Sân cỏ Việt bùng phát bạo lực: Vì trọng tài sợ đủ thứ?!

Đá các giải trong nước như V.League, hạng Nhất, nhiều cầu thủ thường đá rất bậy, ác ý để dằn mặt để đối phương “hãi” không đá được nữa. Cũng những cầu thủ đó khi thi đấu quốc tế lại không dám “giở võ”. Họ sợ sự trừng phạt của trọng tài. Điều đó đồng nghĩa, trọng tài Việt Nam khi bắt trong nước không dám mạnh tay vì sợ quá nhiều thứ.

10 ngày vừa qua, sân cỏ V.League lại làm dư luận “náo động” bởi những pha vào bóng mạnh bạo, ác ý khiến 2hai cầu thủ Bruno (Than Quảng Ninh), Anh Hùng (An Giang) bị gãy chân và Danny David (ĐT.LA) vào viện cấp cứu. Để làm rõ với góc nhìn của người làm chuyên môn, Một Thế Giới đã có trao đổi với hai cựu trọng tài có uy tín của TP.HCM là Dương Văn Hiền (3 lần đoạt giải Còi vàng, Giám sát VFF) và Hoàng Ngọc Tuấn (Phó chủ nhiệm sân Thống Nhất) để làm sao hạn chế nạn bạo lực sân cỏ.

Ông Dương Văn Hiền: “Trọng tài có uy, cầu thủ sẽ kiêng dè”

Nạn bạo lực sân cỏ do trọng tài không cương quyết, tôi công nhận là đúng nhưng quyền hạn của trọng tài chỉ phạt cầu thủ hay HLV thẻ đỏ là hết mức nên trọng tài có muốn “hơn nữa” cũng không được. Ví dụ như TT Hoàng Anh Tuấn đã rút thẻ đỏ trực tiếp cho Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) khi cầu thủ này đạp Danny David đó thôi.

Ngăn chặn nạn bạo lực sân cỏ có nhiều yếu tố tạo thành và trọng tài, dù rất quan trọng cũng chỉ là một mắc xích mà thôi.

Trọng tài FIFA Dương Văn Hiền rút thẻ vàng cảnh cáo hậu vệ Bùi Trọng Nghĩa của Xi măng Hải Phòng tại "chảo lửa" Lạch Tray (Ảnh: Đức Anh - Vietnamnet).

Trước hết, tôi nhấn mạnh đến “cái uy” của trọng tài. Rất dễ thấy, trọng tài A khi bắt lỗi thì cầu thủ nghiêm túc chấp hành nhưng cũng tình huống tương tự với trọng tài B lại bị phản ứng. Chính là cái uy của trọng tài toát ra khiến cầu thủ phải kiêng dè. Cái uy trọng tài không phải tự dưng mà có mà phải được rèn luyện, xây dựng qua thời gian.

Cái uy gồm nhiều thứ nhỏ tạo thành, từ tác phong bên ngoài như ăn bận đến hành vi, cử chỉ và lời nói phải chuẩn mực, đàng hoàng, cương quyết. Nhiều anh em trọng tài xuề xòa chuyện ăn mặc, cho là không quan trọng, tôi luôn nhắc nhở phải chú ý.

Trọng tài giỏi là trọng tài rành luật, biết rút tỉa kinh nghiệm từ bản thân, học hỏi sách báo và qua các tình huống trên tivi. Trọng tài phải “cứng” chuyên môn thì mới dám mạnh tay với các hành vi phạm lỗi thô bạo, ác ý.

Về đạo đức, trọng tài phải trong sáng khi điều hành trận đấu. Trọng tài đã không trong sáng tiếng còi sẽ lệch lạc. Cầu thủ, HLV sẽ nhận ra ngay và họ không tôn trọng thậm chí coi thường tư cách trọng tài. Trọng tài là nghề khó khăn, nhiều áp lực nên trọng tài phải giữ bản lĩnh, độ lạnh lùng để không bị tác động, nao núng thì mới bắt chuẩn xác.

Tôi từng có “sự cố” nhớ đời ở sân Thanh Hóa mùa 2007 khi thủ môn Mạnh Hà gãy chân vì lao ra cản phá trái phép Công Vinh của SLNA nhưng tôi vẫn thổi phạt đền. Khán giả hôm đó hỗn loạn, quây tổ trọng tài khiến chúng tôi phải ngồi giữa sân gần 1 tiếng đồng hồ giữa vòng vây cảnh sát mới ra về được. Sau đó, ai cũng nghĩ tôi bị kỷ luật nặng nhưng BTC mổ băng công bố thì tôi bắt đúng. Áp lực ghê ghớm đó không phải trọng tài nào cũng chịu nổi, vượt qua được.

Công tác tổ chức, tôi cho rằng VFF hay BTC giải cần có biện pháp cứng rắn hơn với các án phạt nguội nặng với các hành vi phi thể thao thì mới có tính răn đe. Trọng tài sai xử trọng tài, cầu thủ sai phạt cầu thủ, cứ công tâm mà làm. Trọng tài không cần bao che khi họ mắc sai sót, mà muốn bao che cũng khó.

