Sáng chế nhỏ, hiệu quả lớn và ước mơ khởi nghiệp

Qua thời gian nghiên cứu chế tạo, nhóm sinh viên thực hiện đề tài đã tạo sản phẩm hệ thống pha chế cocktail tự động. Hệ thống này ứng dụng trong nhà hàng, khách sạn hoặc hộ gia đình với nhiệm vụ pha chế cocktail tự động, áp dụng công nghệ bluetooth để điều khiển từ xa.

Nhóm sinh viên Khoa Ðiện - Ðiện tử, Trường đại học Duy Tân (Ðà Nẵng) nhận giải thưởng Euréka.

Nhóm sinh viên Khoa Ðiện - Ðiện tử, Trường đại học Duy Tân (Ðà Nẵng) nhận giải thưởng Euréka.

Sáng chế này của các bạn trẻ đã được chuyển giao ngay cho một doanh nghiệp lớn ngay tại Lễ trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2016. Từ đây, nhóm sinh viên trẻ bắt đầu chuẩn bị một ý tưởng khởi nghiệp mới gắn với nghiên cứu khoa học.

Euréka là giải thưởng dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Năm nay giải thưởng có sự tham gia của 621 đề tài của sinh viên đến từ 75 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc. Vòng chung kết với sự tham gia tranh tài của 267 tác giả với 115 công trình nghiên cứu khoa học ở 11 lĩnh vực: kinh tế, xã hội nhân văn, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch - kiến trúc - xây dựng, pháp lý, công nghệ hóa dược, tài nguyên môi trường, nông lâm ngư, công nghệ sinh - y sinh. Kết quả có năm sáng chế - ý tưởng - đề tài đã được chuyển giao tại lễ trao giải.

Nhóm sinh viên Bùi Tấn Tài, Ðặng Văn Lập, Nguyễn Thọ Thảo, Lê Bá Ðông, Huỳnh Ngọc Long (Khoa Ðiện - Ðiện tử, Trường đại học Duy Tân, TP Ðà Nẵng) (xem ảnh) đã thiết kế hệ thống pha chế cocktail tự động giúp pha chế các loại cocktail từ xa một cách tự động đáp ứng được các yêu cầu: chính xác, đơn giản, hoạt động ổn định, tính thẩm mỹ cao. Hệ thống pha chế này được ban tổ chức đánh giá là làm việc nhanh gọn, chính xác, không cần nhiều người vận hành và giám sát.

Sinh viên Bùi Tấn Tài cho biết, với hệ thống này, khách hàng có thể gọi loại cocktail từ xa ngay tại bàn mà không cần phải chờ đợi nhân viên phục vụ, giúp các bartender có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn. Ðồng thời, hệ thống giúp giảm sự can thiệp của nhân công. Ngoài ra, nó còn có mục đích trang trí nội thất trong nhà hàng khách sạn, quầy bar trở nên sang trọng và đẹp hơn.

Theo thiết kế, hệ thống gồm khối nguồn: cung cấp nguồn điện 12V cho hệ thống; khối hiển thị: hiển thị thông tin ra màn hình LCD; vi điều khiển: nhận dữ liệu từ module bluetooth HC-05 và keypad 4x4 để điều khiển module a4988 điều khiển động cơ bước; keypad 4x4: là bàn phím, để người dùng chọn loại cocktail và module a4988: điều khiển động cơ để thực hiện việc rót rượu và hứng rượu, module bluetooth HC-05 kết nối bluetooth.

Sinh viên Ðặng Văn Lập nói, để có thể thực hiện gọi loại cocktail từ điện thoại thông qua kết nối bluetooth, ngoài việc kết nối bluetooth từ điện thoại tới module HC-05 thì phải lập trình một ứng dụng Android có giao diện để người dùng chọn loại cocktail.

Sau khi khởi động hệ thống pha chế cocktail tự động, module bluetooth sẽ trong trạng thái chờ kết nối bluetooth và kiểm tra giá trị trả về từ điện thoại thông minh của người dùng. Khi người dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối bluetooth với module bluetooth HC-05 và chọn loại cocktail thì hệ thống sẽ thực hiện việc pha loại cocktail đó.

Theo Ban tổ chức, thử nghiệm trong môi trường trong nhà, cụ thể là trong nhà hàng, quán bar với số lượng người sử dụng nhiều và trong hộ gia đình số lượng người sử dụng ít, hệ thống này pha liên tục 10 loại cocktail khác nhau, cách nhau với mỗi lần pha là 20 giây. “Thông qua việc thực hiện đề tài này, nhóm chúng em đã nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ các chuẩn giao tiếp cũng như sử dụng thành thạo các loại module. Ðồng thời, nâng cao tay nghề cơ khí như khoan, cắt, ghép nối và nắm được các giải thuật điều khiển phức tạp. Chúng em cũng định khởi nghiệp từ sáng chế này nhưng sẽ cải tiến thêm cho đẹp, gọn và tiện dụng hơn”, sinh viên Nguyễn Thọ Thảo khẳng định.

Khi được hỏi về hướng phát triển sản phẩm, sinh viên Huỳnh Ngọc Long hồ hởi nói: “Chúng em sẽ nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hoàn thiện hơn như có thể điều khiển qua giọng nói; sử dụng các công nghệ không dây khác như wifi; thêm màn hình cảm ứng thay keypad và LCD và cải tiến hệ thống cho gọn hơn. Hiện nay, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP Ðà Nẵng, trong đó ẩm thực là phần không thể thiếu. Ðể nâng cao chất lượng phục vụ du khách, các khâu trong chế biến đồ ăn, thức uống phải dần được tự động hóa, trong đó có khâu pha chế cocktail”.

Bài và ảnh: MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/32037802-sang-che-nho-hieu-qua-lon-va-uoc-mo-khoi-nghiep.html