Sân khấu thiếu nhi có những 'bộ quần áo mới'...

Đến hẹn lại lên, cứ chuẩn bị vào hè và nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, các nhà hát bắt đầu rục rịch các chương trình, vở diễn dành cho thiếu nhi. Năm nay không khí sân khấu dành cho thiếu nhi trở nên sôi nổi và có những chuyển động tích cực hơn là bởi có 'Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024' được tổ chức tại TP Hải Phòng từ ngày 13 đến 20/5.

1. Ngay từ đầu tháng 5, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi động mùa kịch thiếu nhi bằng việc ra mắt chương trình nghệ thuật "Bộ quần áo mới của hoàng đế" - tác phẩm do đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige dàn dựng, tác giả Minh Nguyệt chuyển thể phỏng theo nguyên tác của tác giả lừng danh Andersen.

Một cảnh trong vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện.

Một cảnh trong vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện.

"Bộ quần áo mới của hoàng đế" là truyện cổ tích kinh điển của nhà văn Andersen kể về việc hai người thợ dệt hứa với hoàng đế rằng, họ sẽ dệt cho ông một bộ y phục mà khi ông mặc vào thì những kẻ ngu ngốc, bất tài hoặc bất xứng với địa vị của họ sẽ không thể nhìn thấy. Khi hoàng đế “mặc” bộ y phục mới này diễu hành trước thần dân, không ai dám nói rằng họ không nhìn thấy bộ quần áo nào. Chỉ khi một đứa trẻ kêu lên: “Hoàng đế không mặc quần áo” thì mọi chuyện mới vỡ lẽ... Truyện "Bộ quần áo mới của hoàng đế" của nhà văn Andersen được thiếu nhi trên toàn thế giới yêu thích, được dịch sang hơn 100 ngôn ngữ và được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như phim truyện, phim hoạt hình, kịch, nhạc kịch, ballet, ca khúc...

Ở phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam lần này, tác giả Minh Nguyệt đã viết kịch bản phỏng tác câu chuyện, với nhiều thay đổi mới mẻ và phù hợp với khán giả nhí hiện nay. "Bộ quần áo mới của hoàng đế" có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Kiều Minh Hiếu, Hồ Liên, Hồng Quang, Hoàng Nhật, Thu Hồng, Xuân Nam, Ngân Hoa... Thông qua ngôn ngữ dí dỏm, hài hước, vở kịch mang đến các em nhỏ bài học về lòng trung thực, dũng cảm nói lên sự thật. Đặc biệt, đạo diễn Hiroyuki Muneshige tạo dấu ấn mới khi thể hiện tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ mang tính giải trí cao, như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng...

Chia sẻ với báo chí sau đêm diễn đầu tiên, NSND Nguyễn Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Truyện "Bộ quần áo mới của hoàng đế" của nhà văn Andersen đã quen thuộc với độc giả Việt Nam. Nhà hát Kịch Việt Nam mời đạo diễn Hiroyuki Muneshige dàn dựng và ông đã mang tới một cách kể chuyện đầy mới lạ, kích thích sự sáng tạo cho các diễn viên tham gia trong vở kịch. Với "Bộ quần áo mới của hoàng đế", chúng tôi mong muốn trở thành đơn vị đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả thiếu nhi trong mùa hè này...”.

Ngoài ra, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ cho ra mắt vở kịch “Rồng thần trở lại” do NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long - hai nghệ sĩ tên tuổi, có thâm niên gắn bó với thiếu nhi - dàn dựng. Đây là phiên bản sân khấu đặc sắc được chuyển thể phóng tác từ bộ truyện nổi tiếng dành cho thiếu nhi có tên “Bảy viên ngọc rồng”. Phiên bản sân khấu tiếng Việt này cũng được thể hiện dưới góc nhìn mới mẻ, hài hước, dí dỏm của các nghệ sĩ.

2. Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam - đơn vị đi đầu trong việc dàn dựng các vở kịch, chương trình dành cho thiếu nhi - đã sớm có kế hoạch chuẩn bị cho sự ra mắt của các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Ngay từ đầu tháng 5, lịch biểu diễn của nhà hát đã tràn ngập không khí thiếu nhi với “thực đơn” nghệ thuật hết sức phong phú, như: nhạc kịch thiếu nhi “Bữa tiệc của Elsa”, “Đứa con yêu tinh”, kịch “Vị vua không ngai”... Việc “mở bán” vé sớm và liên tục đã tạo điều kiện để cho các gia đình, nhà trường có kế hoạch tổ chức đưa con em mình đi vui chơi giải trí khi năm học còn chưa kết thúc.

Liên quan đến công tác tìm kiếm kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi, vừa qua Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam - đơn vị phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em - vừa thông báo kết thúc thời gian nhận tác phẩm. Theo ban tổ chức: “Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em mang tên "Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới" nhằm tìm kiếm những kịch bản sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao, ngôn ngữ mới mẻ, giàu tính giáo dục, nhân văn để chuyển thể thành các tác phẩm nhạc kịch dành cho thiếu nhi tại Việt Nam. Kể từ ngày phát động 1/12/2023 đến hết ngày 30/3/2024, ban tổ chức đã nhận được kịch bản từ nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đắk Lắk... với nhiều ý tưởng về sân khấu thiếu nhi thật đa dạng và phong phú...”.

Có thể thấy, cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em mang tên "Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới" được phát động với kỳ vọng huy động lực lượng sáng tác chuyên và không chuyên tại Việt Nam cùng tham gia sáng tác về đề tài thiếu nhi, góp phần khắc phục một phần hiện trạng thiếu vắng kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay. Từ nguồn kịch bản ấy, ban tổ chức (chủ đạo là Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru - Hàn Quốc) có thể lựa chọn ra những kịch bản có chất lượng, làm tiền đề hướng đến dàn dựng những vở kịch, nhạc kịch đặc sắc dành cho trẻ em Việt Nam nói riêng và công chúng nói chung. Dự kiến, lễ trao giải được tổ chức vào mùa thu 2024.

3. Một tín hiệu tích cực nữa của sân khấu thiếu nhi trong mùa hè năm 2024, lần đầu tiên một liên hoan sân khấu chuyên biệt về đề tài dành cho thiếu nhi được tổ chức. Đó là “Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024” diễn ra từ ngày 13 đến 20/5 tại TP Hải Phòng do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng cùng một số đơn vị liên quan tổ chức.

Một cảnh trong vở “Bữa tiệc của Elsa” do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.

Một cảnh trong vở “Bữa tiệc của Elsa” do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.

Theo thông tin từ ban tổ chức, liên hoan quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật tham gia cùng với 17 tác phẩm ở nhiều loại hình sân khấu. Đó là các đơn vị nghệ thuật như: Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa), Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Đoàn Nghệ thuật Sen Việt, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Ảo thuật TP Hồ Chí Minh.

Theo quy chế cuộc thi, đề tài và loại hình sân khấu của liên hoan sân khấu này khá rộng mở và dành cho tất cả các loại hình sân khấu như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc, ảo thuật. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục thiếu niên nhi đồng; lên án mạnh mẽ những hành vi không chuẩn mực của người lớn với trẻ em, đặc biệt là vấn đề bạo hành, xâm hại tinh thần, thể xác; lên án cái xấu, cái ác, có tác động tích cực đến tâm lý, tình cảm và nhận thức của người xem.

Đồng thời, ban tổ chức sẽ tặng Huy chương Vàng, Bạc, các giải thưởng cá nhân kèm theo tiền thưởng cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt các tiêu chí trong quy chế chấm giải và khen thưởng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng cho các thành phần sáng tạo như: tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa... theo kết quả bình chọn của hội đồng giám khảo. Cuộc thi được tổ chức ở quy mô quốc gia, nên đây sẽ là những giải thưởng có tính ghi nhận và khích lệ đặc biệt đối với các nghệ sĩ sân khấu đam mê, yêu thích mảng đề tài này.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng liên hoan này sẽ góp phần không nhỏ vào việc khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ đối tượng thiếu niên, nhi đồng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, liên hoan còn là hoạt động đề cao vai trò, trách nhiệm của nghệ thuật sân khấu, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu đối với thế hệ trẻ...”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/san-khau-thieu-nhi-co-nhung-bo-quan-ao-moi--i731428/