Sân khấu truyền thống sống bằng... niềm tin

Sau 30 năm đổi mới, đến thời điểm này, sân khấu nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng vẫn tồn tại và chỉ có thể sống được bằng cơ chế bao cấp. Thu nhập thấp, sân khấu vắng khán giả đã khiến cho đời sống của nghệ sĩ, diễn viên cũng quạnh quẽ như... nhà hát tuồng. Vì vậy, để "gượng sống" mà thực hiện nhiệm vụ lớn lao là bảo tồn - phát triển nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ, cán bộ hoạt động ở các nhà hát tuồng chỉ còn biết sống nhờ vào... niềm tin.

Sân khấu của người già

Sự kiện tân hoa hậu Việt Nam 2016 vừa đăng quang đêm trước, hôm sau trên mạng xã hội và kể cả báo chí đã tràn ngập những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện "ngóc ngách" về đời tư, những bình phẩm về cuộc thi lẫn những xỉ vả, chê trách dành cho ban tổ chức, giám khảo. Hoặc, một quan chức địa phương "dính phốt" tham nhũng, để xảy ra ô nhiễm môi trường, lập tức xảy ra hội chứng "chửi tập thể". Mạng xã hội sôi động với những thông tin phê phán, chỉ trích gay gắt, thậm chí cực đoan lại hút các nhận xét, ý kiến... Thế nhưng, 10 ngày, từ (20-29.8.2016) cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 diễn ra rầm rộ tại Nhà hát Trưng Vương TP.Đà Nẵng, với sự tham gia của 700 diễn viên, nghệ sĩ của 11 đơn vị trên toàn quốc... rất ít được thông tin trên báo chí... Một dẫn chứng nhỏ như vậy để thấy đời sống của sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng là hết sức đìu hiu trong xã hội hiện nay.

Nghệ sỹ tuồng (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng) phải xuống phố, biểu diễn ngoài vỉa hè để... bảo tồn nghệ thuật truyền thống (ảnh: H.Tùng)

NSND Trần Đình Sanh - nguyên GĐ nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng - cho biết: Kể từ ngày đất nước mở cửa, hội nhập thì sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống (gồm: tuồng, chèo, dân ca, kịch nói, cải lương...) đã có dấu hiệu chết yểu. Đặc biệt, khi khoa học - công nghệ thông tin phát triển theo kiểu "bùng nổ", công cụ, phương tiện nghe nhìn của người dân đa dạng, tiện ích, sân khấu, tuồng gần như bị khai tử. Rất ít các địa phương, nhà hát tuồng duy trì được sự tồn tại, đỏ đèn định kỳ hằng tuần và nếu có thì đều nhờ vào sự bao cấp của ngân sách. Tuy vậy, sự tồn tại này không bền vững.

Đã nhiều năm nay, sân khấu tuồng chỉ đỏ đèn phục vụ cho nhiệm vụ... bảo tồn văn hóa truyền thống hoặc các hoạt động dịch vụ theo đơn đặt hàng của chính quyền, các Cty lữ hành, du lịch. Người xem, yêu thích hầu hết là tuổi trung niên, người già và du khách người nước ngoài.

NS Phạm Ngọc Tuấn - GĐ Nhà hát tuồng VN - thừa nhận, đơn vị của ông ở ngay Thủ đô, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của ngành VH, Chính phủ, song để có được sự tồn tại như ngày hôm nay là nhờ dựa vào nguồn bao cấp của nhà nước. Tương tự, các Đoàn tuồng Thanh Hóa, Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn ca kịch Quảng Nam, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.Hồ Chí Minh... hiện cũng đang tình trạng lay lắt, dựa vào "bầu vú" ngân sách để tồn tại.

"Cơm áo không đùa với khách... thơ"

Vẫn biết, "có thực mới vực được đạo", có ổn định được thu nhập để chăm lo cho gia đình thì người nghệ sĩ mới dồn hết tâm lực cho nghệ thuật, nhưng vẫn còn đó nhiều nghệ sĩ tuồng vẫn đang "đùa" với chuyện cơm áo. Tại Đà Nẵng có hàng loạt các nghệ sĩ ưu tú, NSND phải đi xe thồ, đi làm ông tổng, ông công, "khóc thuê" cho những đám tang, đi dán giấy - làm đồ mã để kiếm cơm nuôi gia đình, nhưng họ đã hy sinh để tự tạo cơ hội sống hết mình với nghệ thuật tuồng.

Về trách nhiệm của nhà hát, nhiều địa phương như Khánh Hòa, Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát tuồng VN (Hà Nội)... đã phải chạy vạy từng dự án để kiếm tiền nuôi nhau, kiếm cơ hội để "giáo dục" khán giả trẻ, để níu chân người già đến với nhà hát. Ngoài các dịch vụ múa lễ hội, dịp khai trường khánh thành, các đoàn nghệ thuật còn phải... xuống phố, biểu diễn các trích đoạn tuồng trên vỉa hè để lôi kéo công chúng. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy trong vài chục năm trở lại đây cũng chỉ giúp cho nghệ thuật sân khấu tuồng ở mức tồn tại lay lắt.

