Sáng 21/9/2016

Những phụ nữ mà tôi thoáng bắt gặp trong hội trường sáng 21/9, họ vừa rộn ràng, tươi tắn, vừa dịu dàng. Là một cuộc hàn huyên, thăm hỏi, làm quen, hình như họ chẳng nhớ, chẳng nghĩ rằng mình là phụ nữ "xuất sắc”, “tiêu biểu”.

Có một vài người không về kịp hoặc phải vội vã lên đường cho một chuyến công tác xa, nên đã không thể tham dự buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ Hội LHPN và phụ nữ tiêu biểu của thành phố được tổ chức sáng ngày 21/9. Cũng trong buổi sáng này, vận động viên Đặng Thị Linh Phượng sau thành tích vang dội tại Paralympics Rio 2016 cùng đồng đội đang trên đường trở về quê nhà. Phượng không về kịp nhưng hai tấm huy chương đồng môn cử tạ đã đưa cô gái vùng ven Bình Thạnh ngày nào vươn mình ra đấu trường quốc tế.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo thì mãi tối 21/9 mới đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến công tác tại Hàn Quốc. Lòng say mê nghiên cứu khoa học chưa bao giờ ngưng nghỉ trong Thảo để mỗi ngày, với sự bền bỉ, thầm lặng và… tài năng, nhà nữ khoa học “made in Vietnam” ấy lần lượt công bố những công trình nghiên cứu công nghệ sinh học phân tử có giá trị trên các tạp chí khoa học thế giới, trở thành tên tuổi có chỉ số trích dẫn (Impact Factor) cao nhất trong khối tạp chí về thực vật - một sự bảo chứng về những phát kiến khoa học.

Hai trong số những phụ nữ vắng mặt ấy chưa bao giờ nghĩ và đặt chân để đi trên con đường dẫn tới mục đích “phụ nữ tiêu biểu” nhưng mỗi bước chân họ đi qua mỗi ngày, với những nỗ lực mạnh mẽ, phi thường, những đóng góp thầm lặng, chính họ đã tạo ra con đường, sự nghiệp hết sức tiêu biểu.

Những phụ nữ mà tôi thoáng bắt gặp trong hội trường sáng 21/9, họ vừa rộn ràng, tươi tắn, vừa dịu dàng, ân cần; là một cuộc hàn huyên, thăm hỏi, làm quen, hình như họ chẳng nhớ, chẳng nghĩ rằng mình là phụ nữ "xuất sắc”, “tiêu biểu”.

Nhưng không chỉ có những dáng vóc mềm mại, thon gọn, đằng sau chiếc áo dài màu hồng khá tương phản cái màu da rám nắng bởi “quanh năm buôn bán ở mom sông” của chị Thanh nuôi heo ở Cần Giờ; đằng sau mái tóc bạc, lưa thưa và dáng hình còm cỏi là người phụ nữ làm chủ Địa chỉ tin cậy cộng đồng (nơi cưu mang những phụ nữ bị chồng bạo hành) mà như lời chị nói, tui cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình; đằng sau cái sự sản đồ sộ của một nữ luật sư là cuộc đồng hành chưa bao giờ ngưng nghỉ vì phụ nữ nghèo, vì người nghèo của luật sư Trương Thị Hòa…

Sự độc tài của chế độ Quốc xã đã từng triệt buộc người phụ nữ trong ba chữ: con cái - bếp núc - nhà thờ (kinder/ kuche/kirche). Hoặc xã hội cận hiện đại của Mỹ cũng nghiễm nhiên xác lập người phụ nữ trong ba thứ - duy nhất: một đam mê - một vai trò - một nghề nghiệp: bà nội trợ. Vậy mà ở những người phụ nữ tôi thoáng gặp hôm ấy, họ vẫy vùng bước qua khỏi bóng tối của bạo lực gia đình, không ngại ngần và cả không khỏi xót đau vén lên dưới ánh sáng những vết sẹo của bạo hành, của cuộc hôn nhân bất hạnh. Và cũng chính họ, cúi xuống thật gần, chìa cánh tay đầy thâm tím để chở che những người phụ nữ khốn khổ sau mình, cần mình.

