Sang chảnh

'Sang chảnh' ngoài cách nói vui thường ngày khi thấy ai đó có thứ gì mới, xịn, kiểu 'Sang chảnh rứa bây!' thì nó còn chỉ lối sống của các cậu ấm cô chiêu. Họ tự lập ra các nhóm, gọi là 'hội quý tộc', 'hội con nhà giàu', 'hội tỉ phú'... thậm chí lấy ngay cái tên là 'hội sang chảnh'.

Bằng cách này hay cách khác, lối sống sang chảnh đang lan nhanh trong giới trẻ, có thể chủ ý, có thể vô ý. Đó là lối sống đua đòi cho “bằng chị bằng em”. Ngoài tác động tích cực của nó là sự vươn lên thì hầu như tác động nghiêng về phía tiêu cực.

Nói thế là vì, trong lúc bố mẹ lam lũ kiếm đồng tiền bát gạo thì lối sống sang chảnh của con cái là một gánh nặng với gia đình.

Không ít bạn trẻ đang đi học, thay vì chỉ dùng điện thoại bình thường có chức năng nghe gọi và lướt web thì họ cố chạy theo trào lưu, đổi điện thoại từ "đời" này sang "đời" khác, mà mỗi chiếc điện thoại thế hệ mới tính bằng nửa năm tiền lương người mới vào công chức.

Một người quen kể rằng, mỗi tháng họ tích cóp cố gửi cho con đang học đại học 3 triệu đồng, mới rồi cu cậu xin ba mẹ 20 triệu đồng để thay laptop đi thực tập, họ vay mượn nhiều nơi rồi cũng có. Mấy hôm sau đứa em ở nhà phát hiện trên Facebook cậu khoe tặng quà sinh nhật cho bạn gái là một chiếc iPhone 7 plus.

*

Giới trẻ thì đua đòi sang chảnh, còn nhiều người lớn thì sống khoe mẽ. Không có, chưa có vẫn cố sao cho có. Vài năm trở lại đây, gặp nhau chưa hỏi sức khỏe, công việc ra sao mà hỏi... đã mua xe ô tô chưa?

Rất nhiều người mua ô tô không phải để kinh doanh hay vì công việc cần thiết phải có mà chỉ để sáng ra đi ăn sáng, uống cà phê. Đến chỗ đông người bước xuống, bấm khóa cái "choét" cho nó sang.

Một cán bộ quản lý ngân hàng ở Quảng Bình cho biết, rất nhiều người mua xe khi chỉ có đủ 30% số tiền và những người đó sáng nào cũng có mặt ở quán cà phê sang trọng bậc nhất Đồng Hới trong lúc đến hạn chưa trả được lãi suất.

*

Nhưng sự khoe mẽ đó được đẩy lên đỉnh điểm ở những người có tiền, mà đa phần là người kiếm được đồng tiền không đổ mồ hôi, nói không quá là bất chính, thành cuộc sống phô trương, xa hoa.

Có thể nhận thấy rõ nhất trong thời gian gần đây rộ lên thông tin các cán bộ lãnh đạo nhiều tỉnh thành xây biệt phủ, lâu đài, tòa nhà khủng, đi xe xịn, biển số phải đẹp... Nhiều cán bộ khác xây nhà thờ, nhà lưu niệm của dòng tộc không khác gì phủ vua chúa phương Đông hay cung điện quý tộc phương Tây.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Sơn La ngày 17.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với các cán bộ vùng Tây Bắc: “Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”.

Vì sao Thủ tướng nói đó là phản cảm? Tôi chắc chắn, ông rất muốn dân giàu để nước mạnh, nếu người giàu có bằng sức lao động của mình thì chẳng có gì phản cảm, nhưng phản cảm ở chỗ anh đang ăn lương công chức, thu nhập của anh ai cũng biết, anh lấy tiền đâu để xây lâu đài xa hoa như thế?

Một khía cạnh phản cảm khác, giống như anh ngồi trong cùng bàn ăn, ai nấy gọi cơm đĩa thì anh gọi tôm cua rùa cá và rượu ngoại ra ngồi vắt chân chữ ngũ ăn uống cạnh họ.

Đó không còn là sự sang chảnh mà đã thành... trọc phú!

Nguyễn Thế Thịnh - Nguyễn Thế Thịnh

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/sang-chanh-857262.html