Những vở diễn kinh điển, tuồng cổ hiện rất kén khán giả. Muốn đỏ đèn nhà hát thì phải dựa vào bao cấp Ảnh: R.Đ

Theo NSND Trần Đình Sanh, có nhiều nguyên nhân khách quan về xu thế thời đại dẫn đến "thảm cảnh" của sân khấu truyền thống như hiện nay, nhưng cũng không thể phủi bỏ trách nhiệm - lý do chủ quan từ các nhà hát tuồng, từ tác giả kịch bản sân khấu đến diễn viên. Ông Sanh cho rằng, vì miếng cơm manh áo, vì nhu cầu cuộc sống khiến không ít cán bộ văn hóa, diễn viên, nghệ sỹ tuồng đã sớm buông xuôi, từ bỏ niềm đam mê, nên không có sự đầu tư, không có tác phẩm hay, không có diễn viên giỏi. Mặt khác, sự quan tâm, định hướng của nhà nước cũng chưa thật đến nơi, đến chốn.

Ông Sanh cụ thể, đối với những vở tuồng kinh điển, ngoài hồn cốt của sân khấu mang đậm tính kinh kịch, nghệ thuật biểu diễn mang tính quy phạm, thì tư tưởng định hướng rất rõ ràng. Đó là ngợi ca chế độ, tôn sùng vương quyền. Ví dụ, trong một vở tuồng cổ, có đoạn "một cậu bé lạc vào rừng, nhưng chim sa mời nước, vượn hầu trái cây... vì biết cậu bé đấy là hoàng tử, sẽ là vua trong tương lai". Hay một vở tuồng khác, có đoạn biểu đạt sự tức giận, phản khán của viên đại thần khi không đồng quan điểm với vua tôi, ông lên giọng, quắc mắt, đỏ mặt, vung tay... (dự kiến sẽ bùng nổ sự mâu thuẫn đến kịch tính), nhưng khi vuốt râu, chạm phải tai mũ (hình tượng của vương quyền, của chế độ), đại thần này chợt giật mình, hạ giọng và đổi ngay thái độ. Chỉ có ngôn ngữ tuồng mới biểu đạt hết sắc thái tình cảm của viên đại thần lúc đó, nhưng nó cho thấy tư tưởng chủ đạo là tôn sùng chế độ vương quyền. Còn bây giờ, xã hội đang chạy theo những trào lưu, những hội chứng phê phán, chỉ trích. Gần 20 vở diễn tại liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng chuyên nghiệp tại Đà Nẵng với những tác phẩm dự thi có chủ đề nội dung rõ ràng, mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh tinh thần bất khuất của ông cha, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay... nhưng dân chúng không quan tâm. Ngay báo chí cũng chẳng đề cập, để định hướng dư luận, định hướng thị hiếu...

Lo ngại mai một

Bảo tồn và phát triển, kiếm tiền để tồn tại, để tiếp tục giữ gìn, quảng bá nền nghệ thuật truyền thống của cha anh cho thế hệ trẻ, hiện đang là bi kịch với rất nhiều mâu thuẫn. NS Nguyễn Gia Thiện - Nhà hát tuồng Đào Tấn - cho biết, ngoài việc "giữ nguyên bản" những vở tuồng kinh điển, các tác giả kịch bản, các nhà hát tuồng đang phải nỗ lực đưa vào sân khấu những kịch bản gần với đời sống xã hội, gần với những vấn đề thời sự mà công chúng quan tâm. Ông Thiện chỉ rõ, ngay hội thi sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc lần này, Ban giám khảo đã chọn ra ít nhất 2 tác phẩm đương đại để trao huy chương vàng đã cho thấy sự ghi nhận những nỗ lực, cổ súy cho sự đổi mới, phát triển. Ông Thiện phân tích: 2 vở diễn đoạt huy chương vàng tại hội diễn lần này là vở "Ao Làng" (Nhà hát tuồng VN), "Thầy và trò" của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ đều là những tác phẩm đương đại, mượn bối cảnh nông thôn để nói câu chuyện thời sự về những nhóm lợi ích, mặc trái của xã hội nông thôn hiện nay; mượn chuyện thầy và trò để nói câu chuyện giáo dục trong bối cảnh đạo đức xã hội có xu hướng đi xuống. Đây là 2 tác phẩm gần gũi, dễ xem, dễ hiểu và có câu chuyện hấp dẫn ngay với khán giả trẻ tuổi. Tuy vậy, những tác phẩm kiểu này giống "đi trên dây", dễ đánh mất bản sắc nếu chỉ chạy theo thị hiếu của đông đảo khán giả trẻ tuổi, và nếu như tác giả, diễn viên không tâm huyết, có sự đầu tư chu đáo. Ban giám khảo cũng đã trao giải cho vở diễn "Nước non cửa phật" của nhà hát tuồng Đào Tấn, đây cũng là ý chí để bảo tồn tác phẩm kinh điển mang tính truyền thống. Nhưng những vở diễn kiểu này thì lại kén khán giả và khó tự sống nỗi nếu không có nguồn bao cấp.

Phát biểu chào mừng tại cuộc thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng chỉ hy vọng: "Tại Đà Nẵng nghệ thuật tuồng truyền thống được giữ gìn, phát huy, đặc biệt thời gian gần đây, nghệ thuật tuồng xuống phố thu hút đông đảo người xem, nhất là lớp trẻ, tạo cơ hội cho người dân và du khách hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhưng những nỗ lực đó cũng chỉ là một trong những giải pháp để giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuồng đang khó, cần có sự động viên từ chính quyền, người dân". Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cũng tin rằng, nghệ thuật tuồng sẽ "có đất" để tồn tại. Việc duy trì các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, định kỳ như thế này là dịp để cơ quan quản lý nhìn lại và đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật truyền thống; tìm ra những giải pháp để đầu tư xây dựng vở diễn mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân; đề xuất giải pháp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kế cận…

Thanh Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/san-khau-truyen-thong-song-bang-niem-tin-589855.bld