22.500 đồng/lượt và từ năm thứ 9 trở đi là 30.000 đồng/lượt. Mức phí cao nhất dành cho loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit với giá thấp nhất là 80.000 đồng/lượt; từ năm thứ 4 là 120.000 đồng/lượt và 160.000 đồng/lượt từ năm thứ 9 trở đi.

Trong khi đó, theo văn bản của sáu doanh nghiệp đầu tư khai thác tại Cụm mỏ đá Tân Cang ngày 10-11-2015 gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đã xác định lượt xe ra vào cụm mỏ để vận chuyển đất đá dự kiến có khoảng… 5.300 lượt xe/ngày. Đây là các loại xe hầu hết đều có trọng tải lớn với mức phí cao nhất và chỉ cần lấy mức phí trung bình của quãng thời gian thu phí (12 năm, bốn tháng và 28 ngày) với giá 120.000 đồng/lượt thì riêng số lượt xe của các doanh nghiệp này đã cho chủ đầu tư BOT đường chuyên dùng có thể thu về hơn 763 triệu đồng/ngày, trung bình một tháng có thể thu về khoảng 22,8 tỷ đồng và một năm có thể thu về khoảng 274 tỷ đồng.

Trong trường hợp việc khai thác VLXD của các chủ đầu tư tại Cụm mỏ này phát triển ổn định thì sau thời gian thu phí chủ đầu tư có thể thu về hơn 3.300 tỷ đồng. Đó còn chưa kể thu các loại hình phương tiện giao thông khác khi đi qua đây. Với bài toán này đặt ra, thấy được rằng trừ đi tổng số tiền đã đầu tư thì chủ đầu tư có thể lời tới hơn 3.000 tỷ đồng?

Vấn đề ở chỗ: HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết này vì Hợp tác xã An Phát là “sân sau” của bà Phan Thị Mỹ Thanh hay HĐND tỉnh Đồng Nai đã bị bà Phan Thị Mỹ Thanh “qua mặt”?

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/34068102-sai-pham-chong-sai-pham.html