Sàn thương mại điện tử: Lỗ hổng lớn!

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc siết chặt kinh doanh thương mại điện tử đã có hiệu lực từ 1-7 -2013, tuy nhiên, trên thực tế hoạt động thương mại điện tử vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Người tiêu dùng vẫn đang là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng thông qua giao dịch thương mại điện tử…

Nhởn nhơ hàng kém chất lượng

Ngày 24-10, Đội Quản lý thị trường số 15 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra kho hàng của Công ty Cổ phần Cùng mua tại trụ sở chi nhánh công ty này ở Hà Nội (tầng 4, lô 07, 3A, Khu CN Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Tại đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng loạt sản phẩm: Quần định hình, hộp cơm, máy hâm sữa, đai mát-xa, kệ treo đồ nhà bếp, đồng hồ báo thức để bàn, bàn xoay laptop và nhiều loại đồ chơi trẻ em… không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và các chứng từ liên quan khác đến sản phẩm. Không những thế, trên bao bì các sản phẩm này đều có ghi chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không có thông tin đơn vị nhập khẩu, phân phối. Các yêu cầu cần có khác về sản phẩm như hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn về sản phẩm… cũng không được đề trên bao bì các sản phẩm này.

Website cungmua.com là một trong những "điểm” mua sắm được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Và trên thực tế, với sự tiện lợi trong giao dịch mua sắm cũng như nhanh gọn, giá cả rất "mềm”, sàn giao dịch điện tử này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng ở khắp các địa phương trên toàn quốc.

Không chỉ có công ty kể trên, mà nhiều cơ sở khác đã lợi dụng sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng như những lỗ hổng trong việc quản lý sàn thương mại điện tử, nhiều DN đã trà trộn hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ nhằm móc túi người tiêu dùng. Với trường hợp của Công ty Cổ phần Cùng Mua, có thể thấy, một thời gian dài người tiêu dùng đã bị công ty này qua mặt khi cố tình trà trộn một số lượng lớn các sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ… để bán cho người tiêu dùng.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao chứa chấp một số lượng lớn các loại sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, mà công ty này vẫn dễ dàng hoạt động, thậm chí hoạt động một cách công khai như vậy? Có lẽ, câu trả lời ở đây chính là: Lỗ hổng trong quản lý sàn thương mại điện tử vẫn quá lớn.

Con dao hai lưỡi

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam, tổng số lượng người dùng internet vào khoảng 35 triệu, trong đó có khoảng 15 triệu người dùng đã từng truy cập các website thương mại điện tử, chiếm 43% lượng người dùng internet. Người dùng truy cập các website thương mại điện tử phần lớn để tra cứu thông tin sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, tham khảo giá, nơi bán… và số người đã từng tham gia đặt hàng và thanh toán online là khoảng 800.000 người. Như vậy, hàng ngày hàng giờ vẫn có một số lượng không nhỏ tham gia và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Với những lợi thế mà giao dịch thương mại điện tử có được, có thể thấy, loại hình kinh doanh này đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam.

Song, rõ ràng, cái gì cũng có tính hai mặt. Bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng, thì không ít DN đã lợi dụng những lợi thế ấy để lừa đảo người tiêu dùng. Theo giới chuyên gia trong ngành, sở dĩ giao dịch thương mại điện tử hiện nay vẫn còn gặp nhiều điểm rối, là bởi ngay trong vẫn đề quản lý, chúng ta đã và đang khá lúng túng.

Đặc biệt, theo nhận định của TS.Mai Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tin học viễn thông Hà Nội, mua bán, kinh doanh qua mạng có những ưu điểm là thuận tiện, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Với việc sử dụng công nghệ cao, nếu kẻ gian muốn lợi dụng công cụ điện tử để lừa đảo thì cũng không khó khăn gì.

Trường hợp MB24 và nhiều vụ việc khác là một ví dụ về những lỏng lẻo trong quy định, quản lý sàn thương mại điện tử. Và nay là trường hợp của Công ty Cổ phần Cùng mua.

Cho dù Nghị định 52 về quản lý thương mại điện tử đã chính thức đi vào thực tiễn hơn 3 tháng, nhưng, để xảy ra trường hợp của Công ty Cùng mua, rõ ràng rằng, những lỗ hổng trong quản lý sàn thương mại điện tử vẫn chưa được bịt chặt. Giới chuyên gia trong ngành cho hay, còn quá nhiều bất cập đang tồn tại trong thương mại điện tử hiện nay cần phải xử lý, như việc nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, mức giá mà các DN đưa ra, sự chặt chẽ trong hợp đồng liên kết của website với các đối tác... Nếu những bất cập nói trên không được giải quyết kịp thời, nhanh chóng và triệt để thì mô hình kinh doanh qua mạng sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Cũng đồng nghĩa với việc, các DN vẫn tiếp tục đánh lừa được người tiêu dùng. Và vô hình trung, sự phát triển của công nghệ tiên tiến lại giống như một con dao hai lưỡi, gây ra nhiều thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70884&menu=1372&style=1