Sáng chế hữu ích vì thầy cô và bạn bè

GD&TĐ - Làm cách nào để lau bảng tự động? Lau bảng để bụi phấn không bay ra không khí xung quanh hoặc ít nhất giảm bụi trong môi trường? Đây là những câu hỏi được đặt ra, hun đúc ý chí quyết tâm phải làm bằng được robot lau bảng của nhóm tác giả.

Ý tưởng từ thực tế

Nhưng cả 2 học sinh Cần Thơ đều không biết phải bắt đầu từ đâu để giải quyết những vấn đề đặt ra. Một lần, 2 bạn tình cờ thấy chiếc xe đồ chơi điện tử chạy trên tường được điều khiển bằng remote. Thế là ý tưởng được hình thành.

Nhật Duy chia sẻ: “Một chiếc xe đồ chơi bám tường chỉ có thể leo lên vách tường dựng đứng hoặc trần nhà là sản phẩm của công nghệ cao. Mặc dù vậy, động cơ của chiếc xe đồ chơi chỉ đủ để giúp xe bám chạy trên tường, còn thêm nhiệm vụ lau bảng, xe bị rơi vì động cơ không đủ sức. Từ đó, chúng em đã phải tự nghiên cứu và thiết kế riêng cho robot lau bảng có độ bám tốt hơn, động cơ mạnh hơn để có thể vừa bám được và vừa lau được bảng đã viết chữ”. Ý tưởng là vậy, nhưng làm thế nào để chế tạo ra robot phải có tính thẩm mĩ, đồng thời giá thành phù hợp, đặc biệt phải điều khiển từ xa bằng điện thoại.

Những kiến thức về lập trình, về điện học, vật lí… là phần mới mẻ và còn nhiều hạn chế đối với những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo nhóm tác giả, sau khi thống nhất ý tưởng và hoàn thiện bản vẽ, cả hai chia nhỏ công việc theo nhiều cấp độ. Đầu tiên là nghiên cứu tài liệu về cơ chế bám tường, điều khiển robot tự động, chuyển động của robot. Tham khảo các mô hình, ý tưởng, các loại mạch điện tử, kỹ thuật phần mềm… Sau đó, thiết kế dưới hình thức mẫu rồi quan sát, phát hiện lỗi để khắc phục và làm robot thật. Để hoàn thành sản phẩm, nhiều bộ phận, vật liệu… được các bạn tìm kiếm và đặt mua trên mạng.

Thành quả của niềm đam mê

Sau hơn 7 tháng, robot lau bảng được hoàn thành. Theo nhóm tác giả, phần “ngốn” thời gian nhiều nhất là làm sao để cho robot có thể bám, lau bảng và chạy theo điều khiển được. “Phần chế tạo, lắp đặt động cơ để cho robot có thể bám tường và điều khiển theo ý mình là công đoạn vô cùng khó khăn. Sau hơn 5 tháng trời ròng rã, chúng em mới hoàn thành. Tuy vậy, chúng em phải phân bổ thời gian để tránh ảnh hưởng đến việc học và sinh hoạt trong trường”, Trúc Linh cho biết.

Được biết, trước đó, vào năm học 2015 - 2016, Nhật Duy và Trúc Linh đã cùng hợp tác thực hiện đề tài “Hệ thống cung cấp điện tự động cho đèn đường và tín hiệu giao thông” và đạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Sắp tới, nhóm tác giả cho biết sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm với hệ thống hút bụi tốt hơn, tăng thêm động cơ để tốc độ lau nhanh hơn, tiết kiệm thời gian. Song song đó là việc phát triển sản phẩm để ứng dụng vào việc lau cửa sổ ở nhà cao tầng hay phát hiện người bị kẹt trong thang máy… Với sáng chế robot lau bảng, nhóm tác giả đã được giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2016 - 2017.

Cô Đỗ Trần Ngọc Khánh - Tổ trưởng Tổ Vật lý - Công nghệ, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đồng thời là giáo viên hướng dẫn cho sáng chế robot lau bảng - cho biết: “Năm học 2015 - 2016, Nhật Duy và Trúc Linh từng đạt giải cuộc thi này nên tác phong làm việc khá “chuyên nghiệp”; nhạy bén tìm kiếm, tích lũy thông tin phục vụ đề tài. Cô trò cùng nhau bàn bạc hàng tháng trời xây dựng ý tưởng về kỹ thuật robot. Quá trình thực hiện đề tài thường bị lỗi, mất nhiều thời gian thiết kế lại. Hai em đã kiên trì và cố gắng rất nhiều để có được thành quả tại cuộc thi năm nay”.

Đoan Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/sang-che-huu-ich-vi-thay-co-va-ban-be-3070983-b.html