Về sâu xa thì tôi vẫn cho rằng sự giáo dục mới là nền tảng để ngăn chận lối đá bạo lực. HLV phải ý thức dạy cầu thủ tôn trọng luật chơi. Cả khán giả nữa, ai cũng muốn trọng tài bắt tốt nhưng cữ hễ trọng tài bắt lỗi đội nhà, chưa biết đúng-sai đã hùa nhau réo chửi, gây áp lực thì làm sao trọng tài hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn: “Trọng tài mà sợ là… thua”

Nạn bạo lực sân cỏ ở V.League không mới, cầu thủ cậy sân nhà đá láo càng không mới. Năm nào báo chí cũng nói rồi lại như cũ. Trong sự nghiệp cầm còi 4 mùa ở V.League, tôi có kỷ niệm không thể nào quên khi cho trung vệ Huy Hoàng thẻ đỏ trực tiếp ngay tại sân Vinh trận gặp ĐT.LA ở mùa 2007.

Cầu thủ SLNA đá rắn có tiếng, trên sân nhà thường dùng đòn phủ đầu khiến đối phương không dám đá rồi tự thua. Khán giả và BHL bên ngoài luôn gây áp lực với trọng tài để họ không dám thổi phạt. Lần đó, hiệp 1, tôi đã cho Huy Hoàng một thẻ vàng vì phạm lỗi nhưng Hoàng không sợ còn thách thức lại.

Sang hiệp 2, trong tình huống ĐT.LA tấn công, Huy Hoàng đã phi người găm thẳng hai chân vào đầu gối của Xuân Trúc khi cầu thủ này vung chân sút xa. Xuân Trúc thu chân né vẫn không kịp, dính đòn bật tung người phải cáng ra sân, không đá được nữa. Tôi rút thẻ đỏ trực tiếp cho Huy Hoàng luôn. Cuối trận tôi còn từ chối quả 11m cho SLNA vì Công Vinh sút bóng bật tay Hoàng Thương trong vòng cấm nhưng ở cự ly quá gần và tay của hậu vệ ĐT.LA khép sát người.

Hết trận, ĐT.LA thắng 4-2. Vậy là hết cầu thủ, BHL quây lấy tổ trọng tài phản ứng, chỉ trích đủ kiểu, còn bên ngoài khán giả đứng ở cổng đòi “hỏi tội” tổ trọng tài nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bình yên ra về...

TT Hoàng Ngọc Tuấn ra hiệu cáng y tế khi trợ lý Châu Đức Thành bị khán giả trên sân Long An ném đá trúng đầu ở V.League 2006 (Ảnh: VTC).

Ở Việt Nam trọng tài là nghề nhiều áp lực “trên đe dưới búa” nên nói trọng tài không bị tác động là… nói dóc. Song đã làm trọng tài phải rèn bản lĩnh thật cứng, đừng thấy áp lực quá rồi hoảng bắt theo kiểu nương tay cho “an toàn”. Trọng tài càng “dĩ hòa vi quý”, cầu thủ bắt thóp ngay, sẽ phản ứng và gây áp lực liên tục với bất kỳ tình huống nào. Làm trọng tài mà sợ rất dễ để tuột, mất kiểm soát trận đấu ngay.

Các lý do khách quan tác động trọng tài nói cả ngày chưa hết chuyện, nhưng bản thân trọng tài tâm lý phải vững vàng, cứng cỏi. Hãy khoan nói về cấp cao hơn, trong trận đấu trọng tài là người bảo vệ cuộc chơi, bảo vệ cầu thủ trước lối đá ác ý, triệt hạ. Nếu trọng tài không trừng phạt các hành vi phi thể thao thì ai sẽ làm điều đó đây ?

“Bóng đá nào, trọng tài nấy”

Nhạc sỹ Dương Thụ, một người rất hâm mộ bóng đá từng có nhận định sắc sảo: “Xã hội nào, bóng đá nào nấy”. Theo tác giả “Vẫn hát lời tình yêu” trong một môi trường xã hội quá bất cập thì bóng đá là một bộ phận nhỏ phải nằm trong hệ quy chiếu ấy. Đòi hỏi bóng đá phải thoát ra và vượt qua khỏi mặt bằng xã hội là không thực tế.

Liên tưởng ở góc độ thấp hơn: “Bóng đá nào, trọng tài nấy” cũng không có gì sai. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng, giới trọng tài cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thay vì biết lắng nghe, học hỏi và trau dồi bản thân.

Đăng Khoa (ghi)

Ảnh đại diện: Pha bóng đá thẳng vào người của Đinh Văn Ta (V.NB) khiến Danny David phải nhập viện cấp cứu (Ảnh: Ngô Nguyễn - Thanh Niên).

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/thethao/san-co-viet-bung-phat-bao-luc-vi-trong-tai-so-du-thu-49314.html