Vị nữ luật sư dành cả đời cho những lý lẽ đúng sai, nhưng cái buổi sáng ấy, bà rảo quanh mắt để tìm những phận đời khốn khó, thất bại, vươn lên, bởi với bà, đó mới chính là những người phụ nữ thành đạt.

Rõ ràng, ở họ, tôi không nhìn thấy sự yếu đuối hay sợ hãi; hoặc giả, họ đã vượt lên mọi nỗi sợ hãi và yếu đuối để làm chủ bản thân, chiến thắng nghịch cảnh và đồng hành cùng mọi cảnh đời, vì tha nhân, vì cộng đồng. Họ không chỉ duy nhất một đam mê, một vai trò, một nghề nghiệp. Mà gom góp những đam mê và sự nghiệp ấy, họ lên đường và luôn bước về phía trước, bởi trong họ “chức năng nội trợ của phụ nữ không làm khô cạn nguồn sức mạnh của họ” (Theodore Parker - Boston - 1853).

Vì vậy, xúc động, cảm kích bày tỏ về việc lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm, trách nhiệm đối với giới nữ khi lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp với phụ nữ, đó là tình cảm được thể hiện và đền đáp. Đã có một sự “ngồi xuống” và lắng nghe nhau, để cùng giãi bày những ưu tư, trăn trở, những khó khăn, nguyện vọng, cùng nhau gợi mở, tháo gỡ và định hướng những giải pháp bền vững, lâu dài…

Nhưng khi sự cảm kích ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, tôi cảm giác đó là một sự bày tỏ khá… yếm thế của chính những người trong cuộc. Rất cần thiết để thay đổi và phủi bỏ những thói quen… nữ tính mà chính phụ nữ tự phủ lên mình. Không cần phải tỏ ra yếu đuối giả vờ, sợ hãi vặt vãnh và tính toán hoang đường. Một lần nữa, hãy lắng nghe tiếng nói từ bên trong của chính mình, và tự trả lời cho câu hỏi đầy bản sắc: Tôi là ai?

Nhiều người vẫn bảy tỏ ý muốn là cần có những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với phụ nữ. Điều đó chắc chắn là rất cần, rất chính đáng.

Nhưng tôi lại nghĩ và mong chỉ là những lần gặp gỡ, hàn huyên, trò chuyện thân tình, vui vẻ, giản dị như buổi sáng thứ Tư này; còn lại, mấy trăm ngày kia là dành cho đối thoại, tiếp xúc, xúc tiến và bao nhiêu việc “cần làm ngay” của những vị công bộc và những phụ nữ “không biết mệt mỏi”. Đổi lấy nửa ngày, hay cả ngày chia sẻ, giãi bày, vui vẻ để có mấy trăm ngày phụ nữ được tạo cơ hội, được đạt thành các ý nguyện, điều kiện để thi thố, để tiến bộ, để phát triển là một tính toán hợp lý, thuận tình. Nó chẳng phải là biểu đồ thời gian cho hành trình thực thi sự nghiệp bình đẳng giới cho phụ nữ, vì phụ nữ đó sao!

Bởi trong không gian thoáng đãng, vui vẻ, bình dị; trong không khí dân chủ, bình đẳng, chân tình của sáng thứ Tư, ngày 21/9/2016, tôi không nhìn thấy bất cứ một rèm che trướng rũ nào, như 176 năm về trước, khi hai người bạn thân Elizabeth Cady Atannon và Lucretia Mott tranh đấu quyế t liệ t để tham dự Hội nghị thế giới về chống chế độ nô lệ, Ban tổ chức nhượng bộ bằng cách xếp cho hai cô ngồi sau bức rèm để đại biểu nam không nhìn thấy.

Sáng 21/9/2016, tôi chỉ thấy những người phụ nữ đầy màu sắc tràn ngập cả hội trường.

Và cái bắt tay nồng hậu, ân cần, trân trọng của ba người đàn ông - lãnh đạo: Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Lê Huyền Ái Mỹ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/tin-tuc/sang-2192016-83603/