Sản xuất cà phê sạch

TP - Những năm gần đây, một số nơi nông dân đã ứng dụng chế phẩm sinh học sản xuất rau, quả sạch. Tuy nhiên, hướng đến sản xuất cà phê sạch thì đây là lần đầu tiên được Công ty TNHH Tam Nông phối hợp với các Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và doanh nghiệp kinh doanh cà phê tổ chức và hướng dẫn nông dân sản xuất ở Tây Nguyên…

Xây dựng niềm tin cho nông dân và doanh nghiệp Theo nhà khoa học Đoàn Nam Sinh, tác giả chế phẩm sinh học của Cty TNHH Tam Nông, không chỉ hiện nay mà từ lâu nhiều quốc gia phát triển đã ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Tại Hội thảo đầu bờ các điểm trình diễn ứng dụng chế phẩm sinh học ở Cty Cà phê Đăk Uy II, Công ty Cà phê Đăk Uy IV tại tỉnh Kon Tum, để giúp người nông dân trực tiếp thấy hiệu quả sau khi sử dụng chế phẩm, ông Sinh trực tiếp cầm cuốc cuốc nhẹ vào đất quanh gốc cà phê.Theo những lát cuốc, những ấu trùng ve sầu hại rễ cà phê bị nhiễm chế phẩm nấm chết trắng đất. Bộ rễ cà phê khi sử dụng chế phẩm phát triển mạnh hơn, không còn sần sùi do bệnh tuyến trùng. Ông Sinh giải thích, do chế phẩm có tính đối kháng với nấm bệnh, tiêu diệt tuyến trùng theo cơ chế phân hủy và sản sinh ra các hoóc-môn vật chất (kích thích tăng trưởng tự nhiên) và thúc đẩy bộ rễ phát triển. Ông Lê Văn Đức, đội 5, Cty Cà phê Đăk Uy VI nói: “Trước đây người trồng cà phê chúng tôi biết có ấu trùng ve sầu hại cà phê, nhưng không biết cách diệt trừ. Cty TNHH Tam Nông đã cung cấp nấm trắng, nấm xanh diệt ấu trùng ve sầu hiệu quả, bảo vệ cà phê, chúng tôi rất vui mừng”. Còn ông Đặng Viết Xuyên (đội 5) cho biết: “So sánh hai khu cà phê trên cùng diện tích, hiệu quả sử dụng chế phẩm khá rõ. Ở khu vườn cây cà phê sử dụng chế phẩm vi sinh diệt ve sầu, rệp sáp, tuyến trùng hại rễ và phân hữu cơ có chế phẩm Trichoderma... thì cây, lá xanh tốt, quả bung ra và vây đầy cành. Còn ở vườn cà phê không sử dụng chế phẩm và sản xuất theo lối truyền thống trước đây thì cành, lá cà phê vàng hơn; quả nhỏ và ít quả hơn”. Nâng cao chất lượng và giá trị từ cà phê sạch… Điều đáng quý là tuy sản xuất và kinh doanh chế phẩm vi sinh nhưng Cty TNHH Tam Nông không giữ độc quyền mà muốn xã hội hóa chế phẩm. Chính tay ông và các cộng sự đã trực tiếp nhiều lần hướng dẫn và chuyển giao công nghệ cho nông dân dùng chế phẩm Trichoderma để ủ bã vỏ cà phê, cùi bắp, cây đậu, rơm rạ... thành phân hữu cơ chế phẩm để bón cho cây trồng và phòng trừ bệnh tuyến trùng. Từ sự tận tâm của ông và các cộng sự đã giúp hàng trăm nông dân trong vùng sản xuất được phân hữu cơ chế phẩm. Theo tính toán của ông Sinh và các nông dân, ứng dụng chế phẩm sinh học của Cty TNHH Tam Nông, hàng năm người nông dân và các doanh nghiệp sẽ giảm đi khoảng một nửa chi phí đầu tư. Không những thế, ứng dụng chế phẩm sinh học, đất đai được cải tạo tơi xốp và không làm ảnh hưởng đến môi trường. Cũng theo ông Sinh, cà phê Việt Nam thường có giá trị thấp hơn cà phê thế giới một phần vì chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cà phê sạch. Nếu không sản xuất cà phê sạch, Chính phủ không thể giúp người nông dân và các doanh nghiệp nâng cao vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Và tất nhiên, người trồng cà phê Việt Nam mãi mãi chịu thiệt. Một nền nông nghiệp sạch không chỉ riêng cho cây cà phê là hướng đi cần thiết hiện nay.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/501516/san-xuat-ca-phe-sach.html