Sẵn sàng cho mùa vải thiều năm 2024

Mùa vải thiều năm 2024 đang cận kề, thời điểm này, ngành công thương và các địa phương đã sẵn sàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nhà vườn, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.

Sản lượng sụt giảm, giá bán tăng

Thời điểm này, về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), trái ngược với hình ảnh mùa vải sai trĩu quả bạt ngàn như mọi năm thì hiện tại là những vườn vải đậu quả thưa thớt. Ông Nguyễn Văn Thân, ở thôn Lay, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác hơn 1 mẫu vải. Nếu như mọi năm được mùa đạt hơn 10 tấn quả thì năm vườn chỉ cho thu khoảng 3 tạ vải U hồng chín sớm, còn vải thiều gần như mất trắng. Bù lại, giá vải chín sớm được giá, cao hơn khoảng 15 – 20% so với niên vụ trước, dự kiến giá vải thiều cũng sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái.”

Năm 2024, Bắc Giang duy trì hơn 29.000 ha vải, với sản lượng khoảng 100.000 tấn. Ảnh minh họa

Năm 2024, Bắc Giang duy trì hơn 29.000 ha vải, với sản lượng khoảng 100.000 tấn. Ảnh minh họa

Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, năm 2024, huyện Lục Ngạn đang duy trì sản xuất hơn 17.000 ha vải, do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến sản lượng đạt 50.000 tấn, trong đó vải chính vụ giảm gần 70% sản lượng so với năm 2023. Để bù đắp sản lượng vải sụt giảm, các nhà vườn đang tập trung chăm sóc kỹ lưỡng cho diện tích vải thiều sắp cho thu hoạch để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá thành.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho thấy, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700 ha, sản lượng ước đạt 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023); trong đó, vải chín sớm 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho hay, năm nay Bắc Giang tiếp tục xuất khẩu quả vải tươi và sản phẩm vải chế biến sâu khoảng 70.000 tấn. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, sức tiêu thụ lớn. Để đảm bảo chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, sở đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng, diện tích trên 17.000 ha, sản lượng ước đạt 34.000 tấn; trong đó thị trường Trung Quốc có 130 mã số vùng trồng, diện tích trên 16.200 ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn; sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU, Hàn Quốc ước đạt 4.000 tấn.

Tại Hải Dương niên vụ vải 2024, sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 20.000 tấn, giảm 50% so với vụ vải năm ngoái. Trong đó, có 120 ha đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường cao cấp, với sản lượng ước đạt gần 1.500 tấn. Hiện nay, vải sớm của Thanh Hà đang được bán trên thị trường với mức giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Dự kiến giá thu mua vải xuất khẩu cũng sẽ tăng cao.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Dự kiến từ nay cho tới trung tuần tháng 6/2024, vải thiều chín sớm sẽ được thu hoạch. Hiện nay, các địa phương trồng vải thiều đang tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, cùng các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều.

Mùa vải thiều năm 2024 kỳ vọng giá bán cao. Ảnh minh họa

Mùa vải thiều năm 2024 kỳ vọng giá bán cao. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang nói chung và quả vải nói riêng. Theo đó, Sở NN&PTNT Bắc Giang đã tổ chức 8 buổi làm việc với các doanh nghiệp sang khảo sát vùng nguyên liệu xuất khẩu; đồng thời chuẩn bị các điều kiện về sơ chế, đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Mỹ Canada, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…

Trước đó, đầu tháng 5/2024, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về tiêu thụ vải thiều năm 2024.

Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản tỉnh, Sở Công Thương Hải Dương đã cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, định hướng về bảo quản, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tổ chức đưa vải thiều của tỉnh quảng bá tới các thị trường trong và ngoài nước, bao gồm cả quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử. Dự kiến Lễ mở vườn vải xuất khẩu và Hội thi thu hái vải tổ chức tại xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương) sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6/2024.

Về phía Bộ Công Thương, Cục trưởng Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, Cục tiếp tục kết nối các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến Bắc Giang, Hải Dương thu mua, tiêu thụ vải thiều; hỗ trợ quảng bá, thông tin vải thiều Bắc Giang, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đến đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.

Cùng với sự chủ động vào cuộc của các địa phương, các Thương vụ Việt Nam tại các nước đã khuyến cáo DN xuất khẩu cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng ở từng thị trường.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, vải là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với diện tích năm 2024 đang duy trì 58.800 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích cây ăn quả chủ lực toàn miền. Trong đó, chủ yếu là vải thiều với sản lượng ước đạt 150.000 tấn.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-sang-cho-mua-vai-thieu-nam-2024.html