Sân chơi bổ ích cho thí sinh trường nghề

Đó là chia sẻ Vụ Trưởng vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ NN&PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi Nguyễn Minh Nhạn bên lề hội thi tay nghề cấp Bộ lần thứ VII-2016 diễn ra từ ngày 1/3 - 5/3, tại TP Quy Nhơn (Bình Định).

Vụ Trưởng vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ NN&PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi Nguyễn Minh Nhạn chia sẻ với PV báo chí bên lề Hội thi . Ảnh: PH

Theo ông Nhạn, cứ 2 năm Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thi 1 lần. Đây là kỳ thi thứ VII. Những lần trước, thi ở trong Bộ lấy học sinh xuất sắc nhất để đi thi tay nghề cấp quốc gia, ASEAN, rồi quốc tế theo chủ trương chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho nên thường thiên về các trường, các ngành nghề chung, có nhu cầu lớn như: điện, xây dựng, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin… còn các môn thi về nghề nông nghiệp lại không tổ chức. Chính vì vậy, bắt đầu từ kỳ thi này, mở rộng 4 nghề trong tổng số 13 nghề thuộc chuyên ngành nông nghiệp là: nghề ghép nêm cây cà phê; nghề chiết ghép cây ăn quả; nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; và nghề thiến, hoạn lợn con.

Tại Hội thi tay nghề cấp Bộ lần thứ VII, các thí sinh tham gia sẽ thi tổng cộng 13 nghề. Có 3 hội đồng thi đặt tại 3 cơ sở của Trường cao đẳng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ gồm: Hội đồng thi số 1 được tổ chức tại cơ sở 1, khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn gồm các nghề ghép nêm cây cà phê; chiết ghép cây lâm nghiệp; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; thiến, hoạn lợn con; mộc mỹ nghệ; mộc dân dụng. Hội đồng thi số 2 tổ chức tại cơ sở 2 đóng trên địa bàn thôn Bình Đức, xã Cát Tân (huyện Phù Cát) gồm các nghề đường ống nước; hàn; xây gạch; ốp lát tường và sàn. Hội đồng thi số 3 tổ chức tại cơ sở 3 đóng trên địa bàn thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) với các nghề lắp đặt điện; điện lạnh; công nghệ ô tô.

Việc mở rộng các nội dung thi, trước hết để các trường làm đúng lĩnh vực ngành nghề của Bộ; thứ hai, tạo động lực, khuyến khích động viên tinh thần, trách nhiệm, không khí học tập sôi nổi cho các thầy, các cô, các trường, các em học sinh tại các trường thuộc Bộ có đào tạo các nghề nông nghiệp. Hoạt động thiết thực này sẽ đóng góp vào việc thực hiện chủ trương của Bộ, của ngành, nhất là những yêu cầu sắp tới về tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Đây là lần đầu tiên có nghề nông nghiệp tham gia thi nên Bộ sẽ rút kinh nghiệm để các kỳ thi sau làm tốt hơn về cơ cấu nghề thi, các tiêu chí, tiêu chuẩn để chấm kết quả.

Cũng theo ông Nhạn, để tạo sự quan tâm và thể hiện yêu cầu của Bộ đối với các trường thuộc Bộ về lĩnh vực NN&PTNT, các trường phải dành sự quan tâm đầu tiên đến lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp. Cùng với các ngành nghề đào tạo khác, nghề nông nghiệp phải được các trường quan tâm đúng mức và đây cũng là một trong những việc làm để yêu cầu các trường quan tâm đến nhiệm vụ chính trị của Bộ, của ngành. Không như trước đây, chỉ quan tâm đến các nghề: điện, cơ khí, ô tô, xây dựng…

Rút kinh nghiệm những kỳ thi trước, tại hội thi lần này, những gì tồn tại, hạn chế sẽ khắc phục; những gì đạt, có kết quả thì phát huy. Những trường, những em đạt giải sẽ là nguồn khích lệ, động viên cho các trường và các em học sinh.

Có thể nói, hiện nay, nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội về lao động có tay nghề đang rất cao. Rất nhiều trường dạy nghề thuộc Bộ, học sinh tốt nghiệp nghề ra đến đâu có việc làm hết đến đấy. Nhiều trường, học sinh mới vào học đã có các doanh nghiệp, tổ chức đến “đặt hàng” trước, học sinh ra trường là có việc làm. Có nhiều học sinh đang trong quá trình học tập ở trường đã được đi thực tập ở các doanh nghiệp, một là giúp các em rèn luyện thêm các tay nghề; thứ hai là doanh nghiệp cũng có được nguồn lao động trong tương lai; thứ ba ngay khi đi học bản thân các em cũng có nguồn thu nhập bằng chính tay nghề của mình.

Phương Hiếu

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/san-choi-bo-ich-cho-thi-sinh-truong-nghe_t114c8n100529