SAM và TH1 tính 'vác cuốc' đi trồng tiêu

Quyết định đầu tư vào hồ tiêu mới đây của SAM đã thể hiện rõ sự táo bạo của ban lãnh đạo mới của doanh nghiệp này. Bởi lẽ, cho tới thời điểm hiện nay, vẫn ít thấy doanh nghiệp lớn nào mạo hiểm đầu tư quy mô để trồng hồ tiêu.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (HOSE: SAM) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc tham gia đầu tư dự án hồ tiêu cùng với Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Tổng hợp I Việt Nam (HNX: TH1)

SAM sẽ góp vốn thành lập Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Sài Gòn nhằm triển khai dự án này. Theo đó, Công ty này sẽ đặt trụ sở tại tỉnh Đắc Nông với ngành nghề chính là trồng hồ tiêu, vốn điều lệ dự kiến 100 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Tổng hợp I Việt Nam góp 51 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 51%. Sacom góp 48 tỷ đồng, tỷ lệ 48% và ông Nguyễn Xuân Nam góp 1 tỷ đồng, tỷ lệ 1%.

Người đại diện vốn tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Sài Gòn là Ông Trần Anh Vương - Tổng giám đốc SAM đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT TH1.

Đối tác của SAM trong dự án này là, TH1 doanh nghiệp đang hoat động kinh doanh không mấy tích cực. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015 lỗ ròng hơn 134 tỷ đồng và bị sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo.

Nói về hồ tiêu, trong vòng 5 năm qua, giá hạt tiêu xuất khẩu đã tăng hơn hai lần, hạt tiêu là nông sản luôn được xem như “vàng đen”. Tuy nhiên, cùng với sự đi lên về giá, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo diện tích trồng hồ tiêu đang tăng mạnh lên sẽ tác động đến nguồn cung và giá hồ tiêu trong tương lai.

Diễn biến giá tiêu xô từ đầu năm đang trong tình trạng không tích cực. Dù chưa đến mùa thu hoạch nhưng giá hiện đang ở mức 150.000 đồng/kg, nhiều lo ngại giá tiêu sẽ khó tăng trở lại thời kỳ hoàng kim hồi năm 2014 khoảng 200.000 đồng/kg

Theo thống kê của VPA, diện tích trồng hồ tiêu năm 2015 của cả nước đạt hơn 86.000 ha. Trong đó, chỉ tính riêng 7 tỉnh trồng hồ tiêu lớn nhất nước, diện tích tiêu cho thu hoạch đã tăng gần 10.000 ha so với năm 2014. Còn đến hết quý 1-2016, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 100.000 ha, vượt gấp đôi con số quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không những vậy, thực tế cho thấy diện tích hồ tiêu đang còn tiếp tục tăng từ 10% đến 20% trong thời gian tới.

Mô hình trồng tiêu bằng trụ đúc đang phát triển mạnh

Ngoài ra, một rủi ro đặc thù đối với cây hồ tiêu đó là dịch bệnh. Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh là một trong những vấn đề sống còn đối với người trồng tiêu. Bởi lẽ nếu không chăm sóc tốt và kỹ càng, có thể dẫn đến hiện tượng tiêu chết hàng loạt.

Đầu tư vào nông nghiệp là một xu hướng đang thịnh thời điểm hiện tại. Tuy vậy, đầu tư vào nông nghiệp phải có chiến lược dài hạn để tăng trưởng bền vững, nguồn vốn cho nông nghiệp cũng phải là nguồn vốn dài hạn.

Và trong khi các doanh nghiệp hiện nay đang đi vào chuổi giá trị nông nghiệp thông qua việc liên kết và tạo chuổi giá trị từ vùng nguyên liệu cho đến chế biến, tiếp thị phân phối thì SAM lại đang đi vào công việc của một nông dân thuần túy.

Sau khi thoái bớt vốn khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi và thu về hàng trăm tỷ đồng, hiện SAM đang trên đường phát triển thành công ty đa ngành khi đầu tư vào bất động sản, du lịch và tài chính. Quyết định đầu tư vào hồ tiêu mới đây của SAM đã thể hiện rõ sự táo bạo của ban lãnh đạo mới của doanh nghiệp này. Bởi lẽ, cho tới thời điểm hiện nay, vẫn ít thấy doanh nghiệp lớn nào mạo hiểm đầu tư quy mô để trồng hồ tiêu.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/sam-va-th1-tinh-vac-cuoc-di-trong-tieu-20160913115352397p4c147.news