Sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho ngư dân trong vụ tàu vỏ thép bị hư hỏng

Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin về việc tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng, nằm bờ khiến nhiều ngư dân Quảng Nam lo lắng. Trong số đó có ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, trú thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu vỏ thép QNa- 94679TS thuộc Nghị định 67 trị giá 16 tỷ đồng gần 2 năm nay vẫn án binh bất động tại bờ biển Thọ Quang (TP Đà Nẵng). Việc tàu nằm bờ do hỏng máy này khiến gia đình ông Liên lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, nên ông quyết định kiện doanh nghiệp đóng tàu cho ông ra TAND TP Tam Kỳ để đòi lại quyền lợi.

Hội Nông dân tỉnh vào cuộc

Nhận được thông tin này, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho ông Liên và những ngư dân đóng tàu gặp phải sự cố. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Út- Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về trường hợp của ông Liên, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Sự việc này kéo dài gần 2 năm và để lại nhiều hệ lụy không chỉ với gia đình ông Liên mà còn là uy tín của nghị định 67 của Chính phủ”. Ông Út cũng cho biết sự việc liên quan đến sự cố của tàu cá đóng theo Nghị định 67 ở Quảng Nam và sự cố của tàu cá 67 ở Bình Định là thuộc 2 doanh nghiệp đóng tàu khác nhau nên không thể xác định được là có cùng nguyên nhân không. Hội Nông dân cùng các ban ngành khác đã tiến hành rà soát toàn diện những tàu vỏ thép đóng mới theo nghị định này tại H. Núi Thành. “Công tác rà soát này giúp phát hiện những bất cập, có thể tiến hành xử lý kịp thời những sự cố phát sinh. Cũng trong đợt rà soát này chúng tôi cũng phát hiện nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên một mình hội thì không đủ thẩm quyền nên chúng tôi sẽ ý kiến tới các ban, ngành khác vấn đề này”. Được biết hai doanh nghiệp đóng tàu cho gia đình ông Liên là Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở Hà Nội). Trong đó, công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết con tàu 16 tỷ đồng là số tiền rất lớn và được đóng bởi những công ty đóng tàu uy tín nhưng lại gặp sự cố ngay khi chưa ra khơi, như vậy rõ ràng là có vấn đề. “Hội sẵn sàng đứng ra hỗ trợ pháp lý, đồng thời sẽ kiến nghị công an vào cuộc điều tra, xem xét khuyết điểm thuộc về đâu, nguyên nhân là do chủ tàu, do cơ sở đóng tàu hay do cơ sở kiểm định, cần phải làm rõ trước khi đi đến kết luận để xử lý. Không chỉ có tàu của ông Liên, mà tất cả các tàu trên địa bàn cần phải xem xét lại, nếu phát hiện ra sự cố cần báo ngay cho các ngành chức năng”-ông Thẩm nói.

Tàu cá vỏ thép được đóng mới ở Quảng Nam.

“Giải vây” cho ngư dân

Trước thông tin nhiều tàu vỏ thép của ngư dân vừa hạ thủy đã gặp sự cố khiến những ngư dân khác đang làm hồ sơ đóng tàu theo nghị định 67 cũng hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên không chỉ “đau đầu” vì sự cố máy móc mà nhiều ngư dân cũng gặp khó khăn đợi xét duyệt hồ sơ. Đó là trường hợp ông Võ Xuân (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) đã ký hợp đồng tín dụng với Phòng giao dịch Tam Xuân - chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn H. Núi Thành với số tiền vay hơn 1,1 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện hồ sơ, ông Xuân đã điều chỉnh phương án sản xuất, trong đó kinh phí đầu tư từ 1,65 tỷ đồng lên 2,95 tỷ đồng. “Hồ sơ phức tạp và thẩm định nhiều lần nên ngư dân chúng tôi gặp nhiều rắc rối khi tiếp cận nghị định. Như hồ sơ của tôi đã sắp duyệt nhưng giờ phải làm rõ một số nội dung đầu tư như số lượng ky nhựa, kích thước hầm bảo quản, sức chở hàng hóa, quy cách, thông số máy phát điện cho phù hợp để trình UBND tỉnh phê duyệt. Tôi mong sớm giải quyết xong vấn đề hồ sơ để có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất”, ông Xuân phân trần.

Đối với vấn đề hồ sơ thủ tục vay vốn đóng tàu, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay vốn để ngư dân được nhanh chóng ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai đóng mới tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh là khẩn trương, các bên cùng tháo gỡ vướng mắc, tránh gây thiệt hại cho ngư dân. Theo đó, đối với các trường hợp phát sinh vốn vay khi phải sửa lại các chi tiết không phù hợp do thiết kế thì các ngân hàng nên bố trí, ứng vốn kịp thời, không thể vì ngoài dự toán đã phê duyệt mà để ngư dân phải chờ đợi lâu, gây thiệt hại kinh tế.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_168570_sa-n-sa-ng-ho-tro-pha-p-ly-cho-ngu-dan-trong-vu-ta.aspx