Sân khấu TPHCM mùa Tết: Ít vở, nhưng chất

Nếu như mọi năm, sân khấu tết dọn đủ các món kịch ma, hài, tâm lý… cho người xem dễ lựa chọn, với trên dưới 30-40 kịch mục mới, thì năm nay xu hướng rõ nét là các ông bà bầu đầu tư ít vở hơn, nhưng tăng phần chất lượng. Chỉ có khoảng 20 vở kịch mới được tung ra mùa tết. Bên cạnh đó, sân khấu cải lương cũng rộn rịp dựng vở đón xuân.

Kịch chọn lọc, cải lương khởi sắc

Dù gặp không ít khó khăn do thiếu diễn viên trên sàn tập (nghệ sĩ tranh thủ chạy show mùa tết), song sân khấu Idecaf vẫn tung ra 4 vở: Sắc màu (tác giả: Đăng Nhân, đạo diễn: Hùng Lâm), Đời bỗng dưng yêu (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh), Chúng ta là gia đình (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Hùng Lâm) và Yêu đi thôi (tác giả: Hương Giang, đạo diễn: Tuấn Khôi). Sân khấu Hoàng Thái Thanh có vở kịch đặc sắc Mơ trăng bóng nước (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: NSƯT Thành Hội).

Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân tạo dấu ấn lạ với vở Ám ảnh kinh hoàng (đạo diễn: Xuân Trang) chuyển thể từ tác phẩm Đoạt tình của tác giả Ngọc Trúc.

Dù mới thành lập được 1 năm, song sân khấu Hồng Hạc đã để lại ấn tượng với những vở chất lượng cao như: Ngộ nhận (đạo diễn Tây Phong), I am đàn bà (tác giả, đạo diễn NSƯT Hạnh Thúy - ảnh).

Dàn diễn viên mới mẻ của sân khấu Thế giới trẻ phát huy thương hiệu bằng những vở kịch đầy sức sống, sự trẻ trung, vui nhộn tưng bừng: Hồn anh xác em (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), Chúng ta thuộc về nhau (tác giả: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Quang Huy). Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi chịu khó đầu tư một loạt vở kịch hiện đại và cổ trang: Chàng và thiếp (đạo diễn Thanh Toàn), Phim trường đại chiến (tác giả và đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Hoa hậu ao làng (tác giả và đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Choáng tình(chuyển thể: Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Lọ Lem công chúa…

Sân khấu Sen Việt dựng vở hài kịch Lộc phát tài (tác giả: Lê Bình, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và Thần kê đại hiệp (tác giả, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt). Nhà hát kịch TPHCM có vở hài kịch dân gian Nàng xuân đại náo (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Lê Diễn)…

Tết này, đạo diễn - nghệ sĩ Quốc Thảo kết hợp với nghệ sĩ Minh Nhí mở một điểm diễn kịch mới với sức chứa 120 khán giả, tại 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM. Trước mắt, sân khấu này sẽ phục vụ tết những tiểu phẩm hài kịch mang tính giải trí cao, bên cạnh vở kịch dài Hồn mắt (đạo diễn: Quốc Thảo).

NSND Hồng Vân cho biết, nếu trước đây, nỗi lo của chị trong quá trình chuẩn bị kịch tết là khó tìm được kịch bản hay, thì giờ là thường trực lo lắng việc tập hợp đủ dàn diễn viên tập dượt cho vở diễn mới. Sân khấu kịch đang vất vả cạnh tranh với các chương trình truyền hình thực tế và hầu hết đều gặp khó khăn trong việc xếp lịch diễn cũng như lịch tập vở mới vì nhiều diễn viên, đặc biệt là lực lượng nòng cốt, có tên tuổi, đều bận.

Sân khấu cải lương năm nay cũng sôi nổi vào cuộc. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn tết 4 vở cải lương: Hiu hiu gió bấc, Hồn ma báo oán, Hoa vương tình mộng, Đời như ý… Ngoài ra, vào mùng 10 tết, tại rạp Công Nhân, Ban Ái hữu nghệ sĩ và Công ty TNHH Giải trí Kim Tử Long tiếp tục thực hiện chương trình Ba thế hệ - Về lại cội nguồn, với sự tham gia trình diễn của NSƯT Trường Sơn, NSƯT Kim Tử Long, NS Thanh Hằng, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, NS Trinh Trinh…

Bớt nhát ma và tiếng cười nhảm

Vẫn chọn phong cách hài kịch, mang nhiều tính giải trí cho những ngày đầu xuân, nhưng kịch bản kịch tết được xây dựng chỉn chu hơn, đã bớt tiếng cười nhảm nhí, bớt những vở chỉ để xem và cười chơi. Ba sân khấu Hoàng Thái Thanh, Idecaf và Thế giới trẻ đều chọn những đề tài gần gũi, xoay quanh mối quan hệ gia đình, bạn bè… với thông điệp về tình yêu thương và sự gắn kết, phù hợp với khán giả là những nhóm bạn bè, gia đình.

Có thể nói, năm nay, kịch kinh dị giảm tần suất thấy rõ. Mấy năm trước, thể loại kịch này được các sân khấu dựng dồn dập nhằm lấy lại khách, thì năm nay, ngoài nhu cầu bão hòa, nhiều nơi cũng muốn tập trung vào các vở tâm lý, làm bật lên khả năng diễn xuất của diễn viên trẻ. Nơi năm nay nói không với kịch ma là sân khấu Thế giới trẻ. Với đội ngũ diễn viên là những tên tuổi đang ăn khách của cả phim ảnh lẫn truyền hình, đặc biệt là ở mảng hài: Thu Trang, Tiến Luật, Quang Tuấn, Puka, Diệu Nhi, Hoàng Phi, Anh Tú…, sân khấu này đủ sức giữ khán giả mà không cần nhát ma.

Sân khấu tết năm nay được chờ đợi nhiều hơn cả là vở I am đàn bà chuyển thể từ truyện của Y Ban trên sân khấu Hồng Hạc và Mơ trăng bóng nước (tác giả Hoàng Thái Thanh, chuyển thể từ truyện ngắn Tình lơ của Nguyễn Thị Ngọc Tư). Đặc biệt, Mơ trăng bóng nước không mang sắc trầm với những nỗi đau như ở nguyên tác, mà câu chuyện có cả những tiếng cười tươi vui, dí dỏm lẫn những giọt nước mắt xúc động cái tình con người dành cho nhau. Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, khi khán giả đã quá quen thuộc với những màn hù dọa ở các vở kịch ma và bội thực với những tiếng cười dễ dãi cả trên sân khấu lẫn truyền hình, thì những vở diễn có thông điệp nhân văn sẽ có nhiều khả năng thắng cuộc trong mùa kịch tết năm nay.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/san-khau-tphcm-mua-tet-it-vo-nhung-chat-632704.bld