Sáng chế đầy tính nhân văn của sinh viên kỹ thuật

Với ý tưởng bắt nguồn từ hình ảnh những cụ già lớn tuổi, bệnh nhân Parkinson bị run tay, khó khăn trong ăn uống, nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã cùng nhau thiết kế, chế tạo thành công máy hỗ trợ ăn uống cho đối tượng là người già, những bệnh nhân bị Parkinson trong các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão.

Mong muốn làm điều gì đó cho cộng đồng

Bắt nguồn từ việc thấy ông bà của mình bị bệnh tuổi già, nhóm 4 chàng trai là sinh viên năm thứ tư khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tiến hành khảo sát tại nhiều bệnh viện và viện dưỡng lão đối với những bệnh nhân bị Parkinson, gặp khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt, để từ đó nghiên cứu, chế tạo công cụ hỗ trợ họ.

Sau 2 tháng tiến hành thiết kế và chế tạo, các bạn sinh viên đã cho ra đời thành công chiếc máy hỗ trợ ăn uống cho các bệnh nhân Parkinson với tên gọi Feedbot.

Chiếc máy thiết kế khá đơn giản, có hình oval và có 3 khay đựng thức ăn, được thiết kế xoay tròn để bệnh nhân có thể đổi món khi ăn, tích hợp và có cảm biến, giúp nhận biết tư thế, vị trí của người bệnh.

Đồng thời, máy có một thiết bị như một cánh tay, có đính kèm muỗng, bên trong là bộ phận định vị, giúp nhận biết chiều cao của người bệnh, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, giúp người bệnh có thể ăn uống thoải mái nhất. Chiếc máy sẽ thực hiện công việc lấy thức ăn, đưa đến cho bệnh nhân.

Thông tin về chiếc máy, em Trần Tấn Thanh - sinh viên năm 4 khoa Cơ khí Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết: Chiếc máy này sẽ hỗ trợ người bệnh Parkinson một cách tối đa trong vấn đề ăn uống, trước mắt máy vẫn đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Nếu như phù hợp với người dùng, em mong muốn sẽ được đưa vào các bệnh viện, viện dưỡng lão để hỗ trợ các cụ già, bệnh nhân.

Để điều khiển chiếc máy này, các bạn sinh viên cũng thiết kế một chiếc romote điều khiển chỉ bằng 2 phím bấm, đơn giản và nhỏ gọn nhất truyền đến cánh tay robot (qua wifi) để các bệnh nhân có thể sử dụng. Hai phím điều khiển này có thể giúp bệnh nhân điều chỉnh chiều cao của cánh tay lấy thức ăn, chọn món ăn, múc thức ăn.

Đồng thời, các bạn sinh viên cũng đưa vào một chương trình theo dõi, sau mỗi lần ăn, máy sẽ tự động thống kê các số liệu dinh dưỡng, tốc độ lấy thức ăn, giúp cho các trung tâm quản lý, bệnh viện có thể theo dõi được chế độ dinh dưỡng, số lần ăn của bệnh nhân, từ đó có một chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân.

Khó khăn không thể cản bước ý tưởng

Nói về những khó khăn trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên lý để chế tạo máy, nhóm sinh viên cho biết: Mọi kiến thức đều nằm trong sự hiểu biết của các bạn bởi nó thuộc chuyên ngành các em đang học.

Khó khăn lớn nhất theo Tấn Thanh chính là tìm kiếm vật liệu chế tạo máy sao cho phù hợp, các phần mềm, cảm biến cần thiết kế, tạo lập để máy không chỉ hỗ trợ các bệnh nhân Parkinson khó khăn trong việc ăn uống mà còn giúp họ nắm được thông số dinh dưỡng, lượng calo sau mỗi bữa ăn để từ đó có một chế độ dinh dưỡng tốt nhất, phù hợp nhất cho bản thân.

Đánh giá về sáng tạo và nghiên cứu của nhóm sinh viên làm ra máy Feedbot, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho rằng:

Thiết bị hỗ trợ bệnh nhân Parkinson ăn thật sự là một sản phẩm nhiều ý nghĩa, thực tiễn mang tính nhân văn cao. Nó không chỉ thể hiện rõ triết lý đào tạo của nhà trường, mà còn cho thấy tính sáng tạo mạnh mẽ của sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, chiếc máy hỗ trợ ăn uống cho người già, bệnh nhân Parkinson (Feedbot) sẽ là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho các gia đình, các trung tâm dưỡng lão có thể chăm sóc một cách tốt nhất cho các bệnh nhân của mình.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/sang-che-day-tinh-nhan-van-cua-sinh-vien-ky-thuat-2953646-